Con dưới 36 tháng tuổi sẽ được theo bố vào trại giam?
Theo quy định, con dưới 36 tháng tuổi được theo mẹ vào trại tạm giam. Nay, dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận ngày 19.11 quy định thêm: Con dưới 36 tháng tuổi cũng được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Có nên cho con dưới 36 tháng tuổi theo bố vào trại?
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, “đây là một vấn đề cần hết sức cân nhắc”. Bởi lẽ, con dưới 36 tháng tuổi được theo mẹ là một quy định nhân đạo vì lợi ích tâm sinh lý tốt nhất cho trẻ em, do trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc của mẹ, cần được bú sữa mẹ ... và đây cũng là những trường hợp rất hạn chế và hãn hữu.
B Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Không nên quy định con dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Ảnh: Q.H
Vì vậy, luật hiện hành cho phép con dưới 36 tháng tuổi được theo mẹ vào trại giam và khi từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải đưa về thân nhân hoặc đưa ra cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng.
Cũng theo ĐB Cường, Bộ luật Hình sự chỉ quy định cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án và trong Luật Hôn nhân và gia đình quy định là khi ly hôn về nguyên tắc, người mẹ được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi chứ không quy định liên quan đến người bố.
Từ những phân tích trên, ĐB Cường không tán thành với việc bổ sung quy định là trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố vì quy định này không phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Việc giải quyết vấn đề này theo nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng giới giữa nam phạm nhân và nữ phạm nhân là không thỏa đáng mà ở đây cần phải lấy lợi ích của trẻ em, quyền của trẻ em để giải quyết vấn đề, môi trường giam giữ chưa bao giờ là môi trường thân thiện đối với trẻ em trong mọi phương diện.
Bé ở trại giam, mỗi năm được 2 khăn mặt, 2kg xà phòng...
Cũng quan tâm đến vấn đề trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo cha/mẹ vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, dù theo cha hay mẹ vào trại giam thì cũng phải thực hiện quyền và lợi ích của trẻ em một cách tốt nhất. Do vậy, khoản 3 Điều 50 dự thảo luật quy định những trẻ em này được hưởng chế độ ăn như đối với bố mẹ, chế độ mặc và cấp nhu yếu phẩm, mỗi năm được cấp 2 khăn mặt, 2kg xà phòng, 2 bộ quần áo...
Đồng thời, tại Điều 54 dự án luật quy định "khi các em mắc bệnh thông thường có thể khám và điều trị bệnh tại bệnh xá, tiền thuốc chữa bệnh cho trẻ em được cấp tương đương với 4kg gạo/người/tháng".
Theo ĐB Hiển, cách tiếp cận của dự thảo như vậy là chưa phù hợp với nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, chưa bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm trẻ em này. “Theo tôi, nhóm trẻ em này không phải là người phải chấp hành án. Mặt khác, đây là những trẻ em nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương và đặc biệt. Do vậy, những trẻ em này cần có sự quan tâm đặc biệt, ít nhất là bảo đảm theo đúng quy định của Luật Trẻ em". Vì vậy, chế độ ăn, mặc, nhu yếu phẩm đối với nhóm trẻ em này không thể như người lớn cả về định lượng, thành phần dinh dưỡng và loại thực phẩm cụ thể” - ĐB nói.
Việc khám chữa bệnh cũng phải theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, là trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, chuyển tuyến và khám chữa bệnh cấp cứu.
Mặt khác, theo quy định của Luật Trẻ em, các quyền cơ bản của trẻ em trong trường hợp này cũng phải được quan tâm và quy định cụ thể. Chẳng hạn, đảm bảo quyền được trợ giúp để duy trì mối quan hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình như Điều 22 Luật Trẻ em thì Luật Thi hành án hình sự phải quy định rõ quyền của người cha hoặc người mẹ khi đến thăm nuôi cũng được ưu tiên về số lần và thời gian thăm nuôi nhiều hơn so với trường hợp bình thường...
ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho rằng quy định tại Điều 54 của dự thảo luật về chế độ chăm sóc y tế cho trẻ, chế độ ăn, mặc, nhu yếu phẩm cho con phạm nhân là chưa phù hợp, không thể hiện được quyền được chăm sóc của trẻ em. ĐB đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định mức nuôi dưỡng của trẻ bằng với mức nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội mà Chính phủ đã quy định, không nên chi tiết trong dự luật này.Lao động