MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Con chỉ mong mẹ hãy hiểu, mẹ vẫn còn một đứa con gái là con đang sống cùng bà nội": Bức thư của bé gái 10 tuổi khiến ai cũng nhói lòng

27-02-2020 - 10:41 AM | Sống

Khi li hôn, mẹ buồn, cha buồn, nhưng người đau khổ nhất chính là những đứa con.

Mới đây, bức thư gửi mẹ của bé Kim Chi, 10 tuổi, ở Nghệ An, gửi dự thi cuộc thi viết thư quốc tế UPU đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Những suy nghĩ của Kim Chi bày tỏ trong thư đã khiến cho biết bao người lớn cũng phải rơi nước mắt:

"Mẹ à, con là Kim Chi - con gái của mẹ đây. Kim Chi của mẹ năm nay đã học lớp 5 rồi. Con đang cố gắng từng ngày để bố mẹ không buồn lòng vì con. Mẹ ạ, từ ngày sinh con được 2 tuổi, mẹ để con ở nhà với bố và bà nội rồi mẹ đi kiếm tiền ở xa. Lúc ấy, người ta bảo mẹ đi xa lắm tiền lắm. Mẹ gọi điện về bảo kiếm tiền về xây nhà, mua quần áo đẹp cho con.

Nhưng hiện nay con vẫn ở nhà cũ của bà nội. Mẹ đi làm đã 6 năm rồi. Khi con học lớp 4 mẹ về nhà, con được ở với mẹ đúng 1 tuần rồi mẹ mang vali về nhà ông bà ngoại. Sau đó, bố mẹ li hôn. Đã từ năm đó con chẳng được sống cùng mẹ. Thi thoảng đi xa về, mẹ chỉ đến đón con. Mẹ mua sữa, mua quần áo cho con rồi mẹ lại vội đi.

Mẹ à, có lẽ mẹ không biết được rằng, con ao ước được mẹ hỏi học hành như thế nào. mẹ có thể đến trường thăm con, đến hỏi cô giáo của con như biết bao bố mẹ của bạn khác, họ vẫn đến gặp cô giáo để hỏi về việc học tập của con.

Ngày thông báo họp phụ huynh, con cũng khóc mẹ ạ. Con gái khóc thật yếu đuối nhưng khi nào họp cô cũng dặn phải bảo bố mẹ đi nhé. Nhiều bạn có ông bà đi, cô nói nghe không hiểu, về nói lại bố mẹ không rõ.

Con chỉ mong mẹ hãy hiểu, mẹ vẫn còn một đứa con gái là con đang sống cùng bà nội: Bức thư của bé gái 10 tuổi khiến ai cũng nhói lòng - Ảnh 1.

5 năm học, con chưa bao giờ được mẹ đi họp phụ huynh. Bố lúc nào cũng bận đi làm kiếm tiền, còn mẹ đi làm xa cũng để kiếm tiền, chỉ có bà nội thôi. Con biết, bố mẹ không ở với nhau nữa thì con làm gì có quyền đòi hỏi bố mẹ phải đi họp cho con. Nhưng mẹ ơi, con ước ao một lần để mẹ đi họp cho con.

Con vẫn cố gắng từng ngày, năm nào con cũng được giấy khen. Bà bảo học giỏi, sau này đi học đại học để không phải đi làm xa vất vả như bố. Nhưng bà có đối xử tốt với con như thế nào, thì cũng không bằng mẹ.

Con xem trên facebook của mẹ rồi, mẹ lại có thêm em nữa. Con thật ghen tị với hai em vì được ở bên mẹ suốt ngày, được mẹ cho đi chơi. Giá mà con cũng được ở bên mẹ như thế thì tốt biết bao.

Mẹ ơi, mẹ hạnh phúc lắm phải không. Con chỉ mong mẹ hãy hiểu, mẹ vẫn còn một đứa con gái là con đang sống cùng bà nội mẹ nhé. Lần tới, mẹ về mẹ không phải mua sữa cho con đâu, vì dạo này con không uống sữa nữa. Bố đi làm ăn xa chẳng có thời gian chăm con, nhưng mẹ cũng ít về nhỉ. Con lại có thêm em nữa. Nhưng cứ có thêm một em nữa chắc bố sẽ không còn yêu con đâu, giống như mẹ ấy.

Con chỉ ao ước được ở bên mẹ, được cảm nhận cuộc sống ở cạnh mẹ như thế nào. Mẹ ơi, nếu có thể, lần họp phụ huynh sắp tới, mẹ gửi em và về họp phụ huynh cho con nhé.

Con yêu mẹ. Điều con mong muốn là mẹ luôn hạnh phúc và cũng đừng quên con mẹ nhé!".

Ngày nay, dường như sự đỗ vỡ hôn nhân không còn quá xa lạ. Những cặp vợ chồng mâu thuẫn, không còn tình yêu, hay không còn hợp nhau, họ chia tay để tìm hạnh phúc riêng...

Nhiều người nghĩ rằng ly hôn chỉ là chuyện riêng giữa vợ và chồng. Họ cũng nghĩ đơn giản rằng nhưng đứa trẻ mới chỉ vài tuổi đời sẽ chẳng hiểu gì chuyện của người lớn, sau này chỉ cần yêu thương hơn một chút, hoặc kiếm thật nhiều tiền là có thể bù đắp cho chúng. Hoặc, trẻ con sẽ nhanh chóng quên cái gia đình tan vỡ và thích nghi với cuộc sống mới, với những người bố, người mẹ và những đứa em mới...

Nhưng thực tế, sau những cuộc hôn nhân tan vỡ ấy, những đứa trẻ vô tội lại trở thành nạn nhân và chịu những tổn thương, đau khổ hơn ai hết. Hầu hết những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn phải chịu một sự tổn thương rất lớn, những vết cắt hằn sâu trong tâm trí. Nhiều trường hợp, trẻ còn bị sang chấn tâm lý, rối loạn hành vi, dẫn đến không có khả năng hòa nhập xã hội, trở nên hung hăng, phá phách...

Cha mẹ li hôn, người lớn mải miết lo toan cuộc sống, đi tìm hạnh phúc riêng mà quên đi mất sự tồn tại của những đứa trẻ. Những đứa con kẹt ở giữa một gia đình tan vỡ cứ loay hoay không biết mình phải làm thế nào. Dù ở với cha hay với mẹ, chúng vẫn luôn luôn thiếu tình yêu thương, cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời này.

Lưu Ly

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên