MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu "vua" trở lại đường đua?

Thị trường chứng khoán trong nước đi lên với sự đóng góp tích cực của cổ phiếu ngành ngân hàng nhưng có sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch tích cực. VN-Index tăng hơn 33 điểm, đang hướng đến 1.290 - 1.300 điểm - vùng đỉnh cũ vào tháng 7-2024.

Người vui mừng, kẻ tiếc nuối

Sự tích cực của thị trường chứng khoán tuần qua có sự đóng góp rất tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng (NH) vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, ACB... Đây là nhóm cổ phiếu đang được giới đầu tư lẫn các chuyên gia đánh giá cao nhờ có nhiều triển vọng tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, cổ phiếu NH có diễn biến tích cực thời gian qua, đóng góp vào đà phục hồi của VN-Index sau đợt điều chỉnh về dưới vùng 1.200 điểm hồi đầu tháng 8. Chỉ trong 1 tuần, cổ phiếu CTG của VietinBank tăng một mạch từ vùng 30.000 đồng lên sát 35.000 đồng - tăng tới 15% so với tuần trước đó. VCB, BID, LPB cũng là những cổ phiếu NH diễn biến tích cực trong tuần qua.

Với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu NAB của Nam A Bank, tính từ thời điểm NH này chia cổ tức 25% vào giữa tháng 7, đến nay giá đã tăng khoảng 30%. Không ít nhà đầu tư tiếc nuối vì đã bán cổ phiếu này trong đợt lao dốc của thị trường vào giữa tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua.

Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin với nhóm cổ phiếu NH suốt từ đầu năm đến nay. Anh Nguyễn Việt - ngụ TP HCM, nhà đầu tư đã gần chục năm tham gia thị trường chứng khoán - cho biết vẫn giữ rất nhiều cổ phiếu VPB của VPBank vì tin vào triển vọng tăng trưởng của NH này. Giá cổ phiếu VPB đi ngang, tích lũy suốt 1 năm qua, chỉ cần điều kiện thuận lợi là sẽ bước vào sóng tăng. "Bạn bè tôi ai cũng có ít nhất 1 mã cổ phiếu NH trong tài khoản như SHB, OCB, VIB, TPB, với kỳ vọng sẽ có sóng sau thời gian dài biến động trong vùng hẹp" - anh Việt thông tin.

Cổ phiếu NH vốn được xem là cổ phiếu "vua" bởi quy mô vốn hóa lớn, số lượng chiếm tỉ lệ áp đảo trên sàn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng cổ phiếu NH sẽ là tâm điểm đầu tư từ nay tới cuối năm. Hai yếu tố được quan tâm là tăng trưởng tín dụng và tăng cường trích lập dự phòng. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% trong năm nay nhờ nhu cầu vốn sẽ tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Có điều, năng lực đẩy mạnh tín dụng giữa các NH sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ. Theo đó, NH nào có chất lượng tài sản tốt, tỉ lệ nợ xấu thấp sẽ có nhiều dư địa cho vay hơn. Điều này cũng thể hiện rõ trong 6 tháng đầu năm 2024 - một số NH ghi nhận tăng trưởng tín dụng 2 chữ số, song cũng có vài nơi chỉ giải ngân cho vay thêm 2% - 3% so với cuối năm 2023, đi cùng tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn 50% và tỉ lệ nợ xấu trên 3%.

Định giá hấp dẫn

Theo bà Trần Khánh Hiền, lợi nhuận ngành NH được dự báo sẽ tăng lần lượt 20% và 30% trong quý III và IV/2024, trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa định giá các cổ phiếu NH sẽ đạt mức hấp dẫn, thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào.

"Định giá P/B của nhóm cổ phiếu "vua" hiện chỉ ở mức 1,5 lần, thấp hơn so với trung bình 3 năm gần đây. Cổ phiếu NH sẽ là một trong những ngành tiêu điểm cho câu chuyện đầu tư những tháng cuối năm" - bà Hiền nhận định.

Các chuyên gia dự báo cổ phiếu ngân hàng có thể là tâm điểm của thị trường chứng khoán trong những tháng còn lại của năm 2024 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các chuyên gia dự báo cổ phiếu ngân hàng có thể là tâm điểm của thị trường chứng khoán trong những tháng còn lại của năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cũng cho rằng cổ phiếu ngành NH là 1 trong 2 nhóm ngành mang lại cơ hội đầu tư tốt cho giai đoạn còn lại của năm 2024. Dù chất lượng tài sản của một số NH gần đây có sự suy giảm nhưng sẽ sớm phục hồi khi nền kinh tế được cải thiện. Hơn nữa, nhiều luật liên quan thị trường bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-8 sẽ giúp các NH dễ dàng hơn trong việc ghi nhận giá trị từ tài sản thế chấp.

"Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, vượt mục tiêu 15% của NH Nhà nước sẽ thúc đẩy thu nhập của các NH. Đặc biệt, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm bớt sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ, từ đó giảm nguy cơ khiến mặt bằng lãi suất tăng cao. Các NH đang giao dịch ở mức P/B hấp dẫn so với mức trung bình 5 năm" - ông Barry Weisblatt David đánh giá.

Với nợ xấu, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán Maybank, cho biết tổng các khoản nợ xấu của 17 NH niêm yết tăng 6% trong quý II/2024. Tỉ lệ nợ xấu đến cuối quý II của hệ thống NH là 1,97%. Các khoản nợ quá hạn chủ yếu đến từ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành thương mại, thép và bán lẻ do cho vay thế chấp, tài chính tiêu dùng khiến nợ xấu gia tăng.

"Vị thế nợ xấu của các NH dường như đang thấp hơn đáng kể so với những lo ngại. So với các NH trong khu vực (như Thái Lan, Indonesia), tỉ lệ nợ xấu này không quá cao. Thực tế, 11 NH trong nước vẫn có tỉ lệ nợ xấu ở mức chấp nhận được" - ông Thành phân tích. 

Lãi suất tiền gửi vẫn trong xu hướng tăng

Báo cáo cập nhật ngành NH mới đây của Công ty Chứng khoán Maybank cho thấy lãi suất liên NH tăng cao thời gian qua đã tác động lan tỏa đến lãi suất tiền gửi. Nhiều NH chuyển sang huy động thêm tiền gửi từ khách hàng, thay vì dựa vào việc vay vốn trên thị trường liên NH.

Các chuyên gia của Maybank dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 0,5 điểm % từ nay tới cuối năm do tăng trưởng tín dụng nhích lên. Mức tăng này là hợp lý, không gây ảnh hưởng lớn đến NH và nền kinh tế xét về mặt chi phí huy động vốn.

Có điều, theo một số chuyên gia tài chính, biên lãi ròng của các NH sẽ chưa thể cải thiện trong các quý còn lại của năm nay. Bởi lẽ, lãi suất đầu vào tăng song lãi suất cho vay chưa bắt nhịp với đà tăng này mà vẫn sẽ duy trì ở mặt bằng hiện tại, trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NH nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.


Theo Thái Phương

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên