MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cò” thổi giá nhà đất, mức phạt không thấm vào đâu

27-05-2019 - 10:36 AM | Bất động sản

Môi giới thổi giá, tạo sốt ảo, gây bất lợi cho người mua nhà nhưng hiện nay chế tài xử phạt vẫn quá nhẹ.

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam có khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.

“Cò” thổi giá nhà đất, mức phạt không thấm vào đâu - Ảnh 1.

Môi giới thổi giá, tạo sốt ảo, gây bất lợi cho người mua nhà nhưng hiện nay chế tài xử phạt vẫn quá nhẹ.


Từ đầu năm 2019, tại Hà Nội, sau thông tin huyện lên thành quận, giá đất tại các huyện vùng ven như Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức được các môi giới thổi lên tăng chóng mặt. Mức tăng giá trung bình ghi nhận dao động 30%, thậm chí có những khu đất ở vị trí đẹp, giá tăng gấp đôi chỉ sau chưa đầy 3 tháng.

Cơn sốt này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM mà còn lan ra các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)… khiến nhiều nhà đầu tư lao vào cuộc buôn đất, đẩy giá đất ở các khu vực này tăng 20 - 30%. Cá biệt, đất ở Đà Nẵng tăng tới 50 - 60%.

Chiêu thức được các môi giới không chuyên và "cò đất" thường hay sử dụng là mua gom đất tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, sau đó sang tay nhau trong nhóm, hoặc sang tay cho khách hàng nào chưa nắm được thông tin với giá rất cao so với lúc mua để tạo mặt bằng giá mới.

Để lôi kéo được các nhà đầu tư khác, nhóm môi giới này tung ra thị trường những thông tin như quy hoạch thành quận, quy hoạch trung tâm văn hóa, hành chính kinh tế của tỉnh, quy hoạch thành khu kinh tế đặc biệt… để lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp.

Như vậy, nhà đầu tư đến sau phải trả giá cao hơn nhà đầu tư đến trước, tâm lý đầu tư theo đám đông đã kéo theo một hệ luỵ là nhóm khách hàng ban đầu sẽ thoát hàng, còn người mua sau ngậm trái đắng.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cho rằng những môi giới không chuyên này một mặt vì cá nhân, mặt khác họ thoả hiệp và tiếp tay cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường và quyền lợi người tiêu dùng. Chính điều này khiến thị trường thiếu bền vững, thiếu niềm tin từ khách hàng và dễ dẫn đến đổ vỡ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng vấn đề nóng cần xử lý hiện nay là đạo đức của người làm môi giới bất động sản. Môi giới bất động sản lệch chuẩn đạo đức là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng bất động sản. Lực lượng này cũng sẽ khiến thị trường không minh bạch, mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng.

Hiện nay mức xử phạt đối với các hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới còn khá nhẹ, chỉ từ 10 - 50 triệu đồng.

Ông Trần Minh Hoàng chia sẻ, giá trị một thương vụ môi giới bất động sản tầm 5 - 10 tỷ đồng, nếu so với chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 139 là 10 - 50 triệu đồng rõ ràng chưa bảo đảm tính răn đe.

Hơn nữa, chưa có một trường hợp môi giới nào bị xử lý về vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và khó có thể xác định chính xác ai là người tung tin, thổi giá, đẩy giá lên, nên thời gian tới vẫn có thể tiếp diễn tình trạng này.

"Do vậy, khách hàng cần cẩn trọng trước các thông tin sốt đất tại các vùng ven đô, vùng trong quy hoạch và tìm hiểu thật kỹ các thông tin từ chính quyền địa phương", ông Hoàng khuyên./.

Theo Ngọc Vy

VTC News

Trở lên trên