MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn ác mộng của các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu với tiền của người Nhật đang dần trở thành sự thật

14-02-2023 - 10:29 AM | Tài chính quốc tế

Cơn ác mộng của các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu với tiền của người Nhật đang dần trở thành sự thật

Người Nhật đang chuyển tài sản của họ ở nước ngoài về nước và năm 2022 đã chứng kiến lượng kỷ lục tiền Nhật Bản rút khỏi thị trường trái phiếu nước ngoài.

Gần đây, các nhà đầu tư đang cố gắng đoán xem ai sẽ là người ngồi vào ghế nóng ở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sau khi Thống đốc hiện nay sẽ mãn nhiệm vào tháng 4 tới. “Người được chọn” sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chính sách tiền tệ tiếp theo của BOJ và mối lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu chính là việc Nhật Bản tăng lãi suất. Nếu trường hợp này xảy ra, sẽ xuất hiện làn sóng tiền mặt của Nhật Bản chảy khỏi thị trường toàn cầu để hướng về lợi suất trái phiếu trong nước.

Lợi suất trái phiếu ở Nhật Bản đã tăng hôm 10/2 sau khi nhà kinh tế học Kazuo Ueda bất ngờ trở thành người được cho là Thống đốc của BOJ nhiệm kỳ tới. Thông tin này khiến các nhà đầu tư phải căng mắt tìm kiếm bằng chứng để đoán trước ông là “diều hâu” hay “bồ câu”. Tuy nhiên, trước đó, làn sóng bán tháo trái phiếu quốc tế để mang tiền quay về Nhật Bản đã diễn ra và dường như không có dấu hiệu dừng lại.

Cơn ác mộng của các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu với tiền của người Nhật đang dần trở thành sự thật - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư Nhật Bản bán ròng trái phiếu các quốc gia trong năm 2022.

Năm ngoái, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán 181 tỷ USD trái phiếu nước ngoài và rót 231 tỷ USD vào thị trường trái phiếu trong nước. Vậy tại sao các nhà đầu tư toàn cầu lại phải lo lắng? Đó là vì 2.000 tỷ USD trái phiếu nước ngoài mà người Nhật nắm giữ. Nếu ông Ueda thực hiện các thay đổi bước ngoặt trong chính sách tiền tệ cũng như loại bỏ giới hạn lợi suất trái phiếu của Nhật Bản, số tiền khổng lồ này càng có lý do để hồi hương.

“Chúng tôi dự báo rằng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục thay đổi danh mục đầu tư của họ trong năm nay, chuyển từ nắm giữ trái phiếu nước ngoài sang trái phiếu trong nước. Sự thay đổi này một phần được thúc đẩy bởi quan điểm cho rằng việc tăng giá và tiền lương bền vững sẽ khiến BOJ nới lỏng hơn nữa với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất cũng như chấp thuận nâng trần lợi suất”, Benjamin Shatil của JPMorgan Chase & Co cho biết.

Cũng theo Shatil, việc bán ròng của người Nhật xảy ra ở 70% trong số 20 thị trường trái phiếu lớn nhất toàn cầu. Lượng tiền chảy ra lớn nhất là ở châu Âu và Australia.

Cơn ác mộng của các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu với tiền của người Nhật đang dần trở thành sự thật - Ảnh 2.

Lượng trái phiếu mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang nắm giữ.

Từ cuối năm ngoái, Nhật Bản đã bắt đầu nâng trần lợi suất trái phiếu, một động thái nhằm giúp đồng yên tránh khỏi tình trạng mất giá kỷ lục. Ngay lập tức, quyết định này đã gây ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, bao gồm cả Mỹ. Các nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và một lượng đáng kể trái phiếu chính phủ của các nước như Hà Lan, Pháp, Australia và Anh.

“Cuối cùng thì họ cũng nới lỏng lãi suất. Các quỹ đầu tư của Nhật Bản đã và đang chờ đợi lợi nhuận cao hơn để đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản”, Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại Asymmetric Advisors ở Singapore - người có 3 thập kỷ kinh nghiệm theo dõi thị trường Nhật Bản, chia sẻ.

Chính những lo ngại này khiến các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu phải theo dõi chặt chẽ việc bổ nhiệm Thống đốc BOJ tại Nhật Bản. Đề cử chính thức sẽ được đưa ra hôm nay, 14/2.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên