Con gà luộc "đáng sợ" và những chuyện dở khóc dở cười dịp Tết của TS Mỹ sau 11 năm ở Việt Nam
Thực sự là trước đây tôi đã từng viết về Tết, nhưng mỗi năm Tết đến tôi lại phát hiện thêm một điều gì đó mới mẻ hoặc khác biệt.
- 11-02-2024Sầu riêng – món quà Tết đắt khách ở Trung Quốc
- 11-02-2024Du thuyền hạng sang bốc cháy tại cảng miền Trung Italy
- 11-02-2024Một kim loại được dự báo sẽ “vượt mặt” vàng trong năm nay, giá ước đạt mức cao nhất trong cả thập kỷ
Tôi là một người Mỹ đã gắn bó với Hà Nội 11 năm. Có nghĩa là tôi đã được trải nghiệm 11 cái Tết ở quê hương thứ hai này. Tết lúc nào cũng là khoảng thời gian thật tuyệt vời. Tôi đoán rằng đó chính là lý do tại sao người Việt Nam thích Tết đến như vậy và bản thân tôi cũng không ngoại lệ.
Thực sự là trước đây tôi đã từng viết về Tết, nhưng mỗi năm Tết đến tôi lại phát hiện thêm một điều gì đó mới mẻ hoặc khác biệt.
Gà luộc
Con gà luộc được đặt trên ban thờ của mỗi gia đình để tượng trưng cho sự thịnh vượng, sung túc trong năm mới và bày tỏ lòng biết ơn của gia chủ đối với tổ tiên. Gà được luộc nguyên con, trang trọng ngồi trên đĩa với chiếc đầu ngẩng cao và trên mỏ cài một bông hồng đỏ thắm đầy kiêu hãnh.
Mỗi lần nhìn thấy con gà đó, tôi đều bị sốc. Thực sự bị sốc.
Trời ạ, con gà nhìn quá sống động, mắt nó cứ liếc tôi, điệu bộ như sắp cất tiếng gáy và có lẽ chỉ một giây nữa thôi là nó nhảy ra khỏi cái đĩa mà chạy. Tôi sợ nhất là khi nhìn vào gương mặt của nó với chiếc mào to tướng, cặp mỏ há ra và đôi mắt cứ giương giương như thách thức.
Tôi biết rằng cảm giác này thật ngớ ngẩn, nhưng thậm chí còn ngớ ngẩn hơn là việc tôi thường co ro một mình trong phòng đóng kín cửa cho đến khi cả nhà ăn xong con gà. Nhiều lúc tôi còn nghĩ cứ đà này thì chắc sẽ có ngày tôi chết đói trước khi ra được phòng khách.
Chứng kiến tình cảnh thảm thương của tôi năm nay gia đình đã thay đổi chiến thuật: con gà vẫn nằm trên chiếc đĩa quen thuộc nhưng được nguỵ trang khéo léo bằng cách cài kín hoa xung quanh để che khuất tầm nhìn của tôi. Việc này thực sự có hiệu quả trong vài phút. Nhưng rồi tôi vẫn nhìn ra nó, con gà quen thuộc.
Và tôi không có lựa chọn nào khác mà chấp nhận chung sống hoà bình với nó. Cả nhà cười ồ lên khi thấy gương mặt đầy chịu đựng của tôi. Thôi thì kệ cái đôi mắt đáng sợ kia, nó sẽ là bạn thân của tôi từ lúc này, tôi run run tự nhủ.
Bao lì xì
Tết đến cũng là lúc lũ trẻ nhỏ náo nức chờ đón những chiếc phong bao lì xì đỏ rực từ tay người lớn. Tôi hiểu rằng những chiếc bao lì xì tượng trưng cho mong ước may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Người ta cũng tặng lì xì cho những người đã giúp đỡ, hỗ trợ mình để thể hiện sự tri ân, trân trọng những điều tốt lành đã được nhận trong năm qua.
Ấy vậy nhưng việc phát bao lì xì khi Tết đến cũng nhiều khi gây ra cảnh dở khóc dở cười. Rất may là tiền lì xì được để trong những phong bao đỏ, mà cái nào cũng giống cái nào. Có ai ngờ đâu, việc tưởng hết sức đơn giản là cho tiền vào bao lì xì mà cũng khiến cho người ta phải đau đầu suy tính. Biết để bao nhiêu là vừa? Để tặng trẻ em mà cho quá nhiều tiền thì sẽ tạo tiền lệ xấu. Nhưng cho quá ít thì thể nào cũng bị gọi là kẻ keo kiệt. Phức tạp thực sự!
Còn với bao lì xì tặng người lớn thì sao? Với một số người, khoản tiền bạn để trong bao lì xì sẽ là thước đo uy tín của bạn. Nếu để quá ít thì chính bạn đã hạ giá món quà của mình. Mà để quá nhiều thì rất có thể khiến một số người nhận thấy khó xử, ngại ngùng.
Rồi còn tình huống nữa là khi bạn chợt nhận ra là mình không chắc chắn có mang đủ bao lì xì để tặng cho tất cả mọi người có mặt không hay chỉ tặng một vài người, rồi có nên đưa cho người này lì xì ít tiền hơn người kia hay không. Một số người đánh giá bao lì xì qua số tiền bên trong, một số khác lại chỉ coi đó là biểu tượng của sự quan tâm, trân trọng.
Đối với tôi, việc phải tính toán mọi tình huống như vậy quá "hại não". Vì vậy, giải pháp là trong túi có bao tiền tôi cứ đem ra mừng tuổi hết cho đến khi mọi gương mặt đều sáng bừng niềm vui.
Tặng quà
Những ngày giáp Tết là dịp người thân quen, bạn bè, gia đình gửi cho nhau những món quà. Việc này có thể rơi vào tình trạng quá tải nếu bạn là một người được yêu mến.
Tết còn chưa đến mà nhà chúng tôi đã ngập tràn vài cây quất, thay đi thay lại gần chục cành đào to nhỏ, đồ bày ban thờ phải kể đến cả một đôi công cỡ lớn được tết vô cùng cầu kỳ, hàng chục chai rượu các loại, 200 quả bưởi khiến căn phòng thơm nức, rồi các loại bánh quy, mứt tết, bánh Chocopie, bánh trứng và vô số hoa đủ màu sắc, chủng loại.
Chưa kể đến là gia đình còn đón nhận một số trẻ em đi lạc thang máy xuống nhầm tầng. Chắc tụi nhỏ chạy lên chạy xuống nhận và gửi đồ đến hoa cả mắt. Vợ tôi cũng không phải ngoại lệ.
Thế là lại có một nỗi đau đầu: có nên tặng lại những món quà này cho người khác không?
Tôi cho rằng đó không phải là ý hay. Mỗi món quà đều gói ghém tình cảm, sự hào phóng của người gửi. Đặc biệt, nếu cho đi rồi thì phải làm sao khi bạn bè ghé thăm với mong muốn được thấy món quà họ gửi tặng gia chủ được bày trang trọng và đầy kiêu hãnh mà đến nơi lại không thấy đâu.
Tôi mới nghĩ ra 3 ý tưởng hay ho thế này: (1) mở một cửa hiệu tạp hoá nội khu và dùng số tiền bán quà tặng đi làm từ thiện; (2) giữ hết quà, uống hết rượu, ăn hết đồ ăn và trưng bày hết đào, quất cho đến khi quả rụng hoa rơi rồi đi tập Gym; hoặc (3) biến căn nhà ngập tràn không khí Tết của mình thành một địa chỉ cho khách du lịch thuê và mình thì lấy tiền đó đi nghỉ dưỡng.
Chia sẻ lương thực, thực phẩm
Cũng vào dịp Tết người ta sẽ chia sẻ cho nhau lương thực, thực phẩm, cả sống và chín. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người tình cờ gặp và quen ngoài phố đều sẽ nhận được quà. Đó là những bao gạo vài chục ký, vài trăm quả trứng gà, vài con gà, con vịt đã làm sẵn và rất nhiều các loại nông sản khác được cha mẹ, người thân gửi từ quê lên cho người ở phố.
Cũng giống như các món quà tặng, nguồn lương thực, thực phẩm này cũng có khả năng trở nên dư thừa. Chỉ khác là với quà tặng bạn cần rất cân nhắc việc mang đi tặng lại thì những món ăn và lương thực có thể chia sẻ tiếp.
Ví dụ, người chị gái nhận được bao gạo 100 cân từ quê có thể chia số gạo thành 3 phần và gửi đến nhà anh chị em của mình. Nhưng các gia đình này lại đã mua sẵn gạo rồi nên những túi gạo đó lại tiếp tục lên đường đến nhà các đồng nghiệp của họ. Nhưng các đồng nghiệp cũng có họ hàng ở quê nên thùng gạo nhà họ cũng đã đầy ắp. Rồi cứ vòng quanh chưa biết chừng số gạo lại quay về nhà người chị ban đầu.
Những ngày trước và trong dịp Tết, Hà Nội trở thành trung tâm phân phối thực phẩm quy mô lớn, không kém gì các cơ sở xuất nhập khẩu lớn của thế giới. Nhìn từ trên không, người ta có thể thấy rõ các chuỗi cung ứng đã hoạt động vô cùng tích cực để đảm bảo các thùng lương thực, thực phẩm di chuyển liên tục khắp đất nước.
Hà Nội thực sự may mắn vì người Việt Nam ăn khỏe mà không bao giờ béo!
Những con phố vắng lặng
Tết đến, nhiều con phố ở Hà Nội trở nên lạnh tanh khi người người về quê với gia đình. Những người ở lại thành phố tranh thủ tận tưởng không khí này.
Tôi thích đi bộ dọc theo vỉa hè vắng vẻ để cảm nhận sự bình yên, tĩnh lặng và không khí trong trẻo của mùa xuân. Vào ngày thường, vỉa hè chật cứng người, xe máy, ô tô, xe đạp, người bán hàng rong, những bao rác thải xây dựng khổng lồ, hàng ngàn học sinh, sinh viên và những thứ không ai biết phải làm gì nằm rải rác vô định. Tất cả sự hỗn loạn đó được gói ghém trong lớp áo là sự ồn ào của tiếng động cơ, còi xe, chưa kể đến việc thỉnh thoảng xảy ra tai nạn, tiếng người la hét và tiếng nhạc ráp phát hết công suất từ các cửa hàng ven đường.
Thả bộ trên vỉa hè quen thuộc lúc này thênh thang như đại lộ, tôi thấy có một số cửa hàng mới mở và một số cửa hàng cũ đã ngừng kinh doanh. Đây đó những ngôi nhà ống đang thành hình sau lớp bê tông mới. Gạch lát vỉa hè đã được thay. Những sợi dây điện thoại lủng lẳng mọi ngày đã được kéo lên cao. Trên những cành cây khẳng khiu đang xuất hiện nhiều chồi non. Cảnh vật đã khoác lên mình một tấm áo mới tinh tươm và đẹp đẽ biết nhường nào!
Nhưng thời gian tươi đẹp này thực là ngắn ngủi. Chỉ vài ngày sau, con phố sẽ lại bừng tỉnh và mọi sự của ngày cũ lại tiếp diễn. Tết đã đến và Tết đã qua!
Chuẩn bị đón Tết
Chính thức thì Tết là một kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần vào tháng Hai. Nhưng Tết bắt đầu sớm hơn nhiều, thường là sớm hơn vài ngày hoặc vài tuần và kết thúc muộn hơn vài ngày hoặc vài tuần. Việc này có căn nguyên của nó.
Các gia đình cần có thời gian để chuẩn bị đón Tết. Gà phải luộc chín. Bao lì xì đỏ phải đi mua và phải nhờ vả để đổi được những xấp tiền mệnh giá nhỏ còn mới tinh thơm mùi mực in. Quà phải đặt trước, đào, quất phải được vận chuyển sớm để gia chủ chưa kịp tự mua. Thực phẩm phải được lên danh sách cụ thể, sau đó được tập kết và phân phối khắp thành phố.
Tết đến, các gia đình phải đảm bảo những bữa cơm cầu kỳ nhiều món, đi thăm họ hàng, bạn bè, thăm người nhà đang trong bệnh viện, thăm thầy cô, đồng nghiệp cũ... Những việc này thực sự là tốn thời gian và khiến người ta mệt mỏi. Vì vậy, nhiều người đã phải xin nghỉ làm để phục hồi sức lực sau kỳ nghỉ.
Rồi sau các bữa tiệc tùng, các cuộc thăm hỏi, điều còn đọng lại trong các căn phòng vốn ngập tràn sắc Tết là những cây quất bắt đầu rụng quả, những cây đào trơ trụi với xác hoa đầy gốc, góc bếp là những túi xương gà, vỏ hộp bánh Chocopie, mứt kẹo… Đây chính là lúc rượu bia phát huy tác dụng: ai ai cũng đang lâng lâng cả, có thấy gì đâu mà phải dọn dẹp. Rồi sau đó người ta mới hốt hoảng đi tìm xem lũ trẻ nhỏ đã trốn đi đâu trong cơn hỗn loạn.
Và cuối cùng, sau khoảng một tháng thì hết Tết. Nhưng hết năm nay lại đến sang năm. Lại chuẩn bị Tết dần đi là vừa!
Đời sống và Pháp luật