MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có tuổi đời hơn 600 năm, ngôi trường này đã "sản sinh" ra 19 đời Thủ tướng Anh

31-05-2017 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

600 năm qua, ngôi trường này đã đào tạo những chàng trai xuất thân từ tầng lớp quý tôc, giúp họ trở thành chính khách và các nhà lãnh đạo cầm quyền.

Một trong những quyết định đầu tiên mà Simon Henderson đưa ra vào mùa hè năm 2015, ngay sau khi trở thành hiệu trưởng của Eton College, là chuyển văn phòng làm việc của mình ra khỏi khu vực trung tâm đậm chất Trung cổ của ngôi trường. Văn phòng mới của ông nằm gần các phòng của giáo viên. Và, tại đây, trong những lớp học, với giọng điệu hết sức lạc quan, ông vẽ ra viễn cảnh biến 1 tổ chức giáo dục từng được coi là “bề trên” trở thành một tấm gương phản chiếu xã hội hiện đại. Ông muốn đa dạng hóa nguồn sinh viên đầu vào, để bất kỳ ai, “từ một cậu bé nghèo khổ tới từ miền Bắc nước Anh đến những em học sinh trước đó chỉ học trong những ngôi trường tư đắt tiền ở miền Nam”, cũng có thể tận hưởng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chất lượng.

Nói về tham vọng mới của Eton, William Waldegrave (một lãnh đạo của trường) cho biết: “Niềm hi vọng của tôi là ngôi trường này sẽ tiếp tục là “lò đào tạo” sản sinh ra những Thủ tướng, những Tổng giám mục và những doanh nhân giỏi như trong quá khứ, nhưng sẽ có 3/4 trong số đó có mặt ở đây là nhờ học bổng”.

Tất nhiên ý tưởng của người hiệu trưởng 41 tuổi (ông mới nhận chức vụ này cách đây 2 năm và là hiệu trưởng trẻ nhất trong lịch sử) không phải là những gì mà phần lớn trong số 70 người tiền nhiệm của ông trong suốt 6 thế kỷ qua sẽ đồng cảm. Từ bao lâu nay, ngôi trường này vẫn giữ trong mình vẻ danh giá và cao quý đến nỗi người khác nghĩ gì về nó không quan trọng. Đối với cánh tả, Eton chỉ là 1 từ có 4 chữ cái, nhưng đối với cánh hữu đó là cả một niềm tự hào. Đây là thương hiệu có thể sánh ngang với những “đặc sản” của nước Anh như sốt Marmite hay vua Arthur.

Waldegrave và Henderson là những tiếng nói mới nhất ủng hộ sự biến đổi của Eton, nhưng quá trình này đã bắt đầu từ thế hệ trước. 25 năm trở lại đây, ngôi trường đã mở rộng cửa hơn với những gia đình không giàu có. Có mức học phí hiện đã lên tới 33.000 bảng mỗi năm (tương đương gần 1 tỷ đồng), đây là ngôi trường đắt đỏ thứ 6 ở Anh. Tuy nhiên, khoảng 270 trong số 1.300 học sinh hiện đang nhận học bổng toàn phần hoặc một phần. Trường cũng có chính sách cho vay với tổng giá trị các khoản vay hiện đã lên tới 45 triệu bảng.

So sánh với tiêu chuẩn của các trường Anh, Eton có nguồn quỹ khá lớn. Tính đến tháng 8/2014, trường có các khoản đầu tư và danh mục bất động sản trị giá 300 triệu bảng, trong khi thu nhập hàng năm từ tiền học phí vào khoảng 45 triệu bảng, chưa kể đến những tài sản khác.

Nhìn từ bên ngoài, ngôi trường cổ kính nằm bên bờ sông Thames, đối diện với lâu đài Windsor, không có nhiều thay đổi. Ngoại trừ việc ở đây xuất hiện nhiều hơn những gương mặt châu Á và da màu, những nam sinh vẫn mặc bộ đồng phục gồm áo vest choàng đuôi tôm kết hợp với áo sơ mi hồ cứng giống như bao đời nay. Họ học tập trong những căn phòng cổ kính và không được ra ngoài vào ban đêm. Từ khi được Henry VI lập ra năm 1140 đến nay vẫn chỉ nhận học sinh nam, Eton tự cho mình quyền miễn trừ trước quan điểm hiện đại mà nhiều ngôi trường đang áp dụng ngày nay là sẽ tốt hơn nếu tuyển sinh cả nam và nữ.

Mọi ngôi trường đều được định hình từ thuở hoang sơ, nhưng với Eton điều đó đúng hơn bao giờ hết. 600 năm qua, ngôi trường này đã đào tạo những chàng trai xuất thân từ tầng lớp quý tôc, giúp họ trở thành chính khách và các nhà lãnh đạo cầm quyền. 19 cựu học sinh của Eton (trong đó có ông David Cameron) đã trở thành Thủ tướng Anh.

Ở Eton có một bộ phận rất quan trọng: những học sinh xuất thân từ các gia đình đã có nhiều thế hệ gửi con trai tới đây học tập. Đến tận những năm 1980, đây vẫn là nhóm chiếm ưu thế ở Eton, khi ngôi trường luôn chào đón những hậu duệ của tầng lớp thượng lưu. Nhưng ngày nay nhóm này đã ngày càng thu hẹp. Tỷ lệ học sinh có cha ông là cựu học sinh của Eton đã giảm từ mức 60% trong năm 1960 xuống còn 33% vào năm 1994 và hiện là 20%.

Sự thay đổi về chính sách nhận học sinh của ban giám hiệu mới đồng nghĩa với việc ở Eton xuất hiện những cậu bé nghèo nhưng lanh lợi hay các học sinh người nước ngoài mang đến “dòng tiền mới” mà ngôi trường này luôn từ chối trong quá khứ. Tuy nhiên, nhiều giá trị truyền thống của Eton vẫn được giữ gìn. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều phụ huynh chọn gửi gắm con trai vào ngôi trường này với niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Đúng là Eton vẫn duy trì mục tiêu đào tạo ra tầng lớp tinh hoa như hàng trăm năm nay, nhưng ngôi trường này đã tự định hình lại để phù hợp với khái niệm mới về tinh hoa – khái niệm được định nghĩa bằng tiền, trí tuệ và tham vọng chứ không phải bằng dòng dõi và tước hiệu như xưa. Trong những năm tới, ở Eton sẽ tồn tại một quan hệ khá khó xử, giữa một bên là những cậu bé nhờ học bổng mà có thể bước vào đây và một bên là những đứa trẻ xuất thân từ gia đình giàu có không tiếc tiền đầu tư cho tương lai.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên