Cởi nút thắt để phát triển kinh tế Vùng Bắc Trung Bộ
Thiếu nguồn lực, liên kết vùng yếu, thiếu hoàn thiện của kết cấu hạ tầng của Vùng Bắc Trung Bộ là lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Chiều 18/10, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ".
Là một trong 7 vùng kinh tế được Chính phủ giao lập Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, Vùng Bắc Trung Bộ là địa bàn đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược và lợi thế quan trọng trong việc kết nối, mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Vùng Bắc Trung Bộ lại đang thiếu nguồn lực tương ứng cho phát triển, tính liên kết vùng còn yếu. Đặc biệt, sự thiếu hoàn thiện của kết cấu hạ tầng vùng Bắc Trung Bộ bao gồm cả phần cững và phần mềm cũng là lực cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Cùng với đó, phát triển công nghiệp còn thiếu nhiều dự án lớn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa rõ định hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành; Khả năng liên kết giữa các phương thức vận tải còn chưa cao, tổ chức vận tải trong khu vực chủ yếu ở dạng đơn phương thức…
Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ"
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá Bắc Trung Bộ là mảnh đất địa linh nhân kiệt.
TS. Lộc khẳng định, đây là khu vực giàu có về văn hoá của đất nước, sở hữu nhiều kỳ quan không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Xét về vị thế địa chính trị, đây là điểm kết nối quan trọng, gắn kết Việt Nam với các nước như Lào hay Campuchia.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay, khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Mặc dù đã có những dự án về công nghiệp như: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án về nông nghiệp của TH True milk... với khoảng 40.000 doanh nghiệp, số hộ kinh doanh khoảng 300.000 hộ. Xét về dân số, vùng Bắc Trung Bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng số doanh nghiệp chỉ chiếm 5,5%, điều này thể hiện trình độ phát triển của doanh nghiệp khu vực này chỉ bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.
Đánh giá về kết quả thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1114/QĐ-TTG ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, bà Vũ Thị Hoàng Điệp - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, về cơ bản vùng miền Trung chưa đạt các mục tiêu, phương hướng đề ra trong Quyết định này, mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018.
Kết cấu hạ tầng giai đoạn được quan tâm đầu tư một cách căn bản, cụ thể, vùng hiện có 9 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế; 14 nhóm cảng biển nước sâu, trong đó có 8 cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và có 11/17 khu kinh tế ven biển, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa lớn của cả nước, là đầu mối giao lưu quốc tế cho các vùng và địa phương khác.
Bà Điệp cho biết thêm, cơ cấu ngành kinh tế của Vùng miền Trung chuyển dịch theo hướng hiện đại, chuyển dịch nhanh đối với nhóm ngành phi nông nghiệp trong đó ngành dịch vụ tăng trưởng với tốc độ nhanh và có chất lượng, đặc biệt là các ngành du lịch, vận tải, logistic, tài chính – ngân hàng, viễn thông. Tuy nhiên, mức biến động về cơ cấu kinh tế và biên độ thay đổi cơ cấu diễn ra vẫn còn chậm.
Bà Vũ Thị Hoàng Điệp - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư
Theo bà Điệp, yếu tố thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung và phát triển toàn vùng còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp, quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng.
Để phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ, bà Điệp chỉ ra 4 trụ cột chính là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; Phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch nhân văn - thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ, hình thành và phát triển các cluster về du lịch; Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng, các dịch vụ logistic và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản...
Bên cạnh đó, bà Điệp cũng đề xuất Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá với vùng Bắc Trung Bộ mới; cơ chế điều phối Vùng theo hướng phải có thực quyền, hiệu lực và hiệu quả.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, mặc dù số doanh nghiệp trong vùng còn khiêm tốn so với cả nước nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực này khá đa dạng, phong phú và nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực như dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ...
Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, đối với chính quyền các tỉnh Bắc Trung Bộ, trước hết giải quyết vấn đề về hạ tầng thông qua việc tiếp tục xúc tiến xây dựng hệ thống giao thông ven biển các tỉnh Bắc miền trung, phục vụ doanh nghiệp phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị ven biển. Đồng thời, nâng cấp, phát triển mạng lưới logistics tại các cảng biển phục vụ xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
Đối với giải pháp về chính sách, ông Nguyễn Dung đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực Bắc miền Trung. Theo đó, mỗi tỉnh đề xuất 3-5 cụm ngành, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh để tham gia cụm liên kết và kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng; tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu, như phụ liệu ngành dệt may, ngành y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp; Xây dựng cơ chế đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của nhau./.
VOV