MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn hóa Vingroup về sát ngưỡng 200.000 tỷ đồng

Vốn hóa Vingroup về sát ngưỡng 200.000 tỷ đồng

Tại mức giá đóng cửa phiên 29/9, vốn hóa của Vingroup giảm còn hơn 208 nghìn tỷ đồng, đứng thứ ba toàn thị trường chứng khoán.

Phiên hôm nay 29/9, thị trường tăng điểm ngay từ khi mở cửa. Tuy nhiên dòng tiền hững hờ đứng ngoài khiến động lực cho đà tăng dần trở nên yếu ớt, cộng thêm áp lực bán mạnh vào cuối phiên chiều khiến chỉ số quay đầu đóng cửa tại mức điểm thấp nhất ngày. VN-Index mất thêm hơn 17 điểm, lùi về ngưỡng 1.126, đánh dấu phiên thứ 5 liên tiếp đóng cửa dưới tham chiếu.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu xuất phát từ việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh, tạo nên lực cản mạnh lên chỉ số. Trong đó, cổ phiếu VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup tác động làm giảm gần 2,8 điểm của VN-Index hôm nay khi ghi nhận mức giảm sâu 5% xuống 54.600 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong gần 5 năm trở lại đây của cổ phiếu VIC, kể từ tháng 12/2017. So với thời điểm đầu năm 2022, cổ phiếu VIC mất tới 46% giá trị sau 9 tháng giao dịch.

Cổ phiếu Vingroup xuống mức thấp nhất gần 5 năm, vốn hóa về sát ngưỡng 200.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Cổ phiếu VIC về đáy gần 5 năm

Đà giảm của cổ phiếu VIC bắt đầu sau khi doanh nghiệp báo lỗ hơn 9.000 tỷ đồng trong quý 4/2021. Song thực tế, nguyên nhân khiến Vingroup thua lỗ đến từ tác động của đại dịch Covid-19 và hoạt động tài trợ của Tập đoàn với khoản tài trợ lên tới 6.100 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn cũng quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện, dẫn tới phải ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.

Theo Vingroup, nếu không tính những khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch đầu năm như kể trên, Vingroup vẫn lãi sau thuế 4.373 tỷ đồng trong năm 2021 (thay vì khoản lỗ hơn 7.500 tỷ đồng như báo cáo).

Sang tới nửa đầu năm 2022, Vingroup ghi nhận 1.027 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 30% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu từ mảng bất động sản giảm mạnh trong quý 2.

Cổ phiếu Vingroup xuống mức thấp nhất gần 5 năm, vốn hóa về sát ngưỡng 200.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Mirae Asset đánh giá, điểm rơi lợi nhuận mảng bất động sản chủ yếu rơi vào 2 quý nửa cuối năm, do đó dự báo mảng này vẫn mang về hơn 91.000 tỷ đồng trong năm 2022 cho Vingroup nhờ vào việc bàn giao phân khu thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2.

Đồng thời, mảng cho thuê thương mại cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 sau khi đã cho thấy sự hồi phục rõ rệt về lượng khách trong quý 2. Trong năm 2023, VRE dự kiến sẽ mở thêm 2 Vincom Mega Mall; ngoài ra cũng sẽ mở thêm Vincom Plaza tại một số địa phương như Hà Giang, Điện Biên Phủ, Quảng Trị, nâng tổng diện tích lên gần 2 triệu m2 (tăng khoảng 14% so với quy mô hiện tại).

Tại mảng xe điện, trong vòng 9 tháng đầu năm 2022, VinFast đã công bố một loạt kế hoạch lớn ở thị trường Mỹ. Đáng chú ý vào ngày 21/5/2022, Vingroup phê duyệt việc dùng tài sản làm tài sản bảo đảm và cấp bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu doanh nghiệp do VinFast phát hành năm 2022 với tổng mệnh giá tối đa là 2.000 tỷ đồng.

Giám đốc tài chính David Mansfield của VinFast Global trong cuộc trao đổi ngày 21/9 cho biết nhà sản xuất ô tô Việt Nam có kế hoạch bắt đầu giao xe điện cho khách hàng ở châu Âu và Mỹ trước cuối năm nay, nhằm mục đích có lãi trong vòng ba năm tới. VinFast đặt mục tiêu sẽ bán được khoảng 1 triệu ô tô điện trên toàn cầu trong vòng 5 đến 6 năm tới. Ngoài 150.000 xe/năm sản xuất tại nhà máy ở North Carolina, VinFast đang tìm kiếm một địa điểm ở châu Âu cho nhà máy thứ ba.

Vốn hóa về sát ngưỡng 200.000 tỷ đồng, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tụt 237 bậc trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới

Tại mức giá đóng cửa phiên 29/9, vốn hóa của Vingroup giảm còn hơn 208 nghìn tỷ đồng, đứng thứ ba toàn thị trường chứng khoán. Trước kia, Vingroup từng là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường. Tuy nhiên, những nhịp điều chỉnh trong thời gian qua đã khiến Vingroup tụt hạng, thậm chí đứng dưới cả Vinhomes (VHM).

Không chỉ vậy, với việc nắm giữ gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC (trong đó có 1,17 tỷ cổ phiếu gián tiếp sở hữu thông qua nắm 92,88% cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), khối tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đà giảm của giá cổ phiếu.

Theo Forbes, hiện tài sản của ông Phạm Nhật Vượng được định giá 4,1 tỷ USD, đứng thứ 648 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, tụt 237 bậc so với vị trí 411 công bố hồi giữa năm 2022. Số tiền này còn thấp hơn 4,2 tỷ USD tài sản của ông trong năm 2018. Hồi năm 2021, khối tài sản của vị Chủ tịch này từng lên tới 7,3 tỷ USD.

Cổ phiếu Vingroup xuống mức thấp nhất gần 5 năm, vốn hóa về sát ngưỡng 200.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Nhìn chung, với nhiều nhà đầu tư, mức độ thiệt hại tài sản như trên có thể được xem là tương đối đáng kể. Song trên thực tế, hầu hết người đứng đầu những doanh nghiệp hiếm khi thống kê tài sản hay giao dịch cổ phiếu khi thị trường xuất hiện các đợt chao đảo. Mục đích chính của người làm chủ doanh nghiệp vẫn là xây dựng và đảm bảo các kế hoạch kinh doanh của công ty, do vậy, việc giá cổ phiếu đang sở hữu tăng hay giảm đối với họ gần như không phải là tác động quá lớn.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên