"Con cá lớn trong cái ao nhỏ" và lý do vì sao những bài học thành công ở Mỹ ít khi áp dụng được với người phương Đông
Có rất nhiều bài học về thành công, mặc dù vậy không nhiều người nhận ra rằng yếu tố văn hoá đã khiến nó trở nên vô nghĩa khi áp dụng trong thực tế.
- 14-07-2017Mọi kỹ năng, bài học làm giàu đều tựu chung về 2 yếu tố này: Ai thấu hiểu mới có thể thành công
- 13-07-2017Những bài học quý giá mà tôi nhận được sau 12 tháng làm việc với vị sếp trẻ hơn mình 16 tuổi
- 12-07-2017Chuyện rùa học bay: Đọc, ngẫm và ai cũng sẽ rút ra được bài học thành công cho chính mình
Bạn mong muốn trở thành nhân viên có thành tích công việc ấn tượng tại một doanh nghiệp nhỏ, hay chỉ cần một chỗ đứng trong tập đoàn có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực bạn đang hoạt động. Bạn sẽ phải phấn đấu như thế nào và làm việc chăm chỉ ra sao để chứng minh thực lực của mình so với những đồng nghiệp sáng giá khác?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ mang tính cá nhân rất cao, bởi nó còn phụ thuộc vào những yếu tố thuộc về tính cách con người của bạn. Liệu bạn là một con người ưa thích cạnh tranh, có lòng tự tôn cao ngất ngưởng và luôn sẵn sàng trước mọi thử thách?
Trên thực tế một nhân tố mạnh mẽ khác sẽ quyết định câu trả lời của mỗi người: Đó chính là nền văn hoá . Những người đến từ những nền văn hoá khác nhau sẽ phản ứng rất khác với câu hỏi liệu rằng, họ sẽ muốn là một con cá lớn trong hồ nhỏ hay ngược lại, một con cá nhỏ giữa đại dương mênh mông.
Đã có những nghiên cứu cho câu hỏi, liệu rằng chúng ta sẽ hài lòng hơn khi là một cá thể nổi trội trong công việc hoặc trong trường đại học, hay sẽ cảm thấy tự hào khi ở trong một tập thể, tổ chức được đánh giá cao. Những nghiên cứu này có khuynh hướng nhận thấy rằng, “những con cá lớn” sẽ cảm thấy mình đủ năng lực và dễ dàng thành công hơn “những con cá” đang chật vật trong môi trường đầy tiềm năng.
Một nhóm các nhà tâm lý học đến từ Đại học Michigan đã tập trung vào điểm này trước khi đưa ra những lựa chọn của mình. Họ đặt ra những câu hỏi giả thuyết để xem quyết định của từng người sẽ khác nhau ra sao. Cụ thể, các nhà nghiên cứu muốn so sánh sự khác biệt giữa cách suy nghĩ của người phương Đông với người phương Tây.
Họ nhận ra rằng, người Mỹ rất thích trở thành “con cá lớn” trong cái ao nhỏ. Trái lại, người phương Đông, đặc biệt là người Trung Quốc, lại thiên về xu hướng mong muốn trở thành “con cá nhỏ” trong một cái ao lớn.
Các nhà khoa học đã tiến hành bốn cuộc thí nghiệm để kiểm chứng. Trong lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu hỏi 270 sinh viên trong một trường đại học lớn ở Mỹ xem liệu rằng, họ muốn là “con cá lớn trong ao nhỏ” hay ngược lại. Ba phần tư trong số những sinh viên là người Mỹ gốc Đông Á muốn trở thành “con cá nhỏ”, so sánh với dưới 60% số sinh viên là người Mỹ gốc Âu cũng có câu trả lời tương tự.
Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh người trưởng thành ở Mỹ và Trung Quốc. Họ đặt ra câu hỏi cho những người tham gia được sàng lọc bằng Mechanical Turk - một dịch vụ giá rẻ để tìm ra những người tham gia tương thích với những tiêu chí của các thí nghiệm - rằng họ có muốn học ở một ngôi trường đại học danh tiếng nhưng lại chỉ có kết quả học tập kém cỏi; và sẽ chọn làm việc ở một công ty hàng đầu nhưng năng suất của họ hoàn toàn thua kém những đồng nghiệp của mình hay không.
Hơn phân nửa những người Trung Quốc chọn trường đại học có tiếng, so với chỉ một phần ba người Mỹ. Trong câu hỏi chọn lựa nơi làm việc, hơn một nửa số người tham gia đến từ cả hai nhóm đều chọn làm việc hiệu quả trong một công ty nhỏ. Tuy vậy, những người dân Trung Quốc vẫn có xu hướng chọn là một “con cá nhỏ” so với người Mỹ.
Những nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác biệt này đến từ quan niệm khác nhau về sự uy tín. Người Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, mang đậm nét văn hoá ưu tiên tập thể; trong khi đó văn hoá Mỹ lại tập trung vào từng cá thể riêng biệt.
Cuộc nghiên cứu cuối cùng được đưa ra để tìm hiểu cách thức người Mỹ và người Trung Quốc đưa ra các đánh giá về khái niệm “thành công”. Những nhà nghiên cứu cảm thấy rằng, những người Trung Quốc có khuynh hướng so sánh hiệu suất công việc của mình với hiệu suất của những người trong nhóm khác. Trong khi đó, những người Mỹ chọn cách so sánh mình với những người cùng nhóm để tự đánh giá xem mình đã làm tốt hay chưa.
Cuộc nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Social Psychological and Personality Science đã bổ sung một số nghiên cứu khác về môi trường sống và khái niệm của từng cá thể về vị trí của mình trong môi trường ấy. Những nghiên cứu ấy cũng được mổ xẻ bằng những cách thức tương tự: con cá và cái ao.
Theo Kaidi Wu, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về tâm lý học và là người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho rằng: “Trong nền văn hoá Đông Á, việc bạn chỉ đang học tốt trong ngôi trường của mình là vẫn chưa đủ. Những người khác (chẳng hạn như một người xa lạ, họ hàng gia đình, một người quen biết, một ông chủ tương lai) sẽ chỉ dành 5 giây để liếc qua hồ sơ của bạn. Do vậy, bạn phải cho họ thấy, bạn có thành tích học tập vô cùng xuất sắc. Điều đó mới quan trọng. Vì thế, một cách hiệu quả để gây ấn tượng với những người ngoài là bạn hãy theo học tại một ngôi trường danh tiếng".
Ngược lại, người Mỹ lại không nghĩ như vậy. Thông qua các bài hát, cuốn sách phát triển bản thân, họ lại cho rằng, ‘bạn sinh ra là để được là chính mình’, ‘Đừng quá bận tâm về những điều người khác nghĩ về bạn’. Ông Wu kết luận rằng, “Những gì chúng ta lựa chọn chính là sản phẩm của nền văn hoá".