MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn đau đầu kỳ lạ của các thiên đường du lịch: Ngán ngẩm khi chật kín những du khách "chỉ đến chụp ảnh đăng mạng xã hội rồi đi”

10-10-2023 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

Cơn đau đầu kỳ lạ của các thiên đường du lịch: Ngán ngẩm khi chật kín những du khách "chỉ đến chụp ảnh đăng mạng xã hội rồi đi”

Thay vì sợ vắng khách, rất nhiều thành phố hiện đã lo lắng về việc có quá nhiều khách du lịch.

Số lượng khách du lịch ngày càng tăng. Liên Hợp Quốc ước tính dân số thế giới sẽ đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030. Và theo Tổ chức Du lịch Thế giới, dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm 50 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm, chủ yếu đến từ châu Á.

Lionel Saul, trợ lý nghiên cứu và giảng viên thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Khách sạn EHL, đưa ra nhận xét rằng sự gia tăng của các hãng hàng không giá rẻ, dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn và tàu du lịch là một phần gây ra quá tải du lịch.

“Những phương tiện truyền thông xã hội, những người có ảnh hưởng (influencer), phim ảnh và chương trình truyền hình cũng vậy. Vì chúng đưa nhiều người đến cùng một nơi. Họ chỉ đến, chụp một bức ảnh selfie đẹp, đăng chúng lên mạng xã hội, tăng mức độ nổi tiếng của nơi này… và rời đi”, cộng tác viên nghiên cứu Tatyana Tsukanova tại trường Lausanne ở Thụy Sĩ cho biết.

Cơn đau đầu kỳ lạ của các thiên đường du lịch: Ngán ngẩm khi chật kín những du khách "chỉ đến chụp ảnh đăng mạng xã hội rồi đi” - Ảnh 1.

Ngôi làng cổ Hallstatt của Áo. Ảnh: Getty Images

Những động thái đang được các thành phố thực hiện để chống lại tình trạng này

Tsukanova cho biết, ngôi làng Hallstatt của Áo, nơi là nguồn cảm hứng cho loạt phim bom tấn “Frozen” của Disney, đã xuất hiện trong một bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Ngay lập tức, địa điểm này trở thành cơn sốt du lịch. Mỗi năm họ đã phải tiếp đón khoảng 1 triệu khách. Người dân ở đây thậm chí đã xây tường chắn, nhưng sau đó họ đã phải hạ xuống vì phản ứng dữ dội của dư luận.

Bên cạnh đó, các thành phố và địa điểm khác như Machu Picchu ở Peru, Acropolis ở Athens, Borobudur ở Indonesia, các bãi biển ở Sardinia đang giới hạn lượng du khách hàng ngày. Trong khi đó, Venice, Bora Bora thì hạn chế các tàu du lịch lớn.

Theo Guardian,  thành phố Amsterdam “tiên phong” trong việc chống lại tình trạng quá tải du lịch, đã hạn chế các xe buýt, cửa hàng du lịch, khai trương khách sạn mới và cho thuê nhà Airbnb. Họ cũng đang xem xét cấm tàu du lịch và chuyển khu đèn đỏ nổi tiếng của thành phố ra khỏi trung tâm thành phố.

Tiền phạt và lệ phí

Một số thành phố đã ban hành chính sách phạt tiền đối với hành vi kém văn minh. Venice phạt du khách nếu họ vứt đồ uống hoặc thức ăn bừa bãi, hoặc bơi trong kênh và mặc đồ bơi khi đi dạo. Bắt đầu từ năm tới, thành phố đang thử nghiệm thu phí tham quan trong ngày với giá 5 USD/người.

Theo phát biểu của Ivan Saprov, người sáng lập công ty công nghệ du lịch Voyagu tại Mỹ, Valencia, Tây Ban Nha, Manchester, Anh, Thái Lan và Iceland sắp áp dụng thuế du lịch mới. Từ tháng 2 năm 2024, Bali cũng sẽ đánh thuế du khách 150.000 rupiah (10 USD).

Trong buổi phỏng vấn với CNBC, Ivan Saprov còn chia chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất ngạc nhiên trước những phản hồi tích cực của khách hàng. Gần 40% trong số đó đồng ý và ủng hộ. Vì tiền thu về có thể được sử dụng để tạo ra cơ sở vật chất và dịch vụ thú vị cho cả khách du lịch và người dân địa phương”.

Năm 2022, số liệu ghi nhận một số khách du lịch đã ủng hộ 200 USD cho phí phát triển bền vững của Bhutan. Kể từ đó, nước này đã hai lần giảm phí để thu hút du khách.

Còn theo ý kiến của Tsukanova, việc thu phí chỉ là một nửa biện pháp, chỉ riêng tiền phạt và phí không ngăn cản được tình trạng quá tải du lịch. Bà cho biết thêm là còn cần có sự hợp tác giữa các thành phố, địa phương, doanh nghiệp địa phương và người dân.

Cơn đau đầu kỳ lạ của các thiên đường du lịch: Ngán ngẩm khi chật kín những du khách "chỉ đến chụp ảnh đăng mạng xã hội rồi đi” - Ảnh 2.

Ảnh: Getty Images

Quản lý “dòng khách du lịch”

Tổng thư ký Zurab Pololikashvili của Tổ chức Du lịch Thế giới (Liên Hợp Quốc) nói với CNBC Travel rằng chìa khóa để vượt qua tình trạng quá tải du lịch nằm ở “quản lý dòng khách du lịch và cần có thêm sự giúp ích của công nghệ”.

Tsukanova cho biết công nghệ hoạt động bằng cách giám sát đám đông và truyền đạt thông tin cập nhật cho khách du lịch theo thời gian thực.

Để giải quyết tình trạng đông đúc mà không gây tốn kém tài chính, một số quốc gia đang tìm cách thu hút du khách đến thăm những khu vực ít người đến. Vào năm 2016 Indonesia đã giới thiệu “10 Bali mới” để giới thiệu cho du khách những địa điểm đẹp khác trong nước.

Các quan chức du lịch Nhật Bản đang thúc đẩy du khách đến thăm các vùng nông thôn của đất nước. Theo The Japan Times, khu vực này có nguy cơ biến mất vào năm 2040 do dân số giảm.

Sử dụng du lịch cho mục đích tốt

Darrell Wade, đồng sáng lập của Intrepid Travel, cho biết du lịch phải phát triển và tái tạo. Ông nói: “Một trong những vấn đề của du lịch hiện nay là nó đi ngược lại với sự tái tạo. Nó mang tính khai thác và điều này không thể tiếp tục lâu hơn nữa”.

Saul thông báo nhóm của ông đang nghiên cứu một mô hình kinh doanh khách sạn mang tính tái tạo. Theo đó, khách du lịch giúp đỡ cộng đồng mà họ ghé thăm, để cho những du khách “không chỉ đến… thăm quan rồi rời đi”. Ông cho biết du khách có thể khôi phục các rạn san hô, trồng thảm thực vật hoặc đảm bảo số tiền họ chi có lợi cho người dân bản địa bằng cách chọn các khách sạn nhỏ hơn và nhà hàng do gia đình sở hữu.

Theo ý kiến của Tsukanova thì thách thức lớn nhất hiện giờ là định hướng thay đổi tư duy đi du lịch của du khách theo một hướng khác. Đó là đưa vào sử dụng một ứng dụng mà du khách có thể đếm xem đã ghé thăm bao nhiêu quốc gia, bao nhiêu khu vực.

Theo CNBC

Thu Hoài

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên