MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ sở nào để nâng tốc độ thiết kế cao tốc Bắc Nam từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ

Trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội về việc nâng giới hạn tốc độ với một số tuyến cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã rà soát tiêu chuẩn và giao các đơn vị liên quan nghiên cứu nâng tốc độ thiết kế cao tốc từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ từ đầu năm 2024.

Điều kiện cần

Nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải chạy trên các tuyến cao tốc Bắc Nam như: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ (QL)45, QL45 - Nghi Sơn... mới đưa vào khai thác đều chia sẻ, việc quy định tốc độ tối đa 80 km/giờ như hiện nay không phù hợp. Đường đẹp, thông thoáng, doanh nghiệp vận tải đều muốn sử dụng cao tốc để vận chuyển hàng hóa nhanh, tiết kiệm thời gian, nhưng hạn chế tốc độ như vậy không khác gì đi đường quốc lộ bình thường. Thậm chí, nhiều tuyến QL ngoài khu dân cư hiện nay còn được chạy tối đa 90 km/giờ.

Cơ sở nào để nâng tốc độ thiết kế cao tốc Bắc Nam từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ - Ảnh 1.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm mới hoàn thành, đưa vào khai thác.

Anh Nguyễn Xuân Toàn, lái xe doanh nghiệp vận tải Đức Toàn (Thanh Hóa) cho biết, anh thường xuyên vận chuyển hàng hóa ra Hà Nội, phải đi qua nhiều đoạn cao tốc, có những đoạn tốc độ 90 - 120 km/giờ. Nhưng hiện nay, cao tốc qua Thanh Hóa vẫn đang hạn chế tốc độ 80 km/giờ. Nếu nâng lên 90 km/giờ, lộ trình vận chuyển hàng hóa từ Nghi Sơn đi Hà Nội sẽ thuận tiện hơn nhiều...

Qua tìm hiểu, hàng loạt cao tốc thành phần Bắc Nam giai đoạn I 2017 - 2020 đã đưa vào khai thác, dù đạt tiêu chuẩn cao tốc, nhưng hầu hết chỉ cho ô tô chạy tối đa 80 km/giờ (tối thiểu 60 km/giờ). Điều này khiến nhiều lái xe ngại chạy cao tốc, vì tốc độ thấp hơn QL1A (tối đa 90 km/giờ). Các đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết... đang quy định tốc độ cao nhất là 80 km/giờ. Một số đoạn chỉ được phép khai thác 50 - 60 km/giờ như Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, Nội Bài - Lào Cai... vì không có giải phân cách cứng ở giữa. Với tốc độ này, các xe di chuyển còn chậm hơn cả trên QL1A.

Trước thực tế trên, nhiều lái xe cho rằng, việc tăng tốc độ tối đa lên 90 km/giờ đối với các tuyến cao tốc đã hoàn thành là cần thiết. Đường chất lượng tốt mà hạn chế tốc độ thì mục tiêu rút ngắn thời gian không có nhiều ý nghĩa...

Theo Thiếu tá Nguyễn Kim Thi, Đội trưởng đội tuần tra số 4, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục Cảnh sát giao thông - CSGT - Bộ Công an), việc nâng tốc độ tối đa trên cao tốc mới lên 90km/giờ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu nâng giới hạn tốc độ, phải phân định làn đường và loại xe được phép chạy. Bởi cao tốc các cao tốc mới hiện chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, nếu để xe tải, xe khách chạy chung tốc độ 90 km/giờ như ô tô con khá nguy hiểm.

Còn theo rà soát của Bộ GTVT, các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn I đã được xây dựng theo điều kiện khai thác với tốc độ 100 - 120 km/giờ khi hoàn chỉnh. Song, trước mắt ở giai đoạn phân kỳ đầu tư với 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến, nên hạn chế tốc độ 80 km/giờ để đảm bảo an toàn giao thông.

Điều kiện đủ

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn xây dựng cao tốc, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến cao tốc với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Dự kiến đầu năm 2024, Bộ GTVT sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ.

Về cơ sở để nâng tốc độ lên 90 km/giờ, theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế, có 2 loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác. Thông thường, tốc độ tối đa cho phép lớn hơn hoặc bằng tốc độ thiết kế đã lựa chọn. Trong các văn bản pháp luật về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc hiện nay, tốc độ lưu hành cho phép sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phương án tổ chức giao thông đường cao tốc. Bộ GTVT phê duyệt phương án, phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý.

Trong thời gian phân kỳ đường cao tốc có thể chấp nhận cho hạn chế tốc độ khai thác cho phép thấp hơn tốc độ của đường cao tốc trong tương lai (khi đã được xây dựng hoàn chỉnh). Tốc độ khai thác cho phép phụ thuộc vào tình trạng thực tế của đường, điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông. Trong mọi trường hợp, tốc độ khai thác tối đa không nên quá 90 km/giờ. Các tuyến quốc lộ hiện hữu có điều kiện tương đồng với các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ xây dựng 4 làn xe hạn chế cũng cho phép tốc độ tối đa 90 km/giờ đối với một số loại phương tiện.

Do đó, việc nghiên cứu, xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, từ 80 km/giờ lên tốc độ đa 90 - 100 km/giờ là có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn. Việc điều chỉnh này sẽ góp phần nâng cao tốc độ hành trình của phương tiện tham gia giao thông, nâng cao mức độ phục vụ của tuyến đường, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác các đoạn tuyến.

"Với các đoạn tuyến cao tốc đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như trên, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép lên 90 km/giờ đối với một số loại phương tiện như xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt). Ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn, các phương tiện còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80 km/giờ đã được phê duyệt tại phương án khai thác", ông Lê Kim Thành chia sẻ.

Theo Sơn Vân

Báo Tin Tức

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên