Cò vé công khai chèo kéo ở Ga Sài Gòn
Các cò vé tại Ga Sài Gòn công khai chèo kéo, ngã giá với khách ngay tại cửa ga…
Liên tiếp nhiều ngày có mặt tại Ga Sài Gòn, PV Pháp Luật TP.HCM chứng kiến cảnh hàng chục cò vé chèo kéo vé tàu Tết.
Cộng thêm 200.000 đồng là có vé?
Theo quan sát của chúng tôi, từ ngoài cổng vào tới trước sảnh nhà ga có trên dưới 10 cò đứng ở nhiều khu vực khác nhau nhưng chủ yếu tập trung ở trước sảnh ga.
Khi thấy có người đến ga, họ mời chào, hỏi thăm rất nhiệt tình: “Em đi đâu, cần bao nhiêu vé, chị bán rẻ cho…”.
Đang đứng trong cửa nhà ga, một phụ nữ trung niên tiếp cận chúng tôi, mời chào: “Mua vé tàu Tết không em?”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua vé đi Huế vào ngày 26 Tết (tức ngày 31-1-2019). Người này liền gọi chúng tôi ra phía ngoài cửa ga và ngã giá ngay: “Giá vé niêm yết trong ga cộng thêm “phí dịch vụ” 200.000 đồng, chị lấy vé đúng tên cho em”. Khi chúng tôi nói trên mạng vẫn báo nhà ga còn vé, người này liền bảo: “Em nói 25 Tết trở lên còn vé à? Vào ga mua đi, vào không có thì ra đây tìm chị nhé!”.
Chúng tôi rời đi, vừa ra tới cửa trước nhà ga, ngay lập tức một nhóm cò khác mời chào. Một phụ nữ xưng tên Loan (biệt danh chị “lùn”) liền nhanh nhẩu kéo chúng tôi lại và hỏi: “Em muốn mua vé đi đâu, bao nhiêu vé…”.
Người này dẫn chúng tôi ra góc xa cửa ga và ngã giá luôn: “Một vé thêm 250.000 đồng “phí dịch vụ”, vé thì em vào trong ga lấy rồi ra ngoài này trả phí cho chị… “Phí dịch vụ” 250.000 đồng, chị chỉ ăn 50.000 đồng, còn lại phải chia năm xẻ bảy, nói thẳng là vậy. Phải ăn chia với trong kia…” - cò Loan nói.
Bà cũng yêu cầu chúng tôi đưa CMND để bà đăng ký. “Em muốn đi chuyến nào chị sẽ báo giá, nếu đồng ý mua thì đặt cọc 200.000 đồng rồi vào lấy vé, lấy ngay bây giờ” - cò Loan giục.
Sau đó bà Loan gọi điện thoại thì một người đàn ông xuất hiện, báo giá vé và chuyến tàu chúng tôi sẽ đi. Sau đó ông này dẫn chúng tôi ra một quầy bán vé bên ngoài cổng nhưng đến nơi thì quầy báo hết vé.
Quyển sổ ghi nhiều số điện thoại của cò vé.
Mất tiền nhưng không có vé
Quay lại chỗ bà Loan, bà lấy ra một quyển sổ dày đặc số điện thoại và nói: “Vé bị họ lấy mất rồi, giờ chị đăng ký cho em, em để lại số điện thoại, số CMND và đặt cọc 200.000 đồng, khi nào có vé chị sẽ báo em tới lấy”.
Thấy chúng tôi lưỡng lự, bà Loan liền trấn an rằng 200.000 đồng này bà sẽ gửi cho cửa bán vé, khi nào có vé họ sẽ báo để bà điện thoại cho chúng tôi đến nhận. “Nếu không có vé, chị sẽ đặt vé ghế nhân viên trên tàu là em chắc chắn có vé rồi…”.
Để lại 200.000 đồng cho bà Loan nhưng nhiều ngày không thấy gọi lại, ngày 6-1, chúng tôi trở lại Ga Sài Gòn và gặp người phụ nữ này hỏi vé. Sau một hồi suy nghĩ, bà cho hay: “Đã đặt vé nhân viên cho em đi rồi, đến ngày đó em đến, chị đưa vé cho em rồi lên tàu em trả tiền cho họ là được”.
Bà cũng không ngần ngại khoe là “Công an, bảo vệ ở đây chị quen hết mà, số điện thoại của chị họ biết hết”.
Hôm sau chúng tôi quay lại Ga Sài Gòn, vẫn như các lần trước, một nhóm hai người phụ nữ nhanh chóng tiếp cận và mời chào mua vé với giá cộng thêm là 250.000 đồng “phí dịch vụ” cho mỗi tấm vé. ““Phí dịch vụ” là tiền cò vé. Nói thẳng ra vậy cho nhanh…” - một cò vé nói.
Cò vé tên Hương tiết lộ: “Vé từ trong mà ra chứ bọn chị làm gì có vé. Ở trong quầy xuất vé ra, mỗi vé bọn chị được 100.000 đồng. Em vào mua cũng chả có, vé chợ đen lấy hết phân nửa rồi”.
Theo lời những tay cò thì họ chỉ là trung gian đứng ra kết nối với các nhân viên bán vé, nhân viên trên tàu để hưởng chênh lệch. Không biết bằng cách nào mà họ gom vé để bán lại, vé càng cận Tết giá cò càng tăng cao.
Mua vé từ cò, nhiều người ngậm quả đắng vì khi lên tàu mới hay là vé giả nhưng để có thể về nhà đón năm mới cùng người thân, nhiều người phải tìm đến vé chợ đen, tìm đến cò với hy vọng sẽ được về quê đón Tết cùng người thân.
Ga Sài Gòn khuyến cáo hành khách
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, đơn vị này cập nhật thông tin số lượng vé còn hay không liên tục trên Facebook chính thức "Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - Saigonrailways", nêu cụ thể tên tàu, số chuyến và loại ghế…
Riêng tình trạng cò vé mời chào, không thuộc trách nhiệm quản lý của ga. "Hành khách đi tàu nên mua trực tiếp tại nhà ga để tránh mua phải vé giả, nhà ga không chịu trách nhiệm về việc này" - ông Quang nói.
Pháp luật TPHCM