MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn dư địa giảm thêm lãi suất?

19-10-2024 - 10:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước để ngỏ khả năng thay đổi lãi suất điều hành, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Ngày 18-10, UBND quận 1, TP HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM và Bảo hiểm Xã hội quận 1 tổ chức hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp (DN) - Chính quyền quận 1 và lễ ký kết NH - DN trên địa bàn quận 1 năm 2024. Đây là lần thứ 3 ngành NH phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện và NH thương mại trên địa bàn TP HCM tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối với DN.

Dồn dập tung gói tín dụng lãi suất thấp

Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết trên địa bàn có hơn 27.000 DN và hơn 10.000 hộ kinh doanh. Quận 1 đã tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định và bền vững; đẩy mạnh chương trình kết nối, hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý của các NH.

"Đợt này có 6 NH thương mại là Vietcombank Chi nhánh TP HCM, Sacombank Chi nhánh Sài Gòn, ACB Chi nhánh Bến Thành, HDBank Chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu, VietABank Chi nhánh TP HCM, VietBank Chi nhánh Sài Gòn đã hỗ trợ ưu đãi cho 56 khách hàng với số dư nợ là 14.210 tỉ đồng. Trong đó, trực tiếp ký kết tại hội nghị có 14/56 khách hàng với số dư nợ được hỗ trợ là 971,6 tỉ đồng" - ông Nguyễn Duy An thông tin.

Từ đầu năm đến nay, ngành NH trên địa bàn thành phố đã tổ chức 31 đợt kết nối nhằm tháo gỡ khó khăn và tiếp sức về vốn lãi suất thấp cho cộng đồng DN, hộ kinh doanh…

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết ngay từ đầu năm 2024 đã có 17 NH trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình kết nối với tổng số tiền hơn 509.800 tỉ đồng. Đến nay, con số giải ngân đã đạt hơn 425.600 tỉ đồng (83,4%).

Hiện nay, một loạt NH liên tục tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để kích cầu, đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm. Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay từ đầu năm đến nay, NH đã đưa ra 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho DN. Đặc biệt, gói tín dụng đặc thù cho DN với quy mô 20.000 tỉ đồng có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng. Các DN nông - thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu có thể tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất rất ưu đãi này.

"Chúng tôi không thiếu vốn và có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vốn của DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), nhất là với TP HCM - vùng kinh tế trọng điểm của cả nước" - ông Ngọc khẳng định.

Doanh nghiệp vẫn dè dặt

Tốc độ giải ngân vốn tín dụng qua chương trình kết nối NH và DN ở TP HCM là tín hiệu tích cực. Nhưng nhìn rộng ra toàn ngành, bức tranh này chưa thật sự khởi sắc. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH trên cả nước đạt hơn 9% nhưng tại TP HCM chưa tới 6%, cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp.

Tại hội nghị đối thoại, kết nối NH và DN, HTX, hộ sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP HCM mới đây, bà Phạm Thị Thu Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao (quận Bình Tân), nói nguồn vốn hỗ trợ lãi suất rất cần cho DN nhỏ và vừa, DN mới thành lập nhưng để tiếp cận thì rất khó khăn. Cách đây 2 năm, HTX của bà vay 700 triệu đồng tại một NH thương mại, đã trả được một nửa nhưng NH yêu cầu phải đáo hạn từng năm trong khi nhu cầu của bà là được trả cả gốc lẫn lãi và vay gói mới để có lãi suất thấp hơn.

"Lãi suất cho gói vay của tôi không được hỗ trợ, dù lĩnh vực nông nghiệp thuộc diện ưu tiên nên tôi mong tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận được chính sách hỗ trợ để tiếp tục mở rộng dự án nông nghiệp sạch" - bà Hà nói.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian tới có thể duy trì ở mức thấp Ảnh: TẤN THẠNH

Lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian tới có thể duy trì ở mức thấp Ảnh: TẤN THẠNH

Một số DN cho hay muốn vay thêm vốn NH để bổ sung vốn lưu động hoặc triển khai dự án sản xuất - kinh doanh mới nhưng hết tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp đã bảo lãnh cho khoản vay hiện hữu. Do đó, DN mong muốn được vay vốn tín chấp nhưng việc tiếp cận không dễ.

Ở chiều ngược lại, nhiều DN chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động về nhu cầu vốn tín dụng hạn chế do thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa chậm. Tổng giám đốc một công ty trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nước giải khát cho hay công ty ông có quan hệ tín dụng tốt với NH thương mại từ nhiều năm qua, chưa từng trả trễ hạn nên điểm tín dụng rất tốt.

"Vừa rồi một số NH liên hệ hỏi tôi có nhu cầu vay thêm vốn lưu động hoặc vay thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất với lãi suất thấp không? Nhưng thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu đều khá chậm, chúng tôi chỉ sản xuất vừa đủ chứ chưa mở rộng, nên không có nhu cầu vay thêm vốn" - ông kể.

Giảm thêm lãi suất?

NHNN nhận định trong trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp thì mức tăng trưởng tín dụng của các đơn vị cũng không đồng đều. Có NH thương mại tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số NH đã tăng sát chỉ tiêu được giao. Do đó, từ cuối tháng 8-2024, NHNN đã thông báo các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm đạt từ 80% chỉ tiêu sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ cho vay dựa trên điểm xếp hạng của từng đơn vị. Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn vay.

Tại cuộc họp báo quý III/2024 của ngành NH, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, cho biết cơ quan này đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho NH thương mại tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; đồng thời yêu cầu các NH tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

"Quan điểm của NHNN là liên tục hỗ trợ vốn, bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô bảo đảm; lạm phát, tỉ giá ổn định… chúng tôi sẽ để ngỏ quan điểm điều hành lãi suất trong thời gian tới" - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh. 

TS Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình Tài chính ứng dụng (Đại học Rennes - Pháp):

"Dò đá qua sông", đề phòng lạm phát

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NH trung ương các nước châu Âu, Anh giảm thêm lãi suất, một số quốc gia ở khu vực ASEAN vừa giảm lãi suất cơ bản, sẽ giúp tỉ giá tại Việt Nam giảm bớt căng thẳng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, do tình hình địa chính trị ở Trung Đông căng thẳng ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa, một số mặt hàng thiết yếu trong nước rục rịch tăng giá… nên áp lực lạm phát vẫn hiện hữu. Thời điểm này, NHNN cần giữ nguyên lãi suất điều hành để phòng ngừa lạm phát đi lên.

Nhà điều hành vẫn có thể "dò đá qua sông" chờ xung đột quân sự khu vực Trung Đông hạ nhiệt, FED giảm lãi suất lần thứ 2, nguồn cung USD tăng lên khi kiều hối và giải ngân vốn FDI vào thời điểm cuối năm thường sôi động… để tính đến phương án mua vào ngoại tệ. Điều này đồng nghĩa NHNN đã tăng thêm cung tiền ra thị trường, giúp lãi suất liên NH (lãi suất các NH vay mượn lẫn nhau - PV) đi xuống. Từ đó, chi phí của các NH giảm theo, tạo điều kiện cho lãi suất cho vay giảm thêm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam:

Chính sách tiền tệ "dễ thở" hơn

Do tín dụng đang tăng nhanh và tăng cao hơn cung tiền nên vẫn có áp lực tăng lãi suất, cộng thêm áp lực tỉ giá và lo ngại về sức ép lạm phát. Dù vậy, với việc FED và NH trung ương nhiều nước đã bước vào chu kỳ giảm lãi suất điều hành, chính sách tiền tệ ở Việt Nam sẽ "dễ thở" hơn. NHNN vẫn có dư địa giữ trạng thái chính sách tiền tệ nới lỏng để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán - NH HSBC Việt Nam:

Lãi suất khó biến động mạnh

Mặt bằng lãi suất sẽ không biến động nhiều vì các NH muốn cho vay nhưng đang gặp khó do yếu tố thị trường, sức cầu vốn chưa cao. Các NH sẽ khó giảm lãi suất thêm mặc dù được kêu gọi.

Tăng trưởng tín dụng đang cao hơn nhiều so với huy động, NH có thể tăng lãi suất đầu vào để huy động vốn nhiều hơn nhưng nếu không cho vay được thì biên lãi ròng (NIM) sẽ giảm. Dù vậy, lãi suất cho vay sẽ khó tăng bởi với mức lạm phát khoảng 3,6% hiện nay đang dưới mục tiêu đặt ra nhưng cũng không phải quá thấp.


Theo Thái Phương - Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên