Có thể hoàn thành toàn bộ 13 chỉ tiêu Quốc hội giao
Nhiều khả năng 2017 sẽ là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành toàn bộ 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ý kiến các thành viên Chính phủ cho thấy trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội có 3 điểm nổi bật nhất: Tăng trưởng GDP có bước đột phá; kinh tế vĩ mô ổn định; và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế được cải thiện rõ nét, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, riêng quý III tăng cao nhất (7,46%), vượt mức kỳ vọng; tính chung 9 tháng năm 2017, GDP đã tăng 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,99%, mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7% khả thi hơn.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đã phản ánh đúng xu thế đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, chú trọng vào các ngành sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu và phát triển theo chiều sâu.
Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô cũng được giữ ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì năm 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt.
Nhận định này là có cơ sở khi trong những ngày đầu tháng 10, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra hàng loạt nhận định lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thị trường Việt Nam tháng 9 với chủ đề: "Tăng trưởng kinh tế vượt hơn kỳ vọng", HSBC quyết định điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 lên 6,6% và tiếp tục kỳ vọng mức tăng trưởng cao của năm 2018, với những số liệu thu thập trong khoảng thời gian gần đây.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tiếp đà tăng trưởng ở mức khoảng 6,3% năm nay nhờ các ngành chế biến- chế tạo hướng đến xuất khẩu và cầu trong nước tăng mạnh. Báo cáo nhấn mạnh triển vọng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam vẫn được đánh giá là tích cực. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018-2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
Liên quan tới tình hình kinh tế Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng vừa công bố báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, theo đó Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 nền kinh tế (tăng 5 bậc, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN). Tính chung trong 5 năm, Việt Nam tăng tới 20 bậc. Xếp thứ 55 cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Kết luận phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-hội tháng 9 và 9 tháng năm 2017 là tích cực, song không phải vì thế mà chủ quan, lơ là, thỏa mãn.
Nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề; bên cạnh thuận lợi còn có nhiều khó khăn, thách thức đan xem phải đối mặt, đòi hỏi từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục vào cuộc với tinh thần đổi mới, chủ động, năng động, sáng tạo; giải quyết công việc quyết liệt, đồng bộ ở mọi khâu, mọi việc được giao.
Trong thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung mạnh vào khâu thực thi.
“Chúng ta phải theo dõi sát tình hình để có đối sách phù hợp với những vấn đề phát sinh. Tôi đề nghị các đồng chí tư lệnh ngành tiếp tục sâu sát, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; siết chặt kỷ cương hành chính, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch 2017”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Chinhphu.vn