Cơ quan quản lý nói gì về quy định chụp ảnh khi đăng ký thuê bao?
Theo quy định mới được ban hành, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao di động cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ.
- 20-06-2017Chụp ảnh chân dung chủ thuê bao, có cần thiết?
- 20-06-2017Những chủ thuê bao di động nào phải chụp ảnh để đăng ký với nhà mạng?
- 19-06-2017Vì sao cần chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại?
Ngay sau khi thông tin này được công bố, dư luận đã có nhiều cái nhìn trái chiều bởi khi đi đăng ký thông tin thuê bao, người dân đã phải xuất trình chứng minh thư nhân dân. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý khẳng định việc này là cần thiết nhất là trong bối cảnh SIM rác lộng hành. 80 triệu thuê bao xài thông tin sai
Lý giải về quy định này, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, việc có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là cần thiết cho việc bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Điều này sẽ hạn chế tin nhắn lừa đảo, đe dọa, khủng bố, phát tán thông tin độc hại…
Bên cạnh đó, trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều có những quy định quản lý nghiêm ngặt thông tin thuê bao. Ví dụ như Đức, Mỹ, Nhật Bản thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này; Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Bangladesh gần đây đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao; Nigeria ngoài áp dụng hệ thống nhận diện vân tay cũng yêu cầu chụp ảnh các cá nhân đến đăng ký SIM…
Theo bà Mơ, việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc ảnh chụp là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật, bởi ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác mà vô cùng khó để kiểm soát.
Tại Việt Nam, đại diện Cục Viễn thông cho biết, dù có các quy định quản lý thông tin chặt chẽ nhưng tính đến đầu năm 2016 thì “thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai.”
Những cái sai cơ bản phải kể đến là từ tên, tuổi, ngày sinh, số chứng minh thư nhân dân, bản chụp chứng minh thư giả. Thậm chí, có nhiều chứng minh thư nhân dân của người này được gán cho số điện thoại của người khác.
Cơ quan quản lý cho rằng việc chụp ảnh thuê bao sẽ hạn chế SIM rác. (Nguồn ảnh: Bộ TTTT)
Ảnh chụp là cần thiết?
Do đó, đại diện Cục Viễn thông cho rằng, để có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và chính chủ thì ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện. Điều này sẽ tránh được việc các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác.
Theo quy định thì doanh nghiệp sẽ có 12 tháng kể từ ngày Nghị định 49 có hiệu lực để rà soát cơ sở dữ liệu của mình, thông báo cho các chủ thuê bao có thông tin sai với qui định tại Nghị định đến đăng ký lại. Đối với các thuê bao thông tin đã chính xác dù không đăng ký lại vẫn phải bổ sung ảnh chụp và các thông tin cần thiết khác. Và, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này.
Dẫn thông tin từ Ban soạn thảo Nghị định, bà Mơ cho biết so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì qui định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều. Bởi lẽ, việc đầu tư thiết bị và qui trình lấy lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh.
Ở góc độ người dân, cơ quan quản lý cho rằng, quy định mới sẽ gây ra phản ứng vì cho rằng điều này liên quan tới quyền riêng tư. Tuy nhiên, thực tế thì việc xuất trình chứng minh thư nhân dân để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận.
Bên cạnh đó, Nghị định 49 cũng quy định rất chặt chẽ cùng với việc kiểm soát tốt chính sách khuyến mại thì đa phần người dân chỉ dùng mỗi người một SIM và việc đăng ký một lần cho cả đời không phải là việc "nặng nề."
Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng cho rằng, Nghị định đã cho phép các doanh nghiệp ngoài việc thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ cố định như truyền thống thì có quyền các điểm cung cấp dịch vụ lưu động để phục vụ tốt và nhanh hơn cho người dân. Nếu doanh nghiệp tích cực triển khai các điểm này trong 12 tháng đầu để phục vụ người sử dụng thì các qui định tại Nghị định 49 sẽ đi vào cuộc sống.
Vietnam+