MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con cá tra sắp qua hồi "bĩ cực"?

01-03-2021 - 14:47 PM | Thị trường

basa có nền tảng từ xuất khẩu nên quy trình quản lý chất lượng rất tốt, giá lại thấp, do đó khả năng nâng cao giá trị còn rất lớn.

Thống kê từ hải quan cho thấy tháng 1-2021, xuất khẩu cá tra đạt gần 123,6 triệu USD, tăng 21,7% so với tháng 1-2020. Đáng chú ý, mã hàng cá tra phi-lê đông lạnh đạt giá trị 115,8 triệu USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu tốp 40 sản phẩm thủy sản xuất khẩu Việt Nam tháng 1. Đây là tín hiệu khởi sắc đầu năm 2021 của cá tra sau một năm 2020 "thê thảm": chỉ đạt 1,49 tỉ USD, giảm 25,5% so với năm 2019.

Xuất khẩu vẫn còn khó

Trước đó, kết thúc năm 2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo mức tăng trưởng của ngành hàng cá tra năm nay là 5%, giá trị xuất khẩu 1,6 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, có 4 vấn đề mà ngành hàng cá tra cần phải giải quyết, bao gồm nỗ lực tháo gỡ khó khăn với thị trường Trung Quốc, kiện chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, gia tăng sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng và phát triển thị trường nội địa để bớt phụ thuộc vào xuất khẩu.

Con cá tra sắp qua hồi bĩ cực? - Ảnh 1.

Cá tra phi-lê bắt đầu được bán tại siêu thị ở TP HCM .Ảnh: NGỌC ÁNH

Theo các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng cá tra - basa, năm 2020, dịch Covid-19 khiến xuất khẩu bị ảnh hưởng trầm trọng, cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL rớt giá thê thảm, từ mức 26.500 đồng/kg hồi tháng 3-2019 giảm còn 18.500 - 18.800 đồng/kg vào tháng 6-2020, đến cuối năm 2020 nhích dần lên mức 21.000 - 21.500 đồng/kg và ổn định tới nay. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho hay giá cá tra đang thấp so với giá thành sản xuất, tính tổng cộng chi phí ao bè, nhân công, thức ăn…, người nuôi còn lỗ. "Năm 2020, xuất khẩu sụt giảm trầm trọng, nhất là dịp cuối năm xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc, các DN tồn kho rất nhiều. Đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc đã thông thương trở lại, các thị trường Mỹ, châu Âu cũng tăng đặt hàng nhưng DN vẫn đang ở trạng thái từ lỗ đến hòa vốn" - ông Dũng thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), tình hình ngành hàng cá tra năm nay rất khó đoán do các yếu tố tác động đều bất định. Thứ nhất, dịch Covid-19 ở các thị trường nhập khẩu còn diễn biến phức tạp, xuất khẩu phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Thứ hai, Trung Quốc, thị trường dẫn đầu về sản lượng nhập khẩu cá tra, vốn không ổn định về nhu cầu, lúc mua mạnh một cách đột ngột, lúc không mua và mới đây là vấn đề kiểm soát dịch Covid-19 trên hàng đông lạnh nhập khẩu đều ngoài tầm kiểm soát của DN. Trong khi đó, DN cá tra lại không thể linh hoạt điều chỉnh nhanh theo thị trường khi cá dưới ao phải cho ăn, nhà máy phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động. Phần lớn DN Việt Nam vốn yếu, khả năng chịu đựng tồn kho chỉ trong thời gian ngắn nên rất dễ rơi vào phá sản nếu đầu ra khó khăn kéo dài.

Nỗ lực chinh phục khách hàng nội

Vốn mệnh danh "tỉ đô" vì sản lượng xuất khẩu lớn, mang về hàng tỉ USD trong những năm gần đây nhưng tại thị trường nội địa, tiêu thụ cá tra - basa vẫn còn khiêm tốn. Vài năm nay, để mở đường cho cá tra - basa trở về "sân nhà", các DN đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giới thiệu sản phẩm chế biến từ cá tra - basa đến người tiêu dùng, điển hình là những chương trình buffet cá tra - basa. Cùng với đó, DN chịu khó nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm sơ chế lẫn chế biến tinh từ con cá da trơn nhiều dinh dưỡng và lành tính này. 

"Sản phẩm từ cá tra khá đa dạng, ngoài phi-lê, cắt khúc, làm sạch để nguyên con, làm khô, chế biến tinh… phục vụ cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Ở trong nước, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự chuộng cá tra, cá basa, đặc biệt là sản phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, sản phẩm khô cá tra, khô cá basa lại được thị trường đón nhận tích cực, đặc biệt là trong những tháng bão lũ ở miền Trung và Tết vừa rồi" - tổng giám đốc APT nêu thực tế và nói thêm khô cá basa cùng một số sản phẩm khô cá đồng của công ty được sản xuất theo quy trình khép kín trong nhà máy hiện đại có code xuất khẩu sang châu Âu, bảo quản hút chân không và mang thương hiệu công ty nên dù giá bán cao hơn sản phẩm trôi nổi nhưng vẫn tiêu thụ tốt.

Ông Phạm Đức Cường, đồng sáng lập Công ty TNHH Uni-Sea (TP Hà Nội) - chuyên sản phẩm cá basa phi-lê ướp mắm tiêu, cho biết sau 10 năm nghiên cứu về cách khử mùi tanh của cá nuôi, ông quyết định chọn cá basa để thương mại hóa. "Cá basa có nền tảng từ xuất khẩu nên quy trình quản lý chất lượng rất tốt, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính nhất trên thế giới nhưng giá lại thấp, do đó khả năng nâng cao giá trị còn rất lớn. Ban đầu, DN dự định phát triển ở thị trường Hà Nội để khai thác yếu tố "lạ" kích thích người tiêu dùng nhưng lại tốn nhiều chi phí giới thiệu sản phẩm. Từ một số hội chợ ở ĐBSCL và TP HCM, chúng tôi quyết định phát triển thị trường miền Nam trước. Sản phẩm có tính tiện dụng, không tanh và thịt cá dai hơn nhờ công nghệ lên men yếm khí nên người tiêu dùng đón nhận rất tốt" - ông Cường tiết lộ.

Tiếp cận người tiêu dùng bình dân

Theo ông Phạm Đức Cường, sản phẩm của DN được chế biến từ nguyên liệu là cá phi-lê của một số nhà máy chuyên xuất khẩu cá tra - basa ở ĐBSCL. Kế hoạch của công ty là mở các điểm bán ở gần khu có nhiều công nhân, người lao động để bán được số lượng lớn, giá mỗi hộp sẽ rẻ hơn. Cá tra - basa hoàn toàn có thể thay thế thịt để tăng dinh dưỡng cho bữa cơm công nhân. DN đang phát triển nhiều sản phẩm chế biến từ cá basa phi-lê như: pa-tê, cá basa xào mắm ruốc, bánh chưng, bánh tét nhân cá basa... với giá chỉ 25.000 đồng/món để người tiêu dùng dễ mua.

Theo Ngọc Ánh - Phương An

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên