MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô Văn Thùy Dương: "Trách nhiệm của chúng tôi là làm cho “Lương Thế Vinh của thầy Cương” vẫn đi lên và giữ được tinh thần mà bố để lại”

11-10-2017 - 10:36 AM | Sống

"Bố tôi vẫn luôn nói rằng: Không cần học sinh phải là ông nọ bà kia, trước hết các con cần làm người tử tế. Và tôi tin đó là tinh thần đáng quý nhất ông đã để lại". - Cô Văn Thùy Dương, hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, con gái út của thầy Cương chia sẻ.

Hà Nội 2 ngày nay mưa rả rích. Những cơn mưa kéo dài suốt từ sáng đến khuya. Đứng ở trường Lương Thế Vinh, tất cả lặng người với tờ thông báo tin buồn ngay trước cổng.

Thầy Văn Như Cương - người thầy mà bao thế hệ học trò Lương Thế Vinh kính yêu đã ra đi vào rạng sáng ngày 9/10 sau gần 4 năm chống chọi với căn bệnh ung thư gan. Gặp cô Văn Thùy Dương 2 ngày sau tin dữ, cô dành cho chúng tôi ít thời gian để chia sẻ về người cha và cũng là người thầy lớn của mình, trước khi lại tất bật chuẩn bị cho tang lễ của thầy vào ngày 12/10 tới đây.

Bố vẫn ôm mẹ cho đến tận những giây phút cuối cùng...

Những ngày này, điều mà người thân trong gia đình thầy nhắc nhiều nhất không là nỗi đau, mà là những kỉ niệm đẹp, những điều mà thầy đã để lại cho con cháu.

"Ngay từ năm 2014, khi phát hiện ra bệnh ung thư của ông, cả gia đình đã giấu không cho ông biết. Nhưng những ngày tháng sống bên bố, với cảm nhận của tôi thì ông đã biết lâu rồi. Gia đình tôi, người đã biết thì im lặng giấu, người bị bệnh cũng biết nhưng lại giả vờ không biết. Tôi nghĩ rằng thương vợ, thương các con nên ông cũng làm thinh như không biết gì. Chính ông là người đem lại niềm tin và bản lĩnh cho cả nhà. Có nhiều khi bà và mọi người đều ra ngoài một lúc rồi đứng ôm nhau khóc, tôi nghĩ những lúc đó ông đều biết hết" - cô Dương chia sẻ.

Trong suốt 4 năm thầy bị bệnh, cả gia đình đã tranh thủ những lúc rảnh rỗi, đưa thầy đến rất nhiều nơi. Không phải là đi đến những nơi thầy chưa từng đến. Mà chỉ đơn giản là đi để mọi người được gần nhau hơn, để thầy được thảnh thơi bên con cháu. "Những kỉ niệm với ông, tôi đều chia sẻ trên Facebook. Nhiều người thắc mắc tại sao những chuyện riêng tư ấy, cứ mang lên mạng xã hội kể. Nhưng tôi nghĩ, những điều tốt đẹp, những tình yêu thương thì nên được lan tỏa. Tôi muốn các con của mình hiểu được, mình cần làm gì cho bố mẹ khi bố mẹ vẫn còn ở bên".

Vợ thầy Cương - bà Đào Kim Oanh, có tiền sử bị tim và huyết áp. Nhưng lúc này, không ai bình tĩnh hơn bà. Cô Dương kể, trước khi ra đi mãi mãi, thầy vẫn còn nằm trên giường và ôm vợ, xung quanh con cháu tề tựu đông đủ. Đó là khoảnh khắc mà chắc chắn cả gia đình cảm nhận được thầy đã rất thanh thản và hạnh phúc.


Thầy Cương ôm cô Oanh cho đến tận giây phút cuối cùng.

Thầy Cương ôm cô Oanh cho đến tận giây phút cuối cùng.

"Suốt tuổi thơ, tôi cảm thấy mình là người may mắn khi bữa cơm luôn có đủ bố và mẹ. Ông không bao giờ ăn ở bên ngoài. Sáng đi dạy, trưa về với vợ, chiều đi dạy, tối lại về nhà ăn cơm. Ngày nào cũng như vậy suốt bao nhiêu năm nay. Với tôi, mẹ là người phụ nữ tần tảo, chăm chỉ và bản lĩnh. Suốt bao nhiêu năm từ khi ông còn dạy sư phạm, gia đình rất nghèo khó, bà đã một tay nuôi nấng các con. Rồi khi ông thành lập trường, bao nhiêu lời ra tiếng vào... Bà đã làm rất nhiều thứ thay ông để ông có thể yên tâm công tác. Và đến lúc này, khi ông ra đi rồi, bà vẫn là người đứng vững nhất" - Cô Dương ngậm ngùi nói.

"Ông sống thêm được hơn 9 tháng là vì mọi người"

Cách đây khoảng 9 tháng, thầy Cương đã nhập viện vì bị tràn dịch gan. Lúc này sức khỏe của thầy vô cùng nguy kịch. Thầy phải hút dịch nhưng bị chứng máu khó đông nên chỉ hút ra toàn máu tươi. Có những khoảnh khắc, cô Dương phải kí vào tờ giấy chấp nhận để bệnh viện tiêm thuốc chống đông máu. Bởi nếu không tiêm thì thầy sẽ bị mất máu. Còn nếu tiêm sẽ phải đối mặt với nguy cơ tắc mạch máu. Tình thế lúc nào cũng nằm trong vùng cực kì nguy hiểm.

"Khoảng thời gian này, các học sinh đã gấp hạc, làm clip, động viên tinh thần cho ông. Tình cảm của các trò, của mọi người chính là thứ khiến ông cảm thấy nợ mọi người, và cũng là động lực giúp ông sống tiếp được".

Trước đó, khi hay tin thầy ốm, cháu trai của thầy là Văn Quỳnh sau khi thi tốt nghiệp tại Mỹ xong đã trực tiếp về nước để chăm sóc thầy, bỏ cả lễ tốt nghiệp Đại học. Nên thầy cứ mãi băn khoăn không biết cháu trai có lấy được bằng tốt nghiệp hay không. Rồi lại băn khoăn, mong mỏi Quỳnh và cháu dâu Kiều Anh cưới xong sẽ có em bé. Và đến khi bệnh tình thầy nguy kịch, Quỳnh đã bằng mọi cách mang được tấm bằng từ Mỹ về.

Nhưng điều kì diệu nhất lại đến sau đó. "Hôm đó, tôi đang ngồi trông ông ở trong viện, Quỳnh và Kiều Anh đi vào, mời mẹ ngồi lên ghế cạnh ông để thưa chuyện. Đầu tiên Quỳnh đưa cho ông tấm bằng và nói rằng cháu đã lấy được bằng về cho ông đây. Lúc đấy, tôi thấy ánh mắt ông vui lắm. Ông run run giơ tay cầm tấm bằng và vẫn không quên dặn Quỳnh: Ông thấy rồi, nhưng cái bằng không quan trọng bằng việc cháu sẽ làm gì tiếp theo.

Sau đó, Kiều Anh mới nói rằng còn một chuyện nữa con muốn báo cáo với ông, với mẹ, là bọn con đã có em bé rồi. Tôi không biết phải diễn tả niềm hạnh phúc lúc ấy thế nào và tôi thấy được trong mắt ông lấp lánh niềm vui. Ông rất quý Kiều Anh, dù nó không phải đứa khéo léo, nhưng Kiều Anh sống chân thật. Và tôi tin đây cũng là một phần động lực để ông có thêm thời gian 9 tháng ở bên con cháu.

Đến giây phút cuối cùng, ông vẫn đợi đầy đủ con cháu, đợi Tô Sa từ Úc về, đợi Quỳnh từ viện về và đợi chắt trai ra đời. Tối hôm đó, Kiều Anh nhất quyết đòi về nhà nhưng cô không đồng ý. Khi đó Kiều Anh mới đẻ mổ được có 1 ngày, về lúc đấy thì quá nguy hiểm. Chúng nó chắc vẫn giận tôi vì quyết định này".

photo-7

Di sản của một người thầy Văn Như Cương và áp lực của những người kế cận

Những di sản, những thành tựu thầy Văn Như Cương để lại cho trường Lương Thế Vinh quá lớn. Vậy nên trách nhiệm cũng đè nặng lên những người kế cận.

Nói về cuộc đời của bố mình, cô Dương chia sẻ: "Ông đã sống một cuộc đời tròn trịa nhất. Ông chưa bao giờ to tiếng phê phán ai, không ghét bỏ hay nghĩ ác cho ai. Ông là một người mà cả gia đình phải học rất nhiều. Ông có cuộc đời vẻ vang, hơn 60 đầu sách ông viết, những gì ông làm được. Tôi nghĩ giờ đây ông đã thanh thản dù trước khi bị bệnh, có nhiều thứ khiến ông phải đau đầu. Chưa bao giờ ông gọi tôi, chị Na hay chị Giao ra mắng dù thế nào. Tất cả mọi việc ông làm, ông đều giữ quan điểm của mình".

Có lẽ với những người quan tâm, yêu mến thầy Văn Như Cương thì câu hỏi đầu tiên hiện lên sẽ là: "Thầy có dặn dò gì lại không?". Nhưng cô Dương kể, những ngày cuối đời, thầy rất thanh thản, thảnh thơi.

"Ai cũng nghĩ ông phải dặn dò nhưng việc ấy thực ra ông làm từ trước rất lâu rồi. Về chuyện nhà, chuyện trường, ông đã dạy dỗ chúng tôi trong suốt mấy chục năm...".

"Có nhiều người hỏi nếu trường Lương Thế Vinh không còn thầy Cương thì còn gì đây. Nhưng thực ra, với một cụ già 81 tuổi thì việc nghỉ ngơi đã từ vài năm nay rồi. Từ đó tới giờ ông trở thành cố vấn. Và trách nhiệm của chúng tôi là giữ "Lương Thế Vinh của thầy Cương" vẫn phát triển và đi lên mấy năm nay.

Ngoài thầy hiệu trưởng điều hành công việc thì tôi và các thầy cô là người thực thi. Suốt 4 năm qua, mỗi năm trường lại có những thành tích vượt trội hơn năm trước. Mỗi năm các thầy cô lại cố gắng làm những điều tốt đẹp cho học sinh. Tôi nghĩ điều đó khiến bố tôi yên tâm phần nào về ngôi trường ông tạo dựng nên. Còn trong gia đình, điều mà ông yên tâm nhất chính là chúng tôi luôn yêu thương nhau".


Cô Dương nắm chặt bàn tay cha.

Cô Dương nắm chặt bàn tay cha.

Cô Dương còn đưa nhiều số liệu cho chúng tôi xem, như một niềm tự hào rằng trường Lương Thế Vinh vẫn đang nối dài những thành tựu kể từ khi thầy Cương giao lại trọng trách cho cô và thế hệ giáo viên kế cận. Như năm vừa rồi, điểm trung bình toán của học sinh toàn thành phố Hà Nội là hơn 5 phẩy. Thì điểm trung bình của học sinh Lương Thế Vinh là 7,9. Trường cũng không có học sinh dưới 5 phẩy tiếng Anh. Ở trường còn có những lớp điểm trung bình THPT Quốc gia môn Văn là 8,2. Thành tích học tập của học sinh Lương Thế Vinh đã đạt trên mức trung bình của thành phố rất nhiều.

"Không thể phủ nhận rằng bản thân tôi rất áp lực. Áp lực đó từ lâu rồi. Còn hiện tại, áp lực của tôi là làm sao để tinh thần và tư tưởng của thầy sẽ truyền mãi tới các thế hệ học sinh sau này.

Bố tôi vẫn luôn nói rằng: Không cần học sinh phải là ông nọ bà kia, trước hết các con cần làm người tử tế. Và tôi tin đó là tinh thần đáng quý nhất ông đã để lại".

Theo HC

Trí thức trẻ

Trở lên trên