Cổ phiếu VVS chào sàn chứng khoán, doanh nghiệp VIMID có gì hấp dẫn?
Ban lãnh đạo VIMID cho biết, công ty đưa cổ phiếu lên sàn với mong muốn lớn nhất là minh bạch thông tin, xây dựng VIMID thành công ty chuyên nghiệp sẵn sàng hội nhập với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Sáng ngày 7/10/2022, CTCP Đầu tư phát triển máy Việt Nam (VIMID) đã chính thức đưa 20,5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán VVS. Giá tham chiếu chào sàn trong ngày giao dịch đầu tiên đạt 14.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá gần 300 tỷ đồng.
Việc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán đánh dấu bước ngoặt quan trọng của công ty, đưa thương hiệu VIMID đến gần hơn với cộng đồng, được nhiều người biết đến và minh bạch thông tin hơn. Công ty đặt mục tiêu giữ vững vị thế top đầu doanh nghiệp phân phối xe tải hạng trung, hạng nặng tại Việt Nam, và hướng tới mục tiêu Top 3 các doanh nghiệp sản xuất phân phối xe tải tại Việt Nam.
Để chuẩn bị cho quá trình lên sàn và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, năm 2021 vừa qua, VIMID thực hiện tăng vốn điều lệ gấp đôi từ mức 100 tỷ đồng lên 205 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu (10 triệu cổ phiếu) và phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên (500.000 cổ phiếu).
Hiện, VIMID có tổng cộng 105 cổ đông bao gồm có 1 tổ chức và 104 cá nhân trong đó 3 cổ đông lớn nắm giữ 64,63% cổ phần. Ông Nguyễn Vũ Trụ, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất sở hữu 45% vốn.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Vũ Trụ cho biết "VIMID bây giờ mới bước vào giai đoạn tăng tốc. Giá trị công ty sẽ tăng trưởng mạnh khi hoàn thành chiến lược 100km - 1 trạm 3S. Công ty đưa cổ phiếu lên sàn với mong muốn lớn nhất là minh bạch thông tin, xây dựng VIMID thành công ty chuyên nghiệp sẵn sàng hội nhập với các đối tác trong khu vực và trên thế giới."
Mục tiêu tăng trưởng tham vọng
Thành lập từ tháng 3/2010 với vốn điều lệ ban đầu 1,8 tỷ đồng, VIMID hoạt động chính trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối các loại xe tải hạng trung, hạng nặng, các sản phẩm Sơ mi – rơ mooc và xe chuyên dụng; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa; Đại lý liên kết ngân hàng, bảo hiểm, các công ty tài chính...
Ngay từ khi thành lập, VIMID vẫn luôn tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là nhập khẩu và phân phối xe tải hạng trung và hạng nặng mới 100% tới từ thương hiệu Sinotruk. Trong một thị trường đầy cạnh tranh với đa dạng các loại sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật bản, Trung Quốc.... Trong nhiều năm liền các dòng xe của Sinotruk vẫn có một chỗ đứng vững vàng với thị phần chiếm khoảng 30-35% thị phần xe tải hạng trung và hạng nặng so với các hãng còn lại, và Vimid chính là nhân tố chính góp phần định hình sản phẩm, thị phần của tập đoàn Sinotruk tại thị trường Việt Nam
Với mạng lưới phân phối trải dài khắp cả nước, từ năm 2015, VIMID vẫn luôn dẫn đầu về doanh số bán hàng các dòng xe Howo của Sinotruk. Công ty hiện đã trở thành đơn vị top đầu Việt Nam về thị phần xe tải hạng trung và hạng nặng mới 100%. Nhờ đó, kết quả kinh doanh cũng liên tục tăng trưởng cao qua từng năm.
Từ vài chục tỷ đồng những ngày đầu thành lập, doanh thu năm 2021 của VIMID đã vượt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng mạnh 89% so với cùng kỳ, lên gần 18 tỷ đồng. Trên nền so sánh cao của năm ngoái, công ty tiếp tục lên kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2022 với mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 25% và 78% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm 2022, công ty tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng 67% so với cùng kỳ, đạt 2.383 tỷ đồng. Lãi ròng thu về hơn 4,2 tỷ đồng.
Lý giải về việc doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ nhưng lợi nhuận vẫn ở mức khá thấp, chưa đạt được theo kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Vũ Trụ cho biết nguyên nhân do công ty đang tập trung nguồn lực vào việc mở rộng chuỗi trạm chi nhánh, các chuỗi trạm chưa đi vào hoạt động ổn định nên chưa đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, bên cạnh đó do ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, dẫn tới có nhiều sự biến động lớn về tỷ giá và chi phí lãi vay điều đó khiến cho chi phí tài chính tăng mạnh, hiệu quả về lợi nhuận chưa được như mức kỳ vọng, trong 6 tháng đầu năm công ty tập trung vào mục tiêu hoàn thành kế hoạch duy trì ổn đinh, mở rộng hệ thống chuỗi trạm 3S và tăng trưởng doanh thu, thị phần, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài. Ngoài hoạt động kinh doanh chính VIMID cũng có các hoạt động đầu tư tài chính nhằm tối ưu nguồn vốn và gia tăng hiệu quả từ hoạt động tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, VIMID chưa dừng lại ở mục tiêu 25 chi nhánh cuối năm nay mà sẽ tiếp tục mở ra những chi nhánh mới, biến mình thành một trong số ít doanh nghiệp kinh doanh vận tải có độ phủ cao. Theo ước tính của ban lãnh đạo, khi hệ thống chuỗi trạm trải dài cứ 100km/1 trạm 3S và các chi nhánh chuỗi trạm đi vào hoạt động ổn định, phát triển, doanh thu cho 1 chuỗi trạm của VIMID có thể đạt từ 200 đến 300 tỷ đồng /năm , lợi nhuận sau thuế đạt mức 2 đến 3 tỷ đồng/trạm/năm.
Con số hoàn toàn có cơ sở khi thị trường xe tải hạng trung và hạng nặng mới bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Định hướng đẩy nhanh tiến độ đầu tư công của Chính phủ trong những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy sự bùng nổ doanh số bán xe các nhãn hiệu của Sinotruck trong thời gian tới. Thêm nữa, triển vọng của ngành xe tải hạng nặng và hạng trung trong tương lai cũng được đánh giá khả quan do lĩnh vực logistics vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi Việt Nam vẫn đang mạnh tay đầu tư cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Với sức mạnh nội tại đã được chuẩn bị trong 12 năm qua, VIMID có kế hoạch đầy tham vọng, tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối và đặt mục tiêu trở thành top 3 Tập đoàn kinh doanh xe tải hàng đầu Việt Nam vào năm 2025. Công ty hướng đến tham vọng trở thành Tập đoàn công nghiệp xe tải hàng đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot, năng lượng sạch tại Việt Nam và khu vực trong giai đoạn 2026-2030.
Nhịp Sống Kinh Tế