MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con đường Marvell trở thành “khổng lồ” 47 tỷ đô của ngành bán dẫn Mỹ và niềm tin vào Việt Nam: Tăng thêm 50% lao động, gấp đôi học bổng

19-09-2023 - 08:47 AM | Doanh nghiệp

Con đường Marvell trở thành “khổng lồ” 47 tỷ đô của ngành bán dẫn Mỹ và niềm tin vào Việt Nam: Tăng thêm 50% lao động, gấp đôi học bổng

Marvell đạt doanh thu 5,92 tỷ USD trongn năm tài chính 2023, tăng 30% so với năm 2022. Doanh thu này chủ yếu tới từ các trung tâm dữ liệu, mạng lưới và hạ tầng liên quan đến bán dẫn cho những doanh nghiệp khác.

Sau khi nâng tầm lên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các công ty Mỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan trọng như bán dẫn, công nghệ chip và công nghệ xanh. Đặc biệt, Việt Nam sẽ được tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua ngành bán dẫn – ngành công nghiệp với tiềm năng khổng lồ trong tương lai.

Tập đoàn Marvell – một trong những ông lớn của ngành bán dẫn thế giới – mới đây công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại TP.HCM. Trước đó, vào tháng 6 năm nay, công ty này đã thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch tại Việt Nam, đặt nền móng cho việc mở rộng hơn nữa trong tương lai.

Con đường Marvell trở thành “khổng lồ” 47 tỷ đô của ngành bán dẫn Mỹ và niềm tin vào Việt Nam: Tăng thêm 50% lao động, gấp đôi học bổng - Ảnh 1.

Marvell là cái tên lớn trong ngành bán dẫn được thành lập từ năm 1995 bởi ông Sehat Sutardja – một người Indonesia gốc Hoa tại California, Mỹ. Thời mới phát triển, công ty tập trung vào thiết kế các kênh đọc dựa trên nền CMOS cho các ổ đĩa, với khách hàng đầu tiên là Seagate – một trong những nhà sản xuất ổ cứng hàng đầu thế giới.

Năm 2000, công ty chính thức đưa cổ phiếu của mình lên giao dịch trên sàn chứng khoán, thu về 90 triệu USD với mức giá cho mỗi cổ phần là 15 USD.

Trong quá trình phát triển của mình những năm kế tiếp, Marvell đã sáp nhập hàng loạt công ty khác để trở thành người khổng lồ trong ngành, với 2 thương vụ lớn nhất là mua lại Cavium – doanh nghiệp sản xuất bộ vi xử lý ARM với giá 6 tỷ USD và Inphi – chuyên về mạch tích hợp tín hiệu hỗn hợp bằng 8 tỷ USD.

Marvell hiện đang có trụ sở tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức.

Marvell cung cấp rất nhiều sản phẩm liên quan đến bán dẫn, trong đó có mạng Ethernet sử dụng trên ô tô điện, bộ vi xử lý dữ liệu OCTEON và ARMADA, các thiết kế liên quan đến phương tiện lưu trữ dữ liệu là SSD và HDD… Công ty cũng cung cấp các sản phẩm tiêu chuẩn dành riêng cho khách hàng (CSSP), cho phép khách hàng tích hợp các tiện ích vào bộ vi xử lý của hãng.

Cùng với TSMC, công ty đã giới thiệu với hành khách các sản phẩm liên quan tới tiến trình 3nm với nhiều tính năng nổi bật. Bên cạnh đó, Marvell cũng chính là tác giả của bộ xử lý cơ sở hạ tầng sử dụng trên các hệ thống 5G của Huawei, Nokia, ZTE, Samsung, cho thấy độ phủ sóng rộng khắp của tập đoàn trên nhiều lĩnh vực về công nghệ thông tin trên toàn cầu.

Con đường Marvell trở thành “khổng lồ” 47 tỷ đô của ngành bán dẫn Mỹ và niềm tin vào Việt Nam: Tăng thêm 50% lao động, gấp đôi học bổng - Ảnh 2.

Tiến trình 3nm của Marvell kết hợp cùng TSMC (Nguồn: Marvell)

Năm tài chính 2023, Marvell đạt doanh thu 5,92 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022, đồng thời giảm được thua lỗ từ 421 triệu về chỉ còn 164 triệu USD. Doanh thu này chủ yếu tới từ các trung tâm dữ liệu, mạng lưới và hạ tầng liên quan đến bán dẫn cho những doanh nghiệp khác.

Với kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với những năm trước, cổ phiếu của Marvell đã tăng từ 36 USD lên trên 50 USD mỗi cổ phiếu vào giữa tháng 9 năm nay, tương đương mức vốn hóa khoảng 47 tỷ USD, cùng hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ được trao cho tập đoàn.

Con đường Marvell trở thành “khổng lồ” 47 tỷ đô của ngành bán dẫn Mỹ và niềm tin vào Việt Nam: Tăng thêm 50% lao động, gấp đôi học bổng - Ảnh 3.

Cơ cấu doanh thu 3 năm gần nhất của Marvell (Nguồn: Marvell)

Tại Việt Nam, Marvell có 3 cơ quan đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trở thành một mắt xích về nghiên cứu và phát triển chiến lược của công ty trên toàn cầu. Các trung tâm này tập trung vào các hoạt động liên quan tới kết nối quang, công nghệ bán dẫn tín hiệu analog và thiết bị lưu trữ dữ liệu.

Ngày 15/6 năm nay, tập đoàn đã công bố kế hoạch về việc thành lập một trung tâm dữ liệu mang tầm cỡ thế giới đặt tại thành phố mang tên Bác, với mong muốn phát triển hệ sinh thái liên quan đến công nghệ bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ tìm kiếm và phát triển những tài năng liên quan đến ngành khoa học máy tính tại nước ta thông qua học bổng Marvell Excellence.

Hiện tại, Marvell có khoảng 300 nhân viên đang làm việc tại Việt Nam, phần lớn trong số đó là các kỹ sư công nghệ.

Mới đây nhất, Marvell tiếp tục đưa ra mốc thời gian hoàn thiện là cuối năm 2024 cho trung tâm dữ liệu nêu trên, nhằm tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động liên quan đến công nghệ bán dẫn tại nước ta. Đồng thời, tập đoàn cũng cam kết sẽ tăng lực lượng lao động tại Việt Nam thêm 50% trong 3 năm tới và tăng gấp đôi học bổng Marvell Excellence nhằm tìm kiếm và hỗ trợ tích cực hơn nữa các tài năng trong nước.

Có thể thấy, Marvell đang đặt niềm tin lớn trong việc phát triển công nghệ bán dẫn tại nước ta những năm tới đây.

Con đường Marvell trở thành “khổng lồ” 47 tỷ đô của ngành bán dẫn Mỹ và niềm tin vào Việt Nam: Tăng thêm 50% lao động, gấp đôi học bổng - Ảnh 4.

Tập đoàn trao học bổng Marvell Excellence tại Việt Nam (Ảnh: VNA)

Có thể thấy, Việt Nam đang thu hút được rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới trong việc đầu tư vào phát triển công nghệ bán dẫn, biến nước ta trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với hai công ty lớn là Hana Micron và Marvell đi đầu trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong thời gian tới, nhiều khả năng các tập đoàn lớn khác trên thế giới sẽ bắt đầu nghiên cứu và đầu tư các cơ sở nghiên cứu và sản xuất, đem lại cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho nước ta trong tương lai.

Tiến Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên