MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn bĩ cực của các shop hàng hiệu: Tồn kho quá nhiều sản phẩm không bán được, phải mua lại từ đại lý để 'giữ giá'

09-12-2023 - 13:26 PM | Tài chính quốc tế

Số liệu của Bain & Company cho thấy tăng trưởng doanh số hàng xa xỉ năm 2023 chỉ bằng một nửa so với 2022.

Cơn bĩ cực của các shop hàng hiệu: Tồn kho quá nhiều sản phẩm không bán được, phải mua lại từ đại lý để 'giữ giá' - Ảnh 1.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay ngành thời trang đang khá "thê thảm" khi các thương hiệu hàng xa xỉ đang cố giải phóng lượng hàng tồn kho ngày một nhiều do không bán được dù đã bước vào đợt mua sắm cuối năm.

Vấn đề ở đây là dù muốn giải phóng hàng tồn kho nhưng các thương hiệu xa xỉ cũng không muốn đánh mất giá trị hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng bằng cách hạ giá liên tục.

Theo WSJ, tình hình khó khăn hậu đại dịch đã khiến ngày càng nhiều khách hàng thắt chặt hầu bao. Báo cáo của Bain& Company cho thấy doanh số ngành xa xỉ năm 2022 chỉ tăng 15% với tỷ giá hiện tại, thế nhưng càng về cuối năm ngoái thì người tiêu dùng càng chi tiêu ít đi cho mảng này.

Bước sang năm 2023, tình hình tiếp tục xấu đi khi thị trường Châu Âu ảm đạm còn khách hàng Trung Quốc cũng chẳng còn mặn mà với hàng xa xỉ Phương Tây như trước dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại.

Do đó, Bain & Comapny dự đoán tăng trưởng doanh số hàng xa xỉ năm 2023 có thể chỉ bằng một nửa so với năm trước.

Cơn bĩ cực của các shop hàng hiệu: Tồn kho quá nhiều sản phẩm không bán được, phải mua lại từ đại lý để 'giữ giá' - Ảnh 2.

Chính điều này đã khiến vô số các thương hiệu xa xỉ hay các shop thời trang hạng sang, thậm chí là các nhà bán lẻ thương mại điện tử bị tồn kho ngày càng nhiều sản phẩm không bán được dù đã bước vào mùa nghỉ lễ mua sắm cuối năm.

Ví dụ như hãng bán hàng xa xỉ online MyTheresa nói với WSJ rằng công ty đang chứng kiến tình hình thị trường tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay khi tồn kho quý III/2023 cao hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, thương hiệu nổi tiếng Burberry cũng được cho là đang mua lại các sản phẩm tồn kho không bán được từ các chi nhánh của mình.

Cố giữ hình ảnh

Thông thường, ngành thời trang thường giảm giá hoặc khuyến mãi mạnh để giải quyết hàng tồn kho. Thế nhưng các thương hiệu xa xỉ lại không muốn làm điều này quá thường xuyên vì muốn giữ hình ảnh sang chảnh của mình trong mắt người tiêu dùng, qua đó giữ được mức giá bán cao.

Tờ WSJ cho biết các hãng xa xỉ đã cố gắng nhiều năm để không còn phụ thuộc vào các nhà bán lẻ vốn thường giảm giá sâu vào cuối năm.

Ví dụ Prada đã giảm một nửa sự phụ thuộc vào các kênh bán hàng độc lập thường xuyên giảm giá kể từ năm 2018. Thay vào đó, hãng xa xỉ này tự xây dựng chuỗi phân phối của mình và toàn quyền kiểm soát giá cả, qua đó dừng việc giảm giá cuối năm.

Động thái tương tự cũng đã được đối thủ như Gucci theo sát.

Ngoài ra, ngày càng nhiều thương hiệu xa xỉ cũng thay đổi cách hợp tác với các nhà bán lẻ. Thay vì bán với giá chiết khấu để các nhà bán lẻ tung ra khuyến mãi thì những thương hiệu này mở hẳn cửa hàng nhượng quyền tại các trung tâm thương mại.

Thế nhưng với việc buộc phải giữ hình ảnh như vậy mà hàng tồn kho tăng thì liệu có giải pháp nào cho các thương hiệu này?

Trước đây, rất nhiều hãng xa xỉ đã dùng đến biện pháp thiêu hủy các sản phẩm tồn kho nhằm giữ giá thương hiệu. Thế nhưng biện pháp này lại đang gặp phải chỉ trích rất lớn từ các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Đầu năm 2023, Liên minh Châu Âu (EU) thậm chí đã thông qua luật cấm đốt rác thải thời trang.

Cơn bĩ cực của các shop hàng hiệu: Tồn kho quá nhiều sản phẩm không bán được, phải mua lại từ đại lý để 'giữ giá' - Ảnh 3.

Đối mặt khó khăn trên, các hãng thời trang xa xỉ đã quyết định sử dụng những cửa hàng giảm giá như một kênh giải quyết lượng hàng tồn kho của mình mà không phải công khai khuyến mãi cuối năm gây ảnh hưởng hình ảnh.

Báo cáo của Bain & Company cho thấy khoảng 13% tổng giá trị hàng tồn kho của các thương hiệu xa xỉ hiện được giải phóng bằng cách này, cao hơn 5% so với cách đây 10 năm.

Ngoài ra, thị trường thứ cấp và một mạng lưới phân phối không chính thức cũng có thể góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho đang ngày một cao. Các giao dịch này thường là mua hàng ở những nhà bán lẻ Châu Âu nơi giá rẻ để chuyển đến bán cho các thị trường Hàn Quốc, Hong Kong, nơi giá có thể cao hơn 1/3 để ăn chênh lệch.

Theo WSJ, trước đây các thương hiệu rất phản cảm với kiểu giao dịch này và từng ngăn cấm thông qua hợp đồng với các bên bán lẻ. Tuy nhiên tình hình hiện nay lại cho thấy nhiều hãng xa xỉ bắt đầu nới lỏng quy định.

Thậm chí một số thương hiệu trong vài tháng qua đã gọi điện trực tiếp đến các đại lý phân phối độc lập để "mời chào" hàng tồn kho của mình.

Rõ ràng, dù chiến lược "sang chảnh" của ngành hàng xa xỉ đang được cố gắng thực hiện như thế nào thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng rất khó để giữ vững.

*Nguồn: WSJ

Theo Băng Băng

An ninh tiền tệ

Trở lên trên