MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thẻ tín dụng nhưng “vụng tiêu”: Tâm lý “lấy tháng sau bù tháng trước” gây ra món nợ 100 triệu

29-02-2024 - 22:20 PM | Lifestyle

Có thẻ tín dụng nhưng “vụng tiêu”: Tâm lý “lấy tháng sau bù tháng trước” gây ra món nợ 100 triệu

Học được gì từ những lần sai lầm trong dùng thẻ tín dụng của người trẻ?

Thẻ tín dụng đã là hình thức thanh toán quen thuộc với giới trẻ. Có những người thấy dùng thẻ tín dụng rất hời, bởi họ biết tận dụng đúng cách các tiện ích của chúng. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ rơi vào cảnh mang nợ sau khi xài thẻ “vay nợ trước, thanh toán sau" này. Họ đã học được gì từ những lần quẹt thẻ tín dụng quá tay?

Hệ luỵ sau khi dùng thẻ tín: Mang nợ, ảo tưởng độ “giàu có"

Hoàng (26 tuổi, Hà Nội) và vợ vừa mới ra ngân hàng để trả hết dư nợ thẻ tín dụng. Sau 2 năm tổng số nợ thẻ tín dụng của cặp đôi là hơn 100 triệu đồng và mỗi tháng họ cần trả số nợ thẻ tín dụng gần 10 triệu đồng.

Lý giải về khoản nợ này, Hoàng cho biết: Thời gian đầu sau khi cưới, do không biết quản lý tài chính nên cặp đôi thường xuyên chi tiêu nhiều hơn khả năng kiếm được. Thẻ tín dụng lúc này trở thành cứu cánh để họ trang trải các khoản chi phí trong cuộc sống như tiền nhà, điện nước… Đó còn chưa kể, có những món đồ đắt tiền nhưng vợ Hoàng vẫn dám dùng thẻ tín dụng để mua với suy nghĩ “tháng sau có lương thì bù vào".

Mọi chuyện lớn dần khi gánh nặng chi trả tiền lãi từ thẻ tín dụng lớn, trong khi công việc của hai vợ chồng trẻ đều bị ảnh hưởng. “Tiền lãi trả nợ thẻ tín dụng lớn, còn lương thưởng và các khoản khác của chúng mình bị cắt giả. Tiền trả nợ phần lớn thì bị trừ thẳng hết vào tiền lương của hai đứa, sau đó chúng mình còn phải tính tiền thuê nhà, tiền ăn và tiền cho con đi học. Cực chẳng đã, nên mình đã vay người thân để dứt điểm đi khoản nợ, không cho lãi của thẻ tín dụng tăng lên", Hoàng nói.

Có thẻ tín dụng nhưng “vụng tiêu”: Tâm lý “lấy tháng sau bù tháng trước” gây ra món nợ 100 triệu- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, Hoàng Yến (27 tuổi, Hà Nội) đã sử dụng thẻ tín dụng được 3 năm. Cô nàng bắt đầu dùng thẻ tín dụng sau khi ngân hàng về công ty cô giới thiệu hình thức thanh toán và các ưu đãi. Hoàng Yến mở thẻ tín dụng với 2 mục đích, thứ nhất là tận dụng các chương trình hoàn tiền và năm đầu được miễn phí thường niên. Ngoài ra, cô còn dùng thẻ này để tăng điểm tín dụng, từ đó giúp việc vay vốn từ ngân hàng dễ dàng hơn.

Cô nàng quẹt thẻ tín dụng từ thời mới đi làm. Hiện tại cô đang dùng 2 thẻ tín dụng và tiêu trung bình 5 triệu đồng hàng tháng để mua đồ trên sàn thương mại điện tử. Đối với Hoàng Yến, sai lầm lớn nhất khi dùng thẻ tín dụng là không kiểm soát được mức độ tài chính cá nhân.

“Mình chỉ có 1 lần mất tiền vì quên trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, mình nghĩ ai xài thẻ tín dụng cũng có ít nhất 1 lần quên thanh toán và số tiền bị mất không quá lớn. Nên với mình đây không phải chuyện to tát.

Tuy nhiên, việc dùng thẻ tín dụng có hạn mức khá cao, khiến mình chi tiêu quá tay khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Khác với trước khi xài thẻ, có món đồ nào muốn mua thì mình dùng thẻ tín dụng luôn với suy nghĩ ‘mua trước trả sau'. Đỉnh điểm, có đợt mình tổng kết lại số tiền chi tiêu từ thẻ tín dụng trong vòng 3 tháng, mình nhận ra đã tiêu lố 40 triệu đồng. Đây là một con số cực lớn, khiến mình vô cùng hoang mang và cần suy tính lại quyết định dùng thẻ tín dụng của bản thân", Hoàng Yến nhớ lại.

Có thẻ tín dụng nhưng “vụng tiêu”: Tâm lý “lấy tháng sau bù tháng trước” gây ra món nợ 100 triệu- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bài học khi dùng thẻ tín dụng

Đối với Hoàng, đó là không nên dùng thẻ tín dụng khi bạn còn chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân. Và Hoàng cho rằng, có lẽ phải lâu sau vợ chồng anh mới cân nhắc có nên tiếp tục dùng thẻ tín dụng hay không.

“Giờ mình cứ có debit card mà xài tiền. Hiện mình chuyển sang quản lý chi tiêu trên app, bất kỳ khoản chi nào đều được cập nhật nên có thể thấy ngay số tiền hiện có, cũng như khoản chi của mình. Từ đó, mình có thể giảm tối đa các khoản chi không cần thiết. Vả lại, mình nghĩ nếu có nợ thì cứ xoay từ những nguồn vốn lãi suất 0% như người thân đầu tiên, để tránh mang nợ sau này.

Còn về phía thẻ tín dụng, hình thức thanh toán này giống như con dao hai lưỡi. Nếu bạn không biết kiềm chế ham muốn thì rất dễ rơi vào bẫy ‘nợ chồng nợ' và gặp áp lực tài chính", Hoàng chia sẻ.

Trong khi đó, Hoàng Yến cho rằng nếu bỏ qua việc dùng thẻ tín dụng khiến mình ảo tưởng “độ giàu có" nên dẫn đến chi tiêu quá tay, thì hình thức thanh toán này giúp cô khá nhiều.

“Thứ nhất, thẻ tín dụng cho phép tiêu trước trả sau, miễn lãi tối đa 45 ngày. Nhiều khi không phải mình có tiền mà xài thẻ tín dụng. Mà bởi làm thế, mình còn xoay tiền từ lương thưởng để làm những thứ khác, miễn là sau đó bạn trả nợ đúng hạn. Thứ hai là hoàn tiền. Với hai thẻ tín dụng, mình được hoàn tiền khá nhiều khi đi siêu thị, đi grab, mua hàng online và sắp tới là mua bảo hiểm. Có những tháng, tiền lãi hoàn từ thẻ tín dụng lên đến hàng triệu đồng, khá lời”, Hoàng Yến cho biết.

Sau cùng, cô cho rằng mình chỉ giới thiệu thẻ tín dụng cho bạn bè nếu họ biết cách quản lý tài chính. Còn nếu không, bạn cần biết “nói không" đúng lúc với các chính sách ưu đãi từ thẻ tín dụng bởi chúng là “cạm bẫy tiêu dùng", khiến bạn mua nhiều hơn so với nhu cầu cần thiết.

Theo Vân Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên