MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ sở pháp lý để phát huy thế mạnh riêng có của Thủ đô

26-11-2023 - 06:50 AM | Xã hội

Thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ và nổi bật hơn các quy định mang tính đặc thù vượt trội, đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh riêng có của Hà Nội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình bày tỏ tán thành cao sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô năm 2012 và đánh giá dự thảo luật đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tham gia đóng góp vào dự thảo Luật, đối với những vấn đề chung, bà Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, dự thảo luật đã quy phạm hóa được 9 nhóm chính sách mà Chính phủ đã đề nghị Quốc hội khi sửa đổi luật.

“Các nhóm chính sách này dự thảo luật đã quy phạm khá đầy đủ và toàn diện. Có thể nói rằng, những nội dung quy phạm cũng đã mang được tính đột phá đặc thù và có kế thừa, bổ sung, phát triển cao hơn sau Luật Thủ đô năm 2012”, bà Trần Thị Hồng Thanh nói.

Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát và lưu ý một số vấn đề.

Trong đó, dự thảo cần làm rõ và nổi bật hơn các quy định mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh riêng có của Hà Nội, Thủ đô của cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh hiện đại; tăng tính chủ động, phù hợp với khả năng đáp ứng và điều kiện bảo đảm trong tương lai dài hạn.

Đối với các điều khoản giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, theo quan điểm của bà Trần Thị Hồng Thanh, cần rà soát lại và phải có quy định chi tiết. Trong dự thảo Luật cần có những quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức kiểm soát, báo cáo đối với những vấn đề giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quy định chi tiết để làm căn cứ pháp lý cho các chủ thể được giao quyền khi xây dựng, ban hành văn bản dưới luật, đáp ứng được yêu cầu thực thi pháp luật.

Về những nội dung cụ thể, bà Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với nội dung quy định trong dự thảo Luật đó là giao quyền cho Hà Nội về quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức.

Tuy nhiên, cũng cần thể hiện trong Luật quan điểm Hà Nội được quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức nhưng phải phù hợp với quy định của Đảng; trong trường hợp được phép thì dự thảo Luật phải quy định rõ thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình cũng như hạn mức ngân sách về vấn đề này.

“Tôi đề nghị cần rà soát để bổ sung một số điều khoản cụ thể về cơ chế giám sát, giải trình của các nội dung được phân cấp, phân quyền nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, rõ trách nhiệm trong phân cấp, phân quyền”, bà Trần Thị Hồng Thanh nói.

Theo Mai Hữu

Hà Nội Mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên