MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Cơn ác mộng’ đang ám ảnh Trung Quốc: Muốn thúc đẩy lao động trình độ cao, nhưng người có bằng thạc sĩ phải làm… nghề phân loại rác

19-07-2023 - 08:15 AM | Tài chính quốc tế

‘Cơn ác mộng’ đang ám ảnh Trung Quốc: Muốn thúc đẩy lao động trình độ cao, nhưng người có bằng thạc sĩ phải làm… nghề phân loại rác

Các sinh viên mới ra trường của quốc gia này thiếu việc đến mức sẽ chọn bất kỳ vị trí nào đang tuyển dụng, kể cả phân loại rác hay ngành không phù hợp với chuyên môn.

Ở tuổi 25, Liu Maomao không còn được coi là “trẻ” theo tiêu chuẩn về nhân khẩu học lao động. Do đó, việc cô không có việc làm cũng không được phản ánh trong thị trường lao động ngày càng u ám của Trung Quốc, đặc biệt là với nhóm thanh niên 16 đến 24 tuổi. Thay vào đó, trường hợp như của Liu được liệt kê trong tỷ lệ thất nghiệp của cả nước.

Liu cho hay: “Hy vọng rằng, cuối cùng tôi sẽ kiếm được một công việc khác ngoài làm cử nhân, chẳng hạn như bán hàng. Nếu không thì tôi dành thêm 3 năm để học tiếp làm gì?”

Đã khoảng 1 tháng kể từ khi Liu hoàn thành khoá học cao học tại một trường đại học ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Cô đã có những ý tưởng về công việc mong muốn, nhưng có thể phải mất đến vài tháng để đạt được mục tiêu. Cô sở hữu bằng thạc sĩ ngành quản lý du lịch và muốn làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước.

Liu nói: “Cuộc cạnh tranh hoá ra khốc liệu hơn tôi tưởng tượng. Rất nhiều ứng viên tìm việc, thậm chí là cho cả những vị trí mà vài năm trước không ai quan tâm.”

Nếu không thể làm trong công ty nhà nước, Liu muốn giảng dạy tại một trường đại học công lập, nơi có mức lương ổn định hơn so với các trường tư. Tuy nhiên, cô nhận ra rằng, nếu không có bằng tiến sĩ thì mơ ước này cũng rất xa vời.

Liu vẫn đặt mục tiêu rất cao đối với sự nghiệp của mình, dù phải từ bỏ nhiều thứ để khám phá mọi cơ hội. Cô chia sẻ, một số bạn học của mình - những người tìm được việc trước và ngay sau khi tốt nghiệp, hài lòng với một công việc ổn định khi số lượng người tìm việc liên tục tăng cao.

Những yếu tố này đã khiến nhiều thanh niên Trung Quốc đặt mối ưu tiên tìm được việc, dù đó là vị trí nào, lên trước yêu cầu liệu công việc đó có sử dụng đến kiến thức mà họ đã được đào tạo hay không. Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (16-24 tuổi) ở thành thị tiếp tục đạt kỷ lục là 21,3% vào tháng 6.

Liu cho rằng những lời mời làm việc mà sinh viên tốt nghiệp năm 2023 nhận được thường tệ hơn khoá trước. Cô cũng chỉ ra một hiệu ứng kép, khi nhiều người đã tốt nghiệp trong những năm đại dịch và đến hiện tại vẫn chưa tìm được việc.

Với trình độ học vấn của người dân ngày càng được nâng cao, Bắc Kinh đang nỗ lực tuyên truyền về tác động về kinh tế của các sinh viên tốt nghiệp với một thành phố, để gạt bỏ những lo ngại về tình trạng lực lượng lao động đan sụt giảm trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều sinh viên nhận thấy tài năng của họ đang bị lãng phí khi không thể tìm được công việc phù hợp với bằng cấp.

Tình trạng này đã khiến cư dân mạng Trung Quốc bàn tán xôn xao trong thời gian gần đây. Ví dụ, chính quyền cấp huyện ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tháng trước đã tuyển dụng 2 người có bằng cử nhân và thạc sĩ làm giám sát phân loại rác. Theo truyền thông nước này, vị trí công việc chỉ yêu cầu bằng cao đẳng, nhưng những ứng viên có trình độ học vấn cao hơn vẫn nộp đơn.

Song, điều này lại trở thành xu hướng khi Bắc Kinh đang thúc đẩy nguồn nhân tài “chất lượng cao”, để hỗ trợ cho sự phát triển trong tương lai khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già. Giới chức nước này cho biết, Trung Quốc vẫn có lực lượng lao động 900 triệu người với trình độ học vấn đang tăng lên.

Dù dân số đại lục đạt đỉnh sớm hơn dự kiến, giảm 850.000 người xuống còn 1,412 tỷ dân vào năm ngoái, nhưng thanh niên mới gia nhập thị trường lao động đã được đào tạo giáo dục trung bình 14 năm tính đến năm ngoái.

Dẫu vậy, một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như chất lượng giáo dục đại học kém, chuyên ngành của sinh viên và cơ hội việc làm không phù hợp và khiến lợi nhuận đầu tư giáo dục sụt giảm.

Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, lưu ý, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm ngày càng tăng và đạt kỷ lục trong năm nay không có nghĩa là Trung Quốc đang tạo ra nguồn nhân lực mà nhiều doanh nghiệp muốn. Hơn nữa, bằng cấp cao vẫn là chưa đủ.

Yuan Xin, giáo sư nhân khẩu học tại Trường Kinh tế của Đại học Nankai, cho biết Trung Quốc có đủ lực lượng lao động có trình độ cao, dù dân số sụt giảm. Nhưng liệu Trung Quốc có thể sử dụng hiệu quả và trọn vẹn những bằng cấp và bí quyết đó mang lại hay không vẫn là điều quan trọng, ông lưu ý.

Ông Yuan chỉ ra: “Một số chỉ số chính về lợi tức dân số chính là việc làm. Chúng ta đang chứng kiến những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ đi giao đồ ăn để kiếm sống. Điều này cho thấy tình trạng không phù hợp giữa những gì đầu ra của hệ thống giáo dục và những gì thị trường cần.”

Tham khảo SCMP

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên