MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ quan quản lý luôn “quan tâm đặc biệt” tới các cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường

Cơ quan quản lý luôn “quan tâm đặc biệt” tới các cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường

Các cổ phiếu có diễn biến giao dịch bất thường luôn được nhiều cơ quan phối hợp giám sát chặt chẽ, qua nhiều cấp. Nếu phát hiện dấu hiệu hành vi vi phạm qua khâu giám sát, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hoặc phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và xử lý theo quy định.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Công Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi trao đổi với phóng viên về hiện tượng một số cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch, tăng giá bất thường thời gian gần đây trên thị trường chứng khoán (TTCK).

PV: Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Riêng đối với công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK có ảnh hưởng thế nào khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Minh: Trong bối cảnh nhiều địa phương trong cả nước áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBCKNN đã có sự điều chỉnh linh hoạt hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. UBCKNN tạm thời giãn đoàn thanh kiểm tra trực tiếp, chủ động điều chỉnh kế hoạch kiểm tra theo hướng giảm số lượng các công ty dự kiến đi thanh tra có trụ sở đặt tại các tỉnh thành phía Nam, nhưng tăng cường công tác giám sát, phối hợp giám sát thường xuyên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK, góp phần tích cực để thị trường phát triển ổn định. Đồng thời, vẫn quyết liệt triển khai đoàn kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, nhất là các dấu hiệu thực hiện hành vi thao túng thị trường.

Việc tăng cường hoạt động giám sát, thu thập thông tin từ xa đảm bảo cho việc giám sát tuân thủ pháp luật mang tính liên tục, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, đảm bảo thực thi pháp luật trong bối cảnh hệ thống pháp luật chứng khoán mới có hiệu lực từ đầu năm 2021.

242065720_1008018800021556_2154692526919533204_n

Ông Nguyễn Công Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

PV: Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0), mạng xã hội phát triển đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho xã hội nói chung và TTCK nói riêng, tuy nhiên, ở mặt ngược lại cũng tạo ra áp lực cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, tin giả mạo liên quan tới thị trường. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc giám sát, xử lý vi phạm trong vấn đề này?

Ông Nguyễn Công Minh: Cuộc CMCN 4.0 đã từng bước tác động đến toàn bộ các ngành, lĩnh vực nói chung và đến TTCK nói riêng. Sự hỗ trợ của công nghệ đã làm thay đổi tích cực đối với TTCK, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhà đầu tư (NĐT) có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia TTCK từ bước mở tài khoản, giao dịch, tra cứu thông tin, đào tạo…. Công ty chứng khoán (CTCK) có thể cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến, phát triển, cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại tới các khách hàng. Công nghệ, mạng xã hội cũng giúp nhanh chóng đưa thông tin về thị trường tới các NĐT, giúp NĐT có nhiều kênh tiếp cận thông tin khác nhau, cập nhật, nắm bắt đầy đủ hơn về thị trường, nắm bắt cơ chế chính sách, quy định, pháp luật có liên quan. Đối với cơ quan quản lý, công nghệ cũng đã hỗ trợ rất tích cực trong công tác giám sát trên thị trường thông qua các hệ thống giám sát giao dịch, hệ thống công bố thông tin…

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường, sự tác động của cuộc CMCN 4.0 cũng tạo ra rủi ro, nguy cơ về phát tán thông tin không chính thống, thậm chí thông tin sai lệch, tin giả về thị trường, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, tin giả mạo trên TTCK.

Trong thời gian qua, rất nhiều các hội, nhóm liên quan tới chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội. Đây là nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua, bán trên TTCK, tuy nhiên đã xuất hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, hội, nhóm đầu tư để tung tin đồn, lôi kéo, phát tán thông tin chưa có kiểm chứng và cả tin giả mạo.

Nhiều CTCK cũng đã phải gửi email cho khách hàng cảnh báo các tài khoản mạng xã hội mạo danh nhằm thực hiện các hành vi đánh cắp thông tin, lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư không hợp pháp.

Trong quá trình thực hiện công tác giám sát, thanh tra, UBCKNN đã rất chú trọng đến giám sát, xử lý tin đồn, phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tạo dựng, lan truyền, cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật liên quan đến hoạt động chứng khoán trên không gian mạng. Vừa qua, cơ quan công an đã hỗ trợ UBCKNN trong xác minh, truy tìm đối tượng cung cấp văn bản giả mạo của HOSE, cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng. Trên cơ sở đó, ngày 5/8/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra Quyết định xử phạt đối với một cá nhân về hành vi này.

PV: Thời gian gần đây, dư luận và báo chí có phản ảnh về hiện tượng một số mã cổ phiếu có diễn biến giá bất thường và gần nhất là hiện tượng các mã liên quan tới "nhóm Louis". Cơ quan quản lý đã nắm bắt về các thông tin này hay chưa và sẽ có các hành động gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Minh: Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến TTCK Việt Nam biến động mạnh, nhưng về cơ bản thị trường đã chứng minh được khả năng chống chịu, phục hồi và tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nói chung, trên cơ sở công tác giám sát thường xuyên, UBCKNN nhận thấy thời gian gần đây một số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch có biến động mạnh về khối lượng giao dịch, về giá, trong đó có một số biến động có dấu hiệu bất thường. Qua ghi nhận, một số báo, tạp chí, trang thông tin điện tử đưa thông tin về hiện tượng tăng giá của một số cổ phiếu của các tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch có liên quan đến "nhóm Louis". Không chỉ riêng một, hay một nhóm cổ phiếu nào, mà tất cả các cổ phiếu có dấu hiệu bất thường đều được cơ quan quản lý giám sát, theo dõi chặt chẽ.

Theo Luật Chứng khoán mới, công tác giám sát thị trường chứng khoán được nâng lên theo 3 cấp, từ công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và UBCKNN. Đây là công tác thường xuyên, liên tục nên các dấu hiệu giao dịch bất thường của cổ phiếu luôn được giám sát, theo dõi rất chặt chẽ. UBCKNN cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng, hai Sở GDCK giám sát chặt chẽ các cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường trên thị trường.

Trên cơ sở kết quả giám sát, UBCKNN phối hợp với hai Sở Giao dịch chứng khoán thực hiện phân tích, đánh giá, tổ chức kiểm tra để làm rõ các giao dịch có dấu hiệu bất thường của cổ phiếu trên TTCK, phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

PV: TTCK được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và nhận được quan tâm rất lớn từ các NĐT cá nhân. Trên vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp TTCK, ông có thông điệp gì gửi tới cộng đồng NĐT, đặc biệt là các NĐT nhỏ lẻ mới tham gia thị trường?

Ông Nguyễn Công Minh: Sự gia tăng mạnh mẽ của NĐT, bao gồm cả các NĐT cá nhân đã phần nào chứng minh được sức hấp dẫn của TTCK trong thời gian qua. Nhiều dự báo đều cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển bền vững và thu hút ngày càng lớn dòng vốn của NĐT cả trong, ngoài nước. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường và tác động để lại của dịch Covid-19, diễn biến của TTCK được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn.

Do vậy, để đầu tư an toàn, có hiệu quả, thì khi tham gia TTCK, NĐT cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, TTCK, tài chính doanh nghiệp (DN), … và nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Việc đầu tư cần phải xem xét thấu đáo dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của DN.

NĐT tìm hiểu thông tin và trao đổi thông tin liên quan đến TTCK cần lưu ý việc tham khảo, kiểm chứng dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chức năng hoặc từ chính DN. Các luồng thông tin trên không gian mạng có thể xem là một kênh thông tin tham khảo và NĐT nên cẩn trọng để tránh bị lôi kéo, cuốn theo, từ đó đầu tư theo cảm tính. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, hạn chế khả năng tác động và việc lan truyền thông tin sai lệch, giả mạo trên không gian mạng.

PV: Xin cảm ơn ông!

PV

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên