Cổ tức và nỗi niềm cổ đông ngân hàng
Không ít cổ đông lâu năm của các ngân hàng, mỗi năm đến mùa đại hội cổ đông đều nóng lòng đến để nghe thông tin về cổ tức, nhưng không phải cổ đông nào cũng ra về với sự hân hoan được cổ tức cao…
Mùa đại hội cổ đông của ngành ngân hàng (NH) đang diễn ra, bên cạnh những NH chia cổ tức khủng bằng tiền mặt và cổ phiếu, vẫn có nhiều NH không chia cổ tức sau nhiều năm.
Tại đại hội cổ đông của Eximbank vừa qua, một cổ đông nữ đã 85 tuổi cho biết bà là cổ đông sáng lập của NH và suốt nhiều năm qua, chỉ 2 lần bà không tham dự đại hội. Eximbank đã trải qua không ít giai đoạn khó khăn, nhưng trong suốt thời gian đó, bà chưa bao giờ rút tiền đầu tư ra khỏi NH này. Vậy mà gần đây các vụ việc mất tiền tỉ của người gửi tiết kiệm tại Eximbank đã làm ảnh hưởng tới uy tín của NH, cổ đông, giá cổ phiếu lao dốc… Vài năm nay, cổ đông của Eximbank cũng không nhận được một đồng cổ tức vì hoạt động kinh doanh sa sút, NH phải củng cố lại vấn đề nhân sự cấp cao và nhiều tồn đọng phát sinh.
Năm 2017, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỉ đồng, cổ đông kỳ vọng sẽ có cổ tức. Nhưng NH cho biết do phải xử lý hết các khoản lỗ lũy kế từ các năm trước, lợi nhuận không còn nhiều nên không chia cổ tức. Thậm chí, theo ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, một điều kiện để được NH Nhà nước chấp thuận chia cổ tức là phải trích lập dự phòng đầy đủ và xử lý nợ xấu hiệu quả. Theo đề án tái cơ cấu của Eximbank, phải đến cuối năm 2019 mới xử lý xong các khoản nợ đã bán qua VAMC, khi đó, NH mới chia lợi tức được bền vững. Vậy là thêm một mùa đại hội, cổ đông của NH này ra về trong nỗi niềm không cổ tức.
Nhiều cổ đông buồn vì không có cổ tức
Quan sát của Báo Người Lao Động tại đại hội cổ đông nhiều NH vừa diễn ra, câu chuyện được các cổ đông trao đổi, thảo luận vẫn là cổ tức. Với những cổ đông lớn tuổi, chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu NH trong nhiều năm để hưởng cổ tức, thì vấn đề này là mối quan tâm hàng đầu. Bên lề đại hội, giờ giải lao, trước phần thảo luận… nhiều cổ đông hỏi nhỏ nhau "năm nay NH mình có chia cổ tức không, chia bao nhiêu vậy? Rồi họ vui mừng khi biết mức cổ tức cao bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, nhưng cũng không ít người buồn, thậm chí nóng nảy, bức xúc khi nghe không có cổ tức.
Tại đại hội cổ đông của Sacombank vừa qua, nhiều cổ đông đã chất vấn lãnh đạo NH này vì sao không có cổ tức trong 2 năm qua, dù mức lợi nhuận khả quan. Các cổ đông cho rằng họ là nhà đầu tư, là chủ NH nhưng không có một đồng lợi tức.
Sacombank đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, nên dự kiến trong năm 2018 cổ đông cũng không kỳ vọng có cổ tức. Đây cũng là tình cảnh chung của những NH đang trong quá trình tái cơ cấu, hậu sáp nhập NH khác vào hoặc NH bị kiểm soát đặc biệt…
Bên cạnh một số NH chia cổ tức cao, vẫn có NH nhiều năm nói không với cổ tức...
Trong khi đó, vẫn có những NH báo lãi ngàn tỉ, không thuộc đối tượng NH đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, nhưng cũng nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông. Như tại một NH cổ phần có hội sở tại Hà Nội, năm ngoái lãi hơn 8.000 tỉ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay cán mốc 10.000 tỉ đồng, nhưng vẫn quyết định không chia cổ tức. Nếu tính cả lợi nhuận chưa sử dụng cho các năm trước, tổng cộng NH này có hơn 9.300 tỉ đồng lợi nhuận có thể phân phối, có thể trích một phần ra để chia cổ tức cho cổ đông, nhưng lãnh đạo NH này vẫn xin giữ lại để tăng vốn tự có, vốn cổ phần của NH theo quy định.
Lãnh đạo nhiều NH thương mại lý giải cho việc không chia cổ tức, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng tiềm lực tài chính của NH, tăng vốn điều lệ giúp đáp ứng các chỉ số an toàn vốn, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tỉ lệ vốn cho vay đầu tư. Nhưng ở góc độ các cổ đông đã gắn bó lâu năm với NH và đầu tư để hưởng cổ tức hằng năm, thì không chia cổ tức là một nỗi niềm… Thậm chí, ngay cả được chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc, giá cổ phiếu NH đã tăng khá nhiều so với những năm trước, thì cổ đông vẫn thích được nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn.
"Cổ đông không có cổ tức, tôi cũng buồn lắm!"
Theo tờ trình gửi cổ đông trước đại hội, năm nay NH TMCP An Bình (ABBANK) dự kiến chia cho cổ đông 7,4% cổ tức, trong đó 3,7% bằng tiền mặt và 3,7% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBANK cho biết một ngày trước đại hội, NH Nhà nước chỉ xét duyệt cho ABBANK chia cổ tức bằng cổ phiếu tổng cộng 7,4% chứ không chia bằng tiền mặt. "Những năm nào cổ đông không được chia cổ tức, tôi rất buồn và HĐQT cũng rất buồn vì nhiều cổ đông đã theo NH rất nhiều năm" - ông Tiền nói.
Người Lao động