MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có trong tay 400 kg thiên thạch, mỗi gam giá tới chục nghìn đô, nhưng "nữ thợ săn" 9X quyết không bán đi miếng nào

26-04-2023 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Đi hơn 130.000 cây số trong sa mạc trong 5 năm liên tiếp để săn tìm thiên thạch, có lúc phải đối mặt với tử thần.

Có trong tay 400 kg thiên thạch, mỗi gam giá tới chục nghìn đô, nhưng "nữ thợ săn" 9X quyết không bán đi miếng nào - Ảnh 1.

Thiên thạch hay viên đá ‘đổi đời’

Sau khi rơi xuống Trái Đất, hầu hết các thiên thạch đều tan biến trong quá trình ma sát với bầu khí quyển. Do đó, rất ít thiên thạch đáp xuống Trái Đất trong tình trạng nguyên vẹn. Chúng được tìm thấy với kích thước từ một viên bi cho tới một quả bóng rổ. Thiên thạch đắt giá không chỉ vì hiếm mà còn chứa các thành phần đặc biệt, có ý nghĩa và ứng dụng mạnh mẽ trong ngành hàng không vũ trụ cũng như các ngành công nghiệp khác. Thậm chí, người ta cũng đã phát hiện một số thiên thạch chứa các nguyên tố vi lượng có thể bào chế thành dược liệu quý.

Có trong tay 400 kg thiên thạch, mỗi gam giá tới chục nghìn đô, nhưng "nữ thợ săn" 9X quyết không bán đi miếng nào - Ảnh 2.

Vì hiếm nên mỗi viên thiên thạch đều rất quý và có giá trị sưu tập đắt hơn cả kim cương. Trong đó, thiên thạch mặt trăng và thiên thạch sao Hỏa là những loại hiếm và đắt nhất.

Tại thị trường Trung Quốc, thiên thạch đá có giá 3-4 triệu VNĐ/gram, thiên thạch sắt đá 10-13 triệu VNĐ/gram, thiên thạch mặt trăng 70-100 triệu VNĐ/gram còn thiên thạch sao Hỏa là gần 300 triệu VNĐ/gram. Năm 2020, các tờ báo như BBC, Independent... đưa tin về một người đàn ông Indonesia thu về 1,8 triệu USD sau khi bán được khối thiên thạch nặng 2,1 kg rơi thủng mái nhà mình.

Có trong tay 400 kg thiên thạch, mỗi gam giá tới chục nghìn đô, nhưng "nữ thợ săn" 9X quyết không bán đi miếng nào - Ảnh 3.

Do đó, săn tìm thiên thạch là một nghề có khả năng đem lại lợi nhuận cao. Những người này được gọi là các tay săn thiên thạch, đi khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm những mảnh thiên thạch quý hiếm. Đến những năm 1970, ở Mỹ có hơn 100 thợ săn thiên thạch toàn thời gian. Từ năm 1995, cơn sốt thiên thạch ở Mỹ và Châu Âu bắt đầu lan sang Trung Quốc, phong trào làm giàu chớp nhoáng bằng thiên thạch nở rộ, đặc biệt là vào những năm 2000.

Thị trường thiên thạch bùng nổ, nhưng nguồn cung hết sức khan hiếm. Hầu hết thiên thạch được tìm thấy ở sa mạc Gobi và sa mạc Sahara. Ở Trung Quốc, Tân Cương là điểm đến yêu thích của những tay săn thiên thạch. Những nơi này được cho là có bầu khí quyển loãng, dễ có nhiều thiên thạch nguyên trạng. Tuy nhiên, ở Tân Cương, các hoạt động tìm kiếm chỉ có thể diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 vì nơi đây tuyết gần như phủ quanh năm. Các tay săn thiên thạch phải đối đầu với bão tuyết, gió giật cấp 8 trở lên cùng những rủi ro khác như bị lạc vì hệ thống định vị bị lỗi, thậm chí là bỏ mạng.

Do đó, tình trạng làm thiên thạch giả rất phổ biến ở Trung Quốc. Nhiều mánh khóe được thực hiện như bịa đặt các bài báo khoa học, bóp méo các lý thuyết phân biệt thiên thạch thật giả. Sau khi thiên thạch rơi xuống, nếu thiên thạch được thu thập tại chỗ và công khai trước nhiều người, giá bán còn đắt gấp nhiều lần do độ tin cậy được đẩy cao. Do đó, có người còn dùng chiêu trò chôn một mảnh thiên thạch cũ ở nơi đáp của thiên thạch mới, giả bộ mới khai quật được để đẩy giá viên cũ lên.

Tay săn thiên thạch nữ 9X và gia tài khổng lồ

Nghề săn thiên thạch vốn phù hợp hơn với nam giới vì đòi hỏi thể lực và sức chịu đựng phi thường trong môi trường khắc nghiệt. Tuy nhiên, Yang Kexi, một cô gái 9X đến từ Quý Châu, Trung Quốc, lại nổi lên như một tay săn thiên thạch có tiếng nhất trong giới.

Có trong tay 400 kg thiên thạch, mỗi gam giá tới chục nghìn đô, nhưng "nữ thợ săn" 9X quyết không bán đi miếng nào - Ảnh 4.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, Yang Kexi rời Quý Châu tới Tân Cương – ‘điểm nóng’ thiên thạch ở Trung Quốc - để bắt đầu sự nghiệp. Trong tưởng tượng của cô, một viên thiên thạch quý giá rơi từ trên trời xuống hẳn phải lấp lánh như một ngôi sao và vô cùng đẹp đẽ. Cho đến khi nhìn thấy viên đá xù xì màu đen này, Yang Kexi có hơi hụt hẫng. Tò mò trước những bí ẩn trong mỗi viên thiên thạch, Yang Kexi nghiên cứu sâu hơn và kiên trì dành vài năm sống ở Tân Cương chỉ để đi tìm thiên thạch.

Tháng 10/2012, Yang Kexin và 3 người bạn bắt đầu hành trình săn thiên thạch. Họ phải khởi hành lúc 4 giờ sáng và đi thẳng đến vành đai phân tán thiên thạch núi Altage cách đó 400 km. Sau khi đến đích lúc 9 giờ sáng, bốn người họ bắt đầu tìm kiếm thiên thạch. Sa mạc rộng lớn, không có vạch kẻ đường nên rất dễ lạc. Để an toàn, bốn người cùng đi song song về một hướng của khu vực va chạm thiên thạch.

Sau hai ngày vất vả, Yang Kexi không tìm được gì. Đang lúc thất vọng nhất thì cô tìm thấy một viên đá nhỏ có đặc điểm và hình dáng giống với thiên thạch. Sau khi xác nhận kỹ lưỡng thì thấy đó đúng là thiên thạch, tuy chỉ nặng 20 gram nhưng vẫn là miếng đầu tiên cô tìm được trong đời.

Có trong tay 400 kg thiên thạch, mỗi gam giá tới chục nghìn đô, nhưng "nữ thợ săn" 9X quyết không bán đi miếng nào - Ảnh 5.

Trong vụ rơi thiên thạch ở Xishuangbana năm 2017, hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tuyên bố công khai rằng họ sẽ mua các mảnh thiên thạch với giá cao là 35 triệu VNĐ/carat. Yang Kexin cũng gia nhập đợt săn thiên thạch này với tư cách là tay săn nữ duy nhất và trải qua những khó khăn quen thuộc như bão cát, lốc xoáy và các thử thách sinh tồn khác.

Từ năm 22 tuổi đến năm 27 tuổi, Yang Kexin đã đến Gobi hàng trăm lần trong suốt 5 năm, với tổng quãng đường khoảng 130.000 km, tìm thấy hơn 600 thiên thạch với tổng trọng lượng hơn 400 kg .

Hầu hết các thiên thạch mà Yang Kexin thu thập đều là những thiên thạch vô giá và quý hiếm. Đã có rất nhiều người trong giới sưu tầm ngỏ lời hỏi mua nhưng ngạc nhiên là Yang Kexin không chịu bán. Đối với cô, thiên thạch là đam mê chứ không phải phương tiện làm giàu. Yang Kexin quyết định mang hết về quê hương Quý Châu và mở một bảo tàng thiên thạch, mở cửa miễn phí cho người dân. Sau 4 năm hoạt động, cuối cùng bảo tàng cũng đi vào ổn định nhờ nguồn thu từ việc bán đồ lưu niệm và một số khoản tài trợ.

Có trong tay 400 kg thiên thạch, mỗi gam giá tới chục nghìn đô, nhưng "nữ thợ săn" 9X quyết không bán đi miếng nào - Ảnh 6.

Yang Kexin nổi tiếng trong giới săn thiên thạch ở Trung Quốc không chỉ nhờ số lượng thiên thạch khổng lồ góp nhặt được, mà còn vì tinh thần cưỡng lại sự cám dỗ của tiền tài để vô tư cống hiến cho cộng đồng và khoa học.

Tham khảo từ: Net Ease

Theo Thùy An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên