Có thất bại không nếu bạn chỉ có thu nhập duy nhất là lương tháng?
Tiền lương vừa giúp ta có cuộc sống tốt hơn nhưng cũng tồn tại song hành nhiều “cạm bẫy".
- 28-01-2024Chi Bảo tổ chức tiệc sinh nhật sang chảnh ở biệt thự, Bảo Thy - vợ chồng Bình Minh cùng xuất hiện
- 28-01-2024Cụ bà 83 tuổi vẫn lái Lamborghini, Porsche trong trường đua: Yêu xe thể thao từ năm 18 tuổi, sở hữu nhiều siêu xe đắt tiền
- 28-01-2024Ảnh thực tế Vespa 946 Dragon vừa ra mắt: Về Việt Nam giữa năm nay, bán giới hạn 1.888 chiếc, dễ thành 'hot trend'
Tiền lương là một yếu tố quan trọng và quyết định chất lượng sống của chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhìn đầy đủ về tiền lương, đồng thời hiểu tường tận cách sử dụng chúng. Đó cũng là quan điểm của YouTuber Hiếu Nguyễn - chủ nhân một kênh Podcast chuyên chia sẻ về kiến thức tài chính và đang làm tư vấn cho chính phủ Úc về Digital Strategy.
Trong một tập podcast gần đây, anh đã chia sẻ góc nhìn mới mẻ về tiền lương, từ đó đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích về tiền lương nói riêng và đa dạng thu nhập nói chung.
“Cạm bẫy" của tiền lương
Khi nói về vấn đề tiền lương, Youtuber Hiếu Nguyễn đã ví chúng với “thuốc phiện". Điều này xuất phát từ câu nói của tỷ phú Kevin O'Leary rằng: “A salary is the drug they give you to forget your dreams” (Tạm dịch: Tiền lương là liều thuốc phiện khiến bạn quên đi ước mơ của mình).
Anh giải thích thêm: “Đó có thể là giấc mơ để được làm cái việc mình thích, ước mơ được sống với những cái đam mê của mình hoặc là mơ được sống một cuộc đời tự do, không còn phải chịu sự phụ thuộc tiền bạc nữa”.
Cũng vì cảm giác an toàn đó nên nhiều người chỉ sống phụ thuộc vào một nguồn lương, bất chấp họ có thể tiến xa hơn trong tương lai. Nhiều người dùng tiền lương để thuyết phục họ quên đi những “giấc mơ” của đời mình và tin rằng đi theo cơ hội khác thì sẽ có nhiều rủi ro.
Tiền lương khiến nhiều người bị ràng buộc bởi những lời “ru ngủ” an toàn. Mà nói thẳng ra, những người này khi đi làm không khác gì con thú ở trong một rạp xiếc.
“Người ta cần tụi nó diễn một cái trò nào đó. Và nếu mà tụi nó diễn tốt thì tụi nó sẽ được cho ăn, nếu mà không ngoan thì tụi nó sẽ bị phạt thậm chí là sẽ bị bỏ đói.
Tương tự như vậy ở trong thế giới loài người, nếu mà không thực hiện tốt những cái công việc của mình thì chúng ta sẽ bị cho thôi việc, hoặc thậm chí kể cả là khi chúng ta làm tốt đi nữa, nhưng mà rủi cái rạp xiếc đó nó không bán được vé. Nghĩa là ở trong thế giới loài người, công ty đã bị phá sản thì chúng ta sẽ bị vứt ra ngoài đường. Vậy đâu là con đường để mà chúng ta có thể thoát khỏi cái rạp xiếc đó để mà sống cuộc đời của riêng mình?”
Làm sao để thoát khỏi cái bẫy?
Theo anh Ngọc Hiếu, việc đầu tiên cần làm là thay đổi mindset, rằng tiền lương là một thứ “an toàn và ổn định” sang góc nhìn khác. Bởi lẽ tiền lương hàng tháng phụ thuộc vào công việc. Trong khi đó, công việc lại phụ thuộc vào yếu tố khác.
Chẳng hạn như không may, bạn làm sai một cái quy định nào đó của công ty thì có thể bị sa thải. Hoặc, đơn giản hơn là công ty làm ăn thua lỗ và phá sản thì bạn cũng sẽ bị mất việc. Một trường hợp rất phổ biến trong thời gian vừa qua khi nền kinh tế đi xuống, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự thì có nhiều người không làm gì sai nhưng vẫn buộc phải ra đi.
“Khi anh chị để cho cuộc sống của mình lệ thuộc hoàn toàn vào tiền lương thì cũng đồng nghĩa đang gieo trọn chất lượng cuộc sống của mình vào tay người khác. Khi đó, chúng ta vui buồn sướng khổ gì đều nằm trong tay người khác”.
Cũng vì thế, anh khuyên mọi người nên có mindset hay góc nhìn thực tế hơn. Đó là “nguồn thu nhập chúng ta đang có từ tiền lương không ổn định và có thể biến mất bất kỳ lúc nào. Có thể là bây giờ chúng ta đang ở trong cái giai đoạn may mắn kiếm được nhiều tiền, lương chúng ta đang cao nhưng mà hãy luôn tự nhủ là bất kỳ lúc nào nó cũng có thể kết thúc”.
Từ sự thay đổi mindset về tiền lương và hiểu chúng có thể biến mất bất cứ lúc nào, bạn có thể chuyển dần nguồn thu nhập chủ động sang thu nhập thụ động. Thu nhập chủ động xuất phát từ công việc mà chúng ta phải đem thời gian và công sức để đi đổi lấy tiền. Trong khi đó, thu nhập thụ động là nguồn thu nhập mà kể cả chúng ta không làm gì thì nó vẫn ở đó và tạo ra thêm tiền cho chúng ta. Việc chúng ta cần làm là dùng tiền lương có được từ thu nhập chủ động để gây dựng thu nhập thụ động.
Lấy một ví dụ, nếu bạn đang là lập trình viên thì có thể làm những ứng dụng rồi bán ở các nền tảng Internet. Sau khi đã gây dựng xong thì một ngày nào đó chúng sẽ giúp bạn tạo thêm 1 nguồn thu nhập.
Ban đầu, những nguồn thu nhập này có thể chỉ chiếm một cái tỷ lệ rất là nhỏ so với tổng thu nhập của bạn. Nhưng rồi nó sẽ tăng lên, thậm chí ngang bằng với thu nhập chủ động.
Tuy nhiên, bạn không nên nghỉ công việc giúp mình tạo thu nhập chủ động nếu không có sự tính toán kỹ. Theo anh Ngọc Hiếu, khi thu nhập phụ gấp đôi tiền lương thì hãy cân nhắc chuyện nghỉ việc. Trong trường hợp khác, kể cả khi thu nhập phụ cao, bạn cũng không nên nghỉ việc, nếu công việc đó cho bạn tích lũy kinh nghiệm và cơ hội học hỏi.
“Và chỉ khi nào bạn đã cân nhắc đầy đủ những yếu tố thiệt hơn này rồi thì khi đó hẵng quyết định nghỉ việc. Nghỉ việc là để tập trung hơn vào cái việc xây dựng những nguồn thu nhập thụ động, chứ không phải nghỉ việc chỉ để ngồi chơi, không làm gì nữa.
Cái quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta đừng hài lòng, đừng dừng lại ở một công việc làm công ăn lương mà hãy xem chúng như một bước đề, để chúng ta tiếp tục xây dựng những tài sản thật sự của mình, chính là nguồn thu nhập thụ động", anh Ngọc Hiếu tổng kết
Phụ nữ số