Cổ phiếu VNM đạt đỉnh từ khi niêm yết, vốn hóa Vinamilk vọt lên bằng cả Vingroup và Vietinbank cộng lại
Tính tới hết phiên giao dịch ngày 4/7, thị trường chứng khoán Việt Nam có 4 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng là Vinamilk (mã chứng khoán VNM), PVGas (mã chứng khoán GAS), Vietcombank (mã chứng khoán VCB), Vingroup (mã chứng khoán VIC).
Kết thúc phiên giao dịch 4/7/2016, thị giá cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đạt 145.000 đồng/cp, mức đóng cửa cao nhất kể từ khi niêm yết (tính theo giá điều chỉnh). So với hồi đầu năm, cổ phiếu VNM đã tăng gần 15%.
Thực ra, nếu so với nhiều, thậm chí rất nhiều cổ phiếu khác, mức sinh lãi của cổ phiếu VNM không phải lớn. Trên thị trường, nhiều cổ phiếu tăng trưởng vài trăm phần trăm một năm là điều không hiếm gặp. Nhưng với VNM, người ta nhìn thấy sự phát triển ổn định năm này sang năm khác nên lựa chọn VNM cho vào danh mục là điều nhiều nhà đầu tư theo trường phái cơ bản vẫn làm.
Biểu đồ biến động giá cổ phiếu VNM kể từ khi niêm yết đã loại trừ điều chỉnh giá trả cổ tức, cổ phiếu thưởng và phát hành thêm (nếu có)
Tại mức giá 145.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa Vinamilk đạt xấp xỉ 171 nghìn tỷ đồng, cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và bỏ xa vốn hóa của doanh nghiệp đạt vốn hóa cao thứ nhì và thứ ba thị trường chứng khoán là PVGas (mã GAS), Vietcombank (VCB) đến gần 45 nghìn tỷ.
Tính tới hết phiên giao dịch ngày 4/7, thị trường chứng khoán Việt Nam có 4 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng là Vinamilk (mã chứng khoán VNM), PVGas (mã chứng khoán GAS), Vietcombank (mã chứng khoán VCB), Vingroup (mã chứng khoán VIC).
Cách biệt khá xa khỏi top vốn hóa trăm nghìn tỷ là Vietinbank (mã CTG) với vốn hóa gần 64 nghìn tỷ và BIDV (mã BID) với vốn hóa gần 60 nghìn tỷ.
Như vậy, bất chấp cổ phiếu VIC của ông Phạm Nhật Vượng cũng lập đỉnh hôm qua thì vốn hóa thị trường của Vinamilk vẫn cao hơn vốn hóa của Vingroup và Vietinbank cộng lại.
Trí Thức Trẻ