MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cơn đau đầu' của Starbucks: Cà phê giá rẻ mọc lên như nấm, chuỗi sau bán rẻ hơn chỉ 3.000 đồng cũng có thể lôi kéo được khách

12-10-2023 - 09:50 AM | Tài chính quốc tế

Thay vì mua cà phê ở Starbucks, khách hàng hiện chọn giữa các chuỗi nhỏ hơn dựa trên tiêu chí “cái nào rẻ hơn”.

Hiện ở Trung Quốc, người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn để chống lại tác động của nền kinh tế suy thoái do lĩnh vực bất động sản gặp khủng hoảng và xuất khẩu giảm sút. Tháng trước, hashtag “giảm chi tiêu” thậm chí là một trong những chủ đề thịnh hành trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Trung Quốc.

Xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của người Trung Quốc kể trên có thể thấy rõ khi nhìn vào cuộc chiến giá cả khốc liệt đang diễn ra giữa các chuỗi cà phê đình đám tại đây.

Luckin Coffee, một chuỗi cửa hàng nổi tiếng của Trung Quốc, đã trở nên nổi tiếng và mở 10.800 cửa hàng thành công bằng cách giảm giá sản phẩm thấp hơn Starbucks. Nhưng giờ đây, Cotti Coffee, một đối thủ mới nổi do chính hai người sáng lập Luckin thành lập, thậm chí đang hạ giá sản phẩm thấp hơn cả Luckin.

Chiến lược của Cotti là mở các cửa hàng ngay gần các cửa hàng Luckin và tính giá sản phẩm - trong một số trường hợp - thấp hơn 1 nhân dân tệ, tương đương 15 xu so với đối thủ cho cùng một loại đồ uống. Đầu năm nay, Cotti bắt đầu chiến dịch hạ giá cà phê latte xuống 9,9 nhân dân tệ, tương đương 1,38 USD, khiến Luckin phải phản đòn, cũng hạ giá sản phẩm xuống mức đó và cam kết giữ nguyên giá trong hai năm. Nhưng, Cotti sau đó lại giảm giá cà phê xuống còn 8,8 nhân dân tệ.

Chiến lược giá thấp đang phát huy tác dụng. Công ty cho biết, trong chưa đầy một năm kể từ khi thành lập, Cotti đã mở hơn 5.800 cửa hàng, bán trung bình hơn 400 tách cà phê mỗi ngày tại mỗi cửa hàng.

Li Yingbo, giám đốc chiến lược của Cotti Coffee cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi không muốn thấy người tiêu dùng lưỡng lự về giá khi họ muốn uống cà phê”.

Đối với những người tiêu dùng như Chen Xixi, 33 tuổi, quản trị viên đại học ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có lý do để chi tiêu thận trọng. Cô đang giảm chi tiêu sau khi thu nhập của chồng cô từ công việc trong ngành tài chính bị giảm 2/3 sau đại dịch.

Thay vì mua cà phê ở Starbucks, Chen cho biết, cô chọn giữa Luckin và Cotti dựa trên tiêu chí “cái nào rẻ hơn”. Cô từng sử dụng loại toner dưỡng da đắt tiền của Nhật Bản nhưng gần đây cô đã chuyển sang loại của hãng nội địa Trung Quốc với giá rẻ hơn 90%.

Starbucks cho biết doanh thu tại các cửa hàng mở hơn một năm ở Trung Quốc đã tăng 46% trong quý gần đây nhất, mặc dù lượng mua trung bình giảm 1%. Trong một cuộc họp vào tháng 8 với các nhà đầu tư, Belinda Wong, người đứng đầu Starbucks tại Trung Quốc, cho biết họ có kế hoạch duy trì tính kỷ luật với việc giảm giá. Luckin cũng có doanh thu tăng vọt trong mùa xuân, tăng 88% so với một năm trước đó, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng tại các cửa hàng hiện tại đã chậm lại.

Mixue Ice Cream & Tea, một chuỗi cửa hàng trà Trung Quốc nổi tiếng với đồ uống cà phê đá và trà sữa có giá bán dưới 1 USD, đã mở 18.300 cửa hàng trong 3 năm qua, nâng tổng số cửa hàng lên hơn 20.000, theo Canyan Data, một công ty cung cấp dịch vụ về trà. Bản thân những người sáng lập Mixue đã chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng gấp 4 lần vào năm ngoái.

Sự cạnh tranh này đã buộc Heytea, một chuỗi đồ uống Trung Quốc nổi tiếng với các loại trà sữa đắt tiền, phải giảm giá tới 1/3 vào năm ngoái và hạ toàn bộ giá sản phẩm xuống dưới 30 nhân dân tệ, tương đương 4,20 USD. Năm ngoái họ cũng tuyên bố rằng “sẽ không bao giờ tăng giá” cho dù đối thủ có làm gì đi chăng nữa.

Theo: New York Times

Theo Phương Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên