Có thể chấm dứt nghèo đói bằng cách ... phát tiền miễn phí?
Viện trợ nước ngoài hiện đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa nạn nghèo đói trên toàn cầu, nhưng một nhà kinh tế học tin rằng tiền phát miễn phí cũng có thể giúp giải quyết được vấn đề.
- 05-05-2017Tại sao Tổng thống Trump lại chấm dứt cuộc chiến chống đói nghèo kéo dài 52 năm của Mỹ?
- 12-09-201325 triệu người châu Âu đối mặt nguy cơ đói nghèo
- 16-02-2009Kinh tế suy thoái, tầng lớp trung lưu bị đẩy vào đói nghèo?
John McArthur, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Brookings Institution, gần đây đã viết trên blog của mình rằng theo lý thuyết, 66 quốc gia ở nhóm đang phát triển có thể đủ sức chấm dứt được nạn đói nghèo ngay ngày mai, bằng cách... chuyển khoản tiền mặt trực tiếp cho các công dân của họ.
“Điều này sẽ giúp tiếp cận được khoảng 185 triệu người đang sống trong tình trạng cực kì nghèo, hiện đang chiếm hơn 1/4 tổng dân số thế giới”, McArthur viết.
Khoảng 650 triệu người trên toàn thế giới hiện sống dưới mức 1,9 USD/ngày - tiêu chuẩn sống được ngân hàng thế giới (WB) định nghĩa là “cực kì nghèo”. Các tổ chức mạnh thường quân lớn như quỹ Melinda & Bill Gates đã chi hàng tỉ USD để nâng cao đời sống của lượng dân số đang sống trong tình trạng “cực kì nghèo” này, đặc biệt là thông qua các chương trình phòng và chữa bệnh.
Giải pháp do McArthur đề xuất liên quan tới việc trao quyền cho các quốc gia hành động nhiều hơn. Dựa một phần vào World Poverty Clock, một thước đo thời gian thực về số người hiện đang sống trong đói nghèo trên toàn thế giới, McArthur thấy rằng những quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, và Brazil có thể giúp mỗi công dân “cực kì nghèo” của mình thoát khỏi tình trạng đó chỉ bằng chi phí chưa tới 1% tổng thu nhập của mỗi quốc gia này. Tuy nhiên, nếu chi phí bỏ ra lớn hơn 1%, có thể gây ra tác dụng ngược làm suy yếu những lĩnh vực quan trọng khác. Đó là những nơi “mà nguồn thu ngân sách tương đương với khoảng 10% đến 15% GDP”, McArthur viết. “Những ngân sách đó cần phải trang trải cho một loạt chi phí quan trọng như bệnh viện, trường học, đường sá, tòa án, cảnh sát, và không nên bị ảnh hưởng bởi bất kì cuộc chuyển khoản trực tiếp nào”.
McArthur không phải là người “phát minh” ra ý tưởng chuyển khoản tiền mặt này. Suốt nhiều thập kỷ qua, ý tưởng này đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trợ giúp của chính phủ cho tới các dự án mang tính thử nghiệm hơn. Chẳng hạn, tổ chức từ thiện GiveDirectly (Trao tặng trực tiếp) đã tặng những món tiền lớn cho các công dân Kenya suốt những năm qua để giúp họ thoát nghèo. Nhiều người đang sử dụng món tiền này để sửa chữa nhà cửa hoặc tạo dựng doanh nghiệp của riêng họ. Tuy nhiên, một số ít lại lạm dụng số tiền đó để mua ma túy hoặc rượu.
McArthur tin rằng những vụ hiến tặng và viện trợ nước ngoài trên quy mô lớn vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xóa nạn nghèo đói. Chẳng hạn, ở 31 quốc gia, một đợt chuyển khoản trực tiếp sẽ cần ít nhất đến 5% tổng thu nhập quốc gia.
Ông cũng lưu ý rằng những thay đổi lớn hơn với giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng sẽ giúp các quốc gia theo những cách mà các món tiền nhỏ không bao giờ làm được.