MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể thu được hàng tỷ USD từ... vỏ trấu

"Với 43 triệu tấn lúa sẽ thu được 5 triệu tấn vỏ trấu, làm được hàng triệu tấn polymer sinh học, đem lại lợi nhuận từ 3 - 3,5 tỷ USD", Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nói, đồng thời khẳng định con số này được đảm bảo "khả thi" bởi chuyên gia công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực này.

Ngày 12/12, tại Hội nghị báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023 , liên quan đến ngành hàng lúa gạo , tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết, trong 10 năm qua cho thấy, giá lúa tăng trung bình 3% một năm; giá phân bón tăng 2%/năm.

"Vấn đề đặt ra là lạm dụng phân bón hoá học nhằm tăng năng suất lúa cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong 10 năm qua, năng suất lúa không đổi; doanh thu tăng lên nhưng chi phí cũng tăng, lãi giảm", ông Nhân nói. Đáng chú ý, theo ông Nhân, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 50 - 62% trong chi phí sản xuất lúa gạo.

"Hiện nay năng suất lúa đã đụng trần, chi phí tăng nhưng lợi nhuận không tăng", ông Nhân nói, đồng thời đề xuất cần quan tâm đến nhóm giải pháp tổng hợp về kỹ thuật, hệ thống canh tác, tổ chức sản xuất, liên kết nông dân ... để đảm bảo nguồn thu cho nông dân. "Nông dân sẽ có lãi hơn nếu có giống lúa chất lượng cao", ông Nhân nói thêm.

Có thể thu được hàng tỷ USD từ... vỏ trấu - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Lộc Trời Group giới thiệu sản phẩm túi làm bằng polymer sử dụng nguyên liệu từ vỏ trấu hạt lúa. Ảnh: Trường Phong.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Lộc Trời Group Huỳnh Văn Thòn chia sẻ, hiện nay nông dân có "trách nhiệm" quá nặng nề, phải thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, canh tác giảm phát thải...trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường.

Ông Thòn giới thiệu với hội nghị một sản phẩm gọi là "túi cao su", - nhấn mạnh, sản phẩm được làm từ polymer, có sử dụng vật liệu làm từ vỏ trấu của hạt thóc.

"Với 43 triệu tấn lúa sẽ thu được 5 triệu tấn vỏ trấu, làm được hàng triệu tấn polymer sinh học, đem lại lợi nhuận từ 3 - 3,5 tỷ USD", ông Thòn nói, đồng thời khẳng định con số khổng lồ này được đảm bảo "khả thi" bởi chuyên gia công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực này.

Theo ông Thòn, đây có thể là một hướng đi để nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng cách sử dụng các phụ phẩm từ ngành hàng lúa gạo sản xuất nhiều sản phẩm khác. "Tôi muốn chia sẻ góc nhìn đó để chúng ta có thêm niềm tin, sự lạc quan về con đường lúa gạo", ông Thòn nói.

Chủ tịch Lộc Trời Group cho rằng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL rất khả thi, sẽ giải quyết cơ bản các thách thức đặt ra cho ngành lúa gạo hiện nay.

Theo ông Thòn, đề án sẽ hình thành trên cơ sở quy hoạch đồng bộ, cụ thể vùng trồng cho từng loại giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết; phù hợp với các thị trường dự định tiêu thụ. Đề án cũng sẽ đầu tư các giải pháp công trình, phi công trình, giải quyết các vướng mắc về cơ sở hạ tầng, đảm bảo về thuỷ lợi, thuỷ nông, nhà máy sản xuất…

Cùng với việc tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn, cơ giới hoá đồng bộ, nâng cao, nông dân sẽ được tập hợp vào các tổ chức sản xuất, liên kết chặt chẽ với các chủ thể khác trong hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo.

“Như ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, chúng tôi đã ký hợp tác trên diện tích khoảng 250 nghìn ha. Cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc, tham gia cùng chúng tôi tổ chức lại sản xuất, đưa nông dân vào các hợp tác xã để hợp tác với doanh nghiệp”, ông Thòn chia sẻ.

Nhắc về việc Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam vừa được thành lập, ông Thòn tin tưởng sẽ mang lại sự tốt đẹp cho ngành lúa gạo. Ông đã trao đổi với Hiệp hội về việc liên kết để miền Tây cung ứng toàn bộ gạo cho TPHCM.

"Tôi đảm bảo có thể cung ứng đủ gạo cho 10 triệu dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ cung ứng đủ, đảm bảo đều là gạo mới, không có chất bảo quản, giá thấp hơn thị trường", ông Thòn nói, đồng thời nhấn mạnh, đó là sự liên kết giữa công nhân, nông dân, trí thức; là liên kết giữa thành phố với nông thôn, nông dân, hướng tới việc "để người dân được ăn gạo ngon, gạo mới, không chất bảo quản". "Hiệp hội này hoàn toàn làm được việc đó", ông Thòn đánh giá.

Ông Thòn cho biết, hệ sinh thái lúa gạo phải hoạt động mạnh mẽ, chuyển quyền thương lượng từ người mua sang phía người bán để dần cân bằng, không còn cảnh "được mùa mất giá" vì đã đáp ứng được đủ tiêu chí khách hàng đặt ra.

"Tôi dám nói là hiện nay Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng hầu hết các đơn đặt hàng, thậm chí là đơn đặt hàng khó tính nhất của thế giới về tiêu chuẩn gạo, bởi ở Việt Nam sản xuất gạo được quanh năm, điều kiện thiên nhiên rất phù hợp", ông Thòn nói.

Theo Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên