MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn ác mộng tại 1 quốc gia Nam Á: Tài xế bị yêu cầu bỏ xe xăng, chuyển đổi sang xe điện với giá bằng 7 năm thu nhập

27-06-2024 - 10:48 AM | Thị trường

Chính sách mới về xe điện đang đe doạ cuộc sống các tài xế.

Bishnu Bahadur Karki làm tài xế taxi đã hơn 20 năm, mỗi ngày chở khoảng chục hành khách đến Thung lũng Kathmandu của Nepal để trang trải cuộc sống. Nhằm tăng thu nhập, anh còn cho một tài xế khác trong thành phố thuê ô tô.

Thế nhưng, chính sách mới đây của chính phủ, yêu cầu tất cả các xe chạy bằng xăng và dầu diesel cũ có tuổi đời hơn 20 năm phải bị loại bỏ, đang đe dọa cuộc sống của Karki. Xe của anh ra đời từ năm 2003 và 2004.

Mua một chiếc xe mới không phải sự lựa chọn dễ dàng. Vào năm 2022, chính quyền tỉnh Bagmati yêu cầu tất cả taxi mới phải chạy bằng điện, song loại xe đáp ứng đủ các nguyên tắc hiện chỉ có sedan Tata Xpres-T. Chúng có giá 3,7 triệu rupee Nepal (27.695 USD) - tương đương với số tiền Karki kiếm được trong 7 năm.

“Chúng tôi đang chết dần chết mòn”, Karki, người đã mua cả 2 chiếc xe hiện tại vào năm 2021 với giá chưa đến 18.000 USD, nói với Rest of World.

Hàng nghìn tài xế taxi trong và xung quanh Thung lũng Kathmandu đang gặp vấn đề tương tự Karki. Họ phải loại bỏ dần những chiếc xe cũ và nâng cấp lên sedan Tata Xpres-T đắt tiền. 24 tài xế taxi sử dụng ô tô chạy bằng xăng ở Thung lũng Kathmandu nói với Rest of World rằng họ không đủ tiền mua xe mới. Một số đã mua Xpres-T thì cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc trả góp hàng tháng.

Gaurab Raj Pandey, giám đốc nghiên cứu và phát triển tập đoàn phương tiện bền vững Thee Go, nói với Rest of World: “Quả thực, có một gánh nặng đối với người lái xe. Các tài xế không còn lựa chọn nào khác và buộc phải mua Tata Xpres-T với giá cao. Tình trạng này tạo ra sự độc quyền trên thị trường”.

Laxman Lamsal, Bộ trưởng lao động, việc làm và giao thông của Bagmati, cho biết chính phủ đang “cố gắng đưa ra các sự lựa chọn rẻ hơn”. Mọi người nên có một giải pháp thay thế.

Trước vấn đề này, Shawant Jung Sijapati, tổng giám đốc kinh doanh xe chở khách tại Sipradi, nói với Rest of World rằng chi phí trả trước của xe điện thấp hơn so với nhiều ô tô có động cơ đốt trong do ưu đãi về thuế nhập khẩu. Chi phí nhiên liệu cho xe cũng rẻ hơn đáng kể, từ đó giúp tài xế tiết kiệm về lâu về dài.

Cơn ác mộng tại 1 quốc gia Nam Á: Tài xế bị yêu cầu bỏ xe xăng, chuyển đổi sang xe điện với giá bằng 7 năm thu nhập- Ảnh 1.

Sijapati cho biết: “Xpres-T có giá rất cạnh tranh. Khả năng hoàn vốn cao trong phân khúc taxi nữa. Công ty đã khảo sát hơn 260 khách hàng Xpres-T trong tháng 3 và tháng 4 và nhận thấy họ “cực kỳ hài lòng”.

Thế nhưng, thực tế không phải vậy.

Tài xế Lama đã mua Tata Xpres-T cách đây hơn 1năm. Kể từ đó, anh phải sống bằng nghề…ăn bám.

“Tôi trả khoản vay, trả thuế và không còn tiền sau đó… Phải có tiền tiết kiệm, phải không?”, Lama nói với Rest of World.

Tài xế taxi Tamang, 45 tuổi, người cũng mua 1 chiếc Xpres-T vào năm ngoái, thì cho biết anh thường xuyên phải vay tiền để hoàn thành các đợt thanh toán trả góp.

Theo Ashok Kafle, quan chức của Bộ Giao thông vận tải Nepal, hiện có khoảng 16.500 xe taxi được đăng ký ở tỉnh Bagmati, trong đó chỉ có 606 chiếc là xe điện. Không có cách nào để ước tính hiện có bao nhiêu chiếc đang hoạt động.

Kể từ tháng 1, nhiều tài xế đã tổ chức biểu tình phản đối sự thiếu sự hỗ trợ của chính phủ. Arjun Gautam, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Taxi Meter Nepal, nói với Rest of World. “Khi đưa ra tiêu chí, quy định phải phù hợp với tài xế và khách hàng. Xe điện là điều tốt, song nó cũng cần phải thuận tiện cho chúng tôi… Chúng tôi mong chính phủ có một số khoản miễn thuế và trợ cấp”.

Sijapati cho biết, mua Xpres-T cho mục đích sử dụng thương mại sẽ đắt hơn vì phải bao trọn phí bảo trì, sửa chữa và bảo hiểm. Chính sách loại bỏ ô tô cũ là rõ ràng nhưng việc thực hiện vẫn còn lẻ tẻ. Nhiều tài xế taxi với phương tiện cũ vẫn tiếp tục lái xe ở Thung lũng Kathmandu. Nếu bị công an bắt, họ phải nộp phạt.

Saroj, 45 tuổi, đã bị bắt 2 lần và 1 lần phải nộp phạt 500 rupee Nepal (4 USD).

Những người lái xe đã chuyển sang Xpres-T cho biết đây không phải phương tiện lý tưởng cho những con đường hẹp và địa hình dốc ở Thung lũng Kathmandu. Họ cũng thắc mắc tại sao chính phủ không chấp thuận các thương hiệu ô tô khác.

Ít nhất 10 tài xế nói với Rest of World rằng họ thấy kích thước của xe là một thách thức: Nó quá lớn để di chuyển trong những con đường hẹp ở Kathmandu. Việc đón khách trong những con hẻm nhỏ rất khó.

Đáp lại, Bộ trưởng Lamsal cho biết chính phủ đã thành lập một ủy ban giải quyết những lo ngại của tài xế taxi về kích thước của xe sedan. “Chúng tôi sắp cho phép cung cấp xe hatchback cho taxi ở đây”.

B. Moktan, một tài xế taxi đã lái xe Tata từ năm ngoái cho biết: “Phạm vi hoạt động quá ngắn. Nếu có khách yêu cầu đến Pokhara, một địa điểm du lịch nổi tiếng cách Kathmandu khoảng 200 km, tôi sẽ phân vân không biết có nên đi hay không. Không có gì đảm bảo rằng tôi sẽ tìm thấy một trạm sạc trống trên đường. Không có đủ trạm sạc”.

Nepal hiện có khoảng 400 trạm sạc. 23 trạm sạc EV dòng điện một chiều đã được lắp đặt. Nhiều trạm nữa đang trong quá trình thiết lập, trong đó, chỉ có 5 chiếc ở Thung lũng Kathmandu.

Sipradi đã thực hiện một nghiên cứu với hơn 1.000 tài xế taxi từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023. Báo cáo cho thấy khoảng cách lái xe trung bình hàng ngày của taxi ở Kathmandu là 120 km và điều này khiến Xpres-T trở nên “phù hợp”.

“Trong mối quan hệ hợp tác lâu dài với Tata Motors, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ và khảo sát thị trường một cách chi tiết để hiểu yêu cầu của khách hàng Nepali. Xpres-T được thiết kế để lái xe trong thành phố, với phạm vi hoạt động và mức giá phản ánh đúng mục đích này”, Sipradi nói.

Nepal không phải nơi duy nhất gặp rắc rối với xe điện. Chính phủ Indonesia cũng đang đau đầu giải quyết bài toán khó, nhất là khi việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng trong nước khiến các tài xế chật vật.

“Chúng tôi làm việc dưới ánh nắng mặt trời đã đủ mệt mỏi rồi. Nếu pin không tốt, nó ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày của tôi”, một tài xế nói.

Theo: Rest of World

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên