MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Coi văn phòng sang chảnh là nhà, chôn vùi tuổi xuân để làm việc đến kiệt sức: Phương thức "bóc lột" tinh vi tại Thung lũng Silicon biến nhân viên thành cỗ máy lao động

09-03-2020 - 00:28 AM | Sống

Người lao động thường bị choáng ngợp bởi những văn phòng xa hoa, các đãi ngộ miễn phí hấp dẫn mà không biết rằng đó là chiêu trò mà các công ty tạo ra để vắt kiệt sức họ.

Hơn 9h sáng, nhân viên mới bắt kéo đến văn phòng. Họ đến đây trong những chuyến xe buýt miễn phí có lắp đặt Wifi, trong trang phục thường ngày vô cùng thoải mái. 

Nhân viên được ăn sáng và ăn trưa miễn phí tại nhà bếp, cũng như thưởng thức nước quả và kombucha. Họ trò chuyện với nhau qua những màn hình chat, trong khi sếp đang lượn qua lượn lại trên những chiếc xe điện tự cân bằng. Họ được tự chọn chỗ ngồi, đeo tai nghe, vừa làm vừa tận hưởng những bản nhạc hay ho trong vòng 12 tiếng tới.

Đây chính là văn hóa làm việc đang diễn ra mỗi ngày tại Thung lũng Silicon trong nhiều năm gần đây. Không còn cảnh cứ 5h chiều là mọi người đứng lên đi về, không còn cả những bức ngăn cách bàn - bởi giờ đây hầu hết các văn phòng đều duy trì không gian mở.

Coi văn phòng sang chảnh là nhà, chôn vùi tuổi xuân để làm việc đến kiệt sức: Phương thức bóc lột tinh vi tại Thung lũng Silicon nhằm biến nhân viên thành cỗ máy lao động - Ảnh 1.

Văn phòng từng là một nơi tù túng, cho đến khi những tập đoàn công nghệ như Google đến và thay đổi tất cả. Giờ đây, đồng nghiệp trở thành một loại gia đình. Hệ thống thứ bậc bị xóa nhòa; nhân viên được nghỉ phép không giới hạn. Họ cũng chẳng còn phải cố cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bởi công việc và cuộc sống nay đã nhập vào làm một. Tại sao phải về nhà khi chúng ta có thể đi châm cứu thư giãn, chợp mắt và ăn tối miễn phí tại cơ quan sau 7h?

Những sáng kiến này đều nhằm giải phóng nhân viên ra khỏi sự tù túng của văn phòng. Tuy nhiên, nhiều người đang quan ngại rằng Thung lung Silicon đang hủy hoại văn hóa làm việc - không chỉ với dân công nghệ mà còn cho tất cả chúng ta. 

Chiêu trò “bóc lột” tinh vi đằng sau những đãi ngộ hấp dẫn

Văn hóa làm việc như tại Thung lung Silicon đang ngày càng trở nên phổ biến. United Shore - công ty thế chấp tại Michigan - sở hữu nguyên một khu để chơi nhập vai giải đố hoặc phù hợp cho các hoạt động team-building. Commvault - công ty quản lý dữ liệu ở New Jersey - cũng có cầu trượt để di chuyển giữa tầng 3 và tầng 4, chưa kể đến bàn chơi Ping-Pong và bàn chơi bi-a. 

Ngay cả các công ty lâu đời cũng xây dựng thêm khu tập thiền, massage hoặc thuê đầu bếp nổi tiếng về phục vụ nhân viên. Có những công ty ở Ohio lại cho phép nhân viên nghỉ phép thoải mái - chẳng hạn nghỉ hai ngày thứ Sáu trong một tháng. Nhiều lãnh đạo tin rằng các chính sách đãi ngộ này sẽ giúp cấp dưới làm việc năng suất hơn.

Coi văn phòng sang chảnh là nhà, chôn vùi tuổi xuân để làm việc đến kiệt sức: Phương thức bóc lột tinh vi tại Thung lũng Silicon nhằm biến nhân viên thành cỗ máy lao động - Ảnh 2.

Mike Robbins - nhà tư vấn đã từng làm việc với các ông lớn như Google hay Microsoft cho biết, ai cũng muốn bắt chước văn hóa làm việc tại Thung lũng Silicon. “Các công ty truyền thống rất hứng thú với điều này”, Robbins nói. “Họ hỏi rằng ‘Google đang làm gì? Các công ty tại Thung lũng Silicon đang hoạt động ra sao?’ Họ nhìn thấy thành công ở đó”.

Nhờ Thung lũng Silicon, việc ăn mặc thoải mái hay những bữa ăn miễn phí tại công sở càng trở nên thông dụng hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất mà Thung lũng Silicon tạo ra là xóa bỏ rào cản giữa công việc và cuộc sống. Điều này vô tình trở thành con dao hai lưỡi, khiến cho mọi người có xu hướng làm việc mọi lúc mọi nơi.

Kể cả những đãi ngộ như nghỉ phép không giới hạn mà công ty Netflix đã làm cũng không khiến cho nhân viên cảm thấy thoải mái hơn. Theo một điều tra năm 2017 của Sage Business Researcher, những người được hưởng chính sách này thường nghỉ phép ít hơn. Các chế độ khác cũng đem lại kết quả tương tự: bữa ăn miễn phí khuyến khích nhân viên ở lại văn phòng muộn hơn, hộp ngủ cho phép bạn nghỉ giữa giờ - một điều hiển nhiên khi bạn đã thức cả đêm ở văn phòng.

Coi văn phòng sang chảnh là nhà, chôn vùi tuổi xuân để làm việc đến kiệt sức: Phương thức bóc lột tinh vi tại Thung lũng Silicon nhằm biến nhân viên thành cỗ máy lao động - Ảnh 3.

Văn hóa làm việc hối hả 24/7

Không ai hiểu rõ và phản đối văn hóa làm việc 24/7 này hơn Dan Lyons - một cựu nhà báo đã từng có thời gian làm việc cho các công ty khởi nghiệp. Sau những trải nghiệm quá kinh khủng ở đây, ông đã nhanh chóng từ bỏ giới công nghệ và bắt đầu viết kịch bản cho series phim Thung lũng Silicon. Đây là một tác phẩm khắc họa rõ nét văn hóa làm việc điên rồ tại các công ty công nghệ ngày nay.

Lyons tin rằng văn hóa làm việc kiểu mới này, cùng với các quyền lợi đi kèm, là một thứ để đánh lạc hướng con người khỏi những gì thối nát từ trong cốt lõi. Ông chỉ trích rằng, không chỉ văn hóa làm việc tại Silicon mà cả mô hình kinh doanh “chủ nghĩa tư bản cổ đông” cũng đang góp phần làm giảm niềm hạnh phúc của nhân viên.  

Quá ám ảnh với lợi nhuận và sự tăng trưởng, các tập đoàn công nghệ đang hy sinh chính nhân viên của mình vì lợi ích của các nhà đầu tư. Một vài nhân viên may mắn có thể sở hữu cổ phiếu của công ty, nhưng hầu hết đều không được như vậy. Kể cả khi họ có, số tiền ấy cũng chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận chảy về túi các nhà đầu tư. 

Những đãi ngộ hấp dẫn kia chẳng qua là “một cách để đánh lạc hướng nhân viên, khiến họ không nhận ra rằng mình đang bị móc túi mỗi ngày”. David Heinemeir Hanson - cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Ruby on Rails - đã gọi đây là “chủ nghĩa tham công tiếc việc nhỏ giọt”.

Coi văn phòng sang chảnh là nhà, chôn vùi tuổi xuân để làm việc đến kiệt sức: Phương thức bóc lột tinh vi tại Thung lũng Silicon nhằm biến nhân viên thành cỗ máy lao động - Ảnh 4.

Tệ hơn nữa, giới công nghệ đang lợi dụng “chủ nghĩa tham công tiếc việc” để sinh lời bằng cách biến nó thành “văn hóa hối hả”. Thay vì làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều mỗi ngày, họ áp dụng “văn hóa 996” - nghĩa là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Tỷ phú Elon Musk - người cũng cổ vũ lối làm việc này - cho biết: “Không ai có thể thay đổi thế giới khi chỉ làm việc 40 tiếng/tuần”.

Lối thoát nào cho người lao động?

Liệu chúng ta có thể thay đổi văn hóa làm việc mà chính mình đã tạo ra? Câu trả lời là có thể.

Vài tháng gần đây, người lao động tại Thung lũng Silicon đã bắt đầu phản kháng, hoặc ít nhất cũng nhận ra được sự vô lý của văn hóa làm việc này. Một số nhân viên của công ty Away đã tố cáo những tin nhắn “bóc lột” từ CEO, yêu cầu họ làm việc trong cả kỳ nghỉ. Hành vi này trước kia được xem là bình thường, nhưng nay đã không còn được nhân viên chấp nhận.

Tuy nhiên, những người khác tại Thung lũng Silicon vẫn hết sức thờ ơ. Austen Allred - CEO của Lambda School - đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng những cáo buộc như thế này chẳng có gì bất ngờ: “Gần như 99% số công ty tại đây đều như vậy”.

Sau tất cả những điều trên, hẳn ai cũng muốn trở về ngày xưa - thời kỳ mà văn phòng đúng nghĩa chỉ là văn phòng, nơi bạn có thể hoàn thành công việc rồi thoải mái rời đi, tận hưởng cuộc sống riêng tư của mình.

Theo Wired

Linh Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên