MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn ‘đau đầu’ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới: Khoảng nửa triệu người vô gia cư, chi tới hàng chục tỷ USD để xây nhà ở xã hội nhưng chưa đạt nổi 1/5 mục tiêu hàng năm

13-05-2024 - 19:35 PM | Tài chính quốc tế

Thiếu nhà ở giá rẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vô gia cư ở Đức.

Cơn ‘đau đầu’ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới: Khoảng nửa triệu người vô gia cư, chi tới hàng chục tỷ USD để xây nhà ở xã hội nhưng chưa đạt nổi 1/5 mục tiêu hàng năm- Ảnh 1.

Dirk Dymarski từng là một người vô gia cư tại Đức. Trong suốt 20 năm qua, có lúc ông sống trên đường phố, có lúc sống trong những nơi tạm trú khẩn cấp dành cho người vô gia cư.

Dymarski hiện là thành viên của Freistätter Online Zeitung, một tờ báo địa phương được viết bởi những người vô gia cư ở thị trấn nhỏ Freistatt, Lower Saxony. Ông cũng đồng thời là thành viên của Selbstvertretung Wohnungsloser Menschen – một tổ chức trao quyền tiếng nói chính trị cho người vô gia cư ở Đức.

Trở ngại lớn nhất đối với những người vô gia cư đang muốn tìm nhà là kỳ thị. “Nếu bạn muốn thoát khỏi tình trạng vô gia cư và tìm một nơi ở có giá cả phải chăng, câu hỏi đầu tiên bạn nhận được là: Hiện tại bạn đang sống ở đâu? Và nếu bạn nói với chủ nhà rằng bạn đang sống tạm bợ ở đâu đó, cánh cửa sẽ đóng lại”, ông nói.

Kế hoạch '31 điểm'

Tình trạng vô gia cư tại Đức - nền kinh tế lớn số 3 thế giới ở thời điểm hiện tại, đã tăng trong vài năm qua do tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ. Chính phủ phủ Đức ước tính có khoảng 375.000 người vô gia cư ở nước này. Nhóm công tác liên bang về hỗ trợ người vô gia cư (BAG-W) đưa ra con số là 600.000, trong đó khoảng 50.000 người sống trên đường phố. Những con số này bao gồm cả những người không có hợp đồng thuê nhà hoặc nhà riêng. Chính quyền Đức cung cấp nơi ở khẩn cấp cho những người sống trên đường phố, nhưng nhiều người chọn ở bên ngoài vì những nơi đó không đảm bảo quyền riêng tư hoặc an toàn cho họ.

Cơn ‘đau đầu’ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới: Khoảng nửa triệu người vô gia cư, chi tới hàng chục tỷ USD để xây nhà ở xã hội nhưng chưa đạt nổi 1/5 mục tiêu hàng năm- Ảnh 2.

Người vô gia cư nằm dưới chân cầu ở trung tâm Berlin, Đức.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Đức đã lần đầu tiên công bố một “kế hoạch hành động quốc gia” vào cuối tháng 4 nhằm chấm dứt tình trạng vô gia cư vào năm 2030.

Kế hoạch này bao gồm 31 điểm do Bộ Nhà ở, Phát triển và Xây dựng Đô thị Liên bang xây dựng. Nó đề ra các giải pháp như cấp tiền cho chính quyền các bang để xây dựng nhà ở xã hội, chống phân biệt đối xử trên thị trường nhà ở, và nâng cao khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế và tư vấn dịch vụ.

Bộ trưởng Nhà ở Klara Geywitz thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Đức cho biết: “Nhà ở giá rẻ hơn là trọng tâm của cuộc chiến chống lại tình trạng vô gia cư”. Nhưng theo Dymarski và các tổ chức vô gia cư khác, kế hoạch quá mơ hồ và chưa toàn diện bởi chính quyền tiểu bang và địa phương chưa biết phải thực hiện nó như thế nào.

Thiếu nhà ở giá rẻ

Ông Lars Schäfer, thành viên của tổ chức từ thiện Diakonie, cho rằng 31 điểm của kế hoạch không khác các biện pháp đã được chính phủ đồng thuận trước đó. Một số giải pháp mới được bổ sung cũng không có tính bứt phá pháp lý và tốn kém, ông Schäfer nhận xét.

Đơn cử, chính phủ cam kết cấp 18,15 tỷ euro (19,45 tỷ USD) cho các bang để xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2027. Tuy vậy, chỉ có 22.545 đơn vị nhà ở mới được xây tính trong năm 2022, còn rất xa so với mục tiêu mỗi năm là 100.000 căn nhà ở xã hội.

Corinna Müncho, giám đốc dự án Housing First ở Berlin, nói rằng vấn đề không chỉ là chi tiêu nhiều tiền hơn mà còn là phân bổ tốt hơn. Cô nói: “Một chỗ lưu trú khẩn cấp có giá tới 1.000 euro (27 triệu VND) trong khi điều kiện ở những nơi này rất kém”. “Không có căn hộ nào có giá cao như vậy ở Berlin, thậm chí còn không có dịch vụ hỗ trợ gì cả”.

Hiện tại, các tổ chức từ thiện cho biết tình hình thị trường nhà đất đang tuyệt vọng đến mức nhiều người bị mắc kẹt trong các nơi tạm trú tập thể trong nhiều năm. Các nhà hoạt động cho rằng kế hoạch 31 điểm của chính phủ dường như chỉ là ý định chứ không thực sự có thể giải quyết vấn đề.

Theo DW

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên