Con gái 17 tuổi bị bạo lực học đường, bà mẹ ở Hà Nội hối hận vì 2 lần khuyên con 'kệ đi'
Ban đầu, người mẹ đã khuyên con 'tảng lờ sự việc, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi'. Lần thứ hai, sự việc bị đẩy lên cao, chị vẫn tiếp tục dặn con dĩ hòa vi quý. Kết quả, con ngắt kết nối với cả nhà, kể cả các em. Mọi chuyện trở nên càng nghiêm trọng khi chị nhìn những bức tranh con vẽ.
- 25-04-2023Lo con trai đi học mẫu giáo gặp bạo lực học đường, ông bố mạnh tay chi 20 tỷ tự xây trường cho con: Đầy đủ tiện nghi!
- 22-04-2023Bạo lực học đường gây lo ngại, Tiến sĩ giáo dục chỉ rõ cách giúp trẻ đối phó khôn ngoan khi bị bắt nạt
- 19-04-2023Phần Lan có phương pháp 'trị' bạo lực học đường hiệu quả nhưng vì sao chưa thể áp dụng ở các quốc gia khác?
Khi con bị bắt nạt, cha mẹ khác nhau có cách tiếp cận khác nhau. Một số bậc cha mẹ không muốn gây ra thị phi, sẽ chuyện to hóa nhỏ, dạy con nói "không sao". Nhưng liệu cách giải quyết "dĩ hòa vi quý" trong trường hợp này có mang lại tác dụng?
Là bà mẹ có con là nạn nhân bạo lực học đường, cụ thể là bị tung tin đồn nhảm ở lớp và trên mạng xã hội, chị K.A (tên nhân vật được viết tắt theo yêu cầu), một phụ huynh ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã từng áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, sau hai lần dặn con "kệ đi", chị mới nhận ra mình sai lầm khi đã không xử lý sự việc tới nơi tới chốn.
Lần 1, bé O. (17 tuổi), con gái của chị không kể với gia đình mà tự xử lý. Khi sự việc càng ngày càng lớn, theo lời khuyên của bạn, con đã kể với mẹ. Ở thời điểm này, chị A. cho rằng bản thân chị bị tổn thương vì "khi có sự việc xảy ra, con đã không tin tưởng để kể với mẹ đầu tiên mà người con tìm đến hỗ trợ là bạn của con".
Ban đầu chị đã khuyên con "Tảng lờ sự việc, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi". Lúc này, chị không hiểu về áp lực con phải chịu. Chị cũng có liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con qua tin nhắn, giáo viên nói sẽ xử lý, nhưng không hiệu quả. Con thấy mất niềm tin vào giáo viên và một phần mất niềm tin vào mẹ.
Sự việc tiếp tục bị đẩy lên cao, các bạn nói những lời tổn thương ngay trong lớp học (cả khi con lên bảng hoặc vào giờ nghỉ). Bị chọc tức quá mức, con suýt đánh nhau với mấy bạn trai cùng lớp. Chị vẫn tiếp tục khuyên con "Kệ nó đi".
Nhưng lúc này thay vì im lặng, con nói: "Mẹ nói cứ như là con đang chủ động làm lớn sự việc lên! Con là người bị hại! Và con không chịu nổi chúng nó nói con như thế! Mẹ làm con mất lòng tin! Con sẽ không kể với mẹ chuyện của con nữa!". Chị đã xin lỗi con, nhưng vẫn thấy là ý kiến của mình không sai. Và con thì thấy mẹ không đứng về phía mình.
Hậu quả là con ngắt kết nối với cả nhà, kể cả các em. Sáng con dậy sát giờ học, chào mọi người và đi học. Trưa con không về nhà ăn cơm. Khoảng 17h con về thì chào mọi người rồi lên phòng đóng cửa, bỏ cả cơm tối.
Tối muộn con dậy tự nấu đồ ăn, ăn xong không dọn dẹp, lên phòng. Cả ngày con không nói gì với bất kỳ ai trong nhà ngoài câu chào buổi sáng và câu chào buổi chiều tối. Con cũng không làm bất kỳ việc gì trong nhà, thậm chí đồ của bản thân con, con cũng bày bừa ra. Mẹ cắt tiền tiêu vặt con cũng mặc kệ, không quan tâm.
Khoảng 5 ngày đầu, tâm lý của chị A. là "Nó không cần mình thì mình cũng không cần nó". Nhưng sau đó chứng kiến con bị cô độc trong chính gia đình mình, xem tranh con vẽ thấy những lo lắng, hoảng loạn, bị cô lập. Đó là những bức tranh người không thấy mặt, xung quanh rất nhiều bàn tay như đang chực chờ chụp lấy. Chị hối hận, thấy mình thật có lỗi khi không hỗ trợ con.
Kết nối lại với con bằng giao tiếp
Chị bắt đầu thấy mình cần thay đổi trong cách cư xử với con. Trước tiên, với việc bạo lực học đường, chị xác định còn năm cuối cấp, chuyển trường sẽ rất khó khăn và ảnh hưởng việc học. Con gái chị cũng đồng ý điều này. Thêm vào đó, trong lớp của con hiện tại, các bạn học hầu hết đều rất tốt, chỉ có một vài bạn thích ném đá giấu tay đâm chọc con trên lớp và confession trường.
Vừa trò chuyện nhẹ nhàng với con, chị vừa đánh giá tình hình và quyết định tìm cho con một chuyên gia tâm lý. Một tuần một buổi, hiện con vẫn điều trị tâm lý. Giai đoạn đầu khá khó khăn, con tách biệt và ảnh hưởng tinh thần, có phần mất lòng tin. Nhưng sau một thời gian, con học được cách mặc kệ.
Sự đồng hành, thấu hiểu của gia đình cùng sự giúp đỡ của chuyên gia đã mang lại hiệu quả bước đầu. Con chị A. dần ít quan tâm tới những lời ong tiếng ve, chỉ tập trung vào học hành và những điều tích cực. Hiện em vẫn đang trong quá trình điều trị tâm lý.
Chị K.A cho rằng, trong trường hợp con chia sẻ chuyện bị bạo lực, nếu thấy quan điểm khác với con, hãy kín đáo giấu đi. Làm đồng minh với con, đừng làm con ngắt kết nối với mình. Sự tham vấn của một chuyên gia tâm lý là rất cần thiết. Điều kinh khủng nhất là con thấy mình cô độc khi chống lại cả thế giới, cả người thân cũng không đứng về phía mình.
Ngoài việc tìm giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường, chị cũng kết nối với con bằng những hoạt động thường ngày. Chẳng hạn khi nấu cơm, chị gọi con xuống phụ bếp. Chị sẽ yêu cầu con sơ chế thức ăn còn mẹ nấu.
Đến bữa ăn, nếu con không xuống ăn thì chị lên phòng con, đứng sát bên, gọi con một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, yêu cầu con xuống ăn cơm. Chỉ mất 1 ngày như thế, sau gọi con là con xuống. Tuy vậy, nếu con không xuống mẹ lại lên gọi (người khác gọi con tảng lờ đi và không xuống). Đồ con bày bừa, mẹ hỏi con: "Giờ dọn thế nào để mẹ phụ?". Con đã không cho mẹ hỗ trợ và tự dọn.
"Có lần mình hẹn con 8h30 đi cắt tóc. Gọi con dậy hai lần đến 8h20 con mới dậy. Dậy rồi con lại ở trên phòng và không xuống để đi, phải gọi con lần thứ ba. Cảm xúc lúc này của mình là "tức điên!" vì "mình bỏ tiền ra cho nó đi cắt tóc, lại còn phải đèo đi. Đã hẹn giờ rồi, gọi mãi nó mới dậy mà còn chả buồn xuống!".
Nhưng mình cố giữ bình tĩnh, chờ 15 phút cho bớt tức giận rồi nhẹ nhàng bảo con: "Lần sau mẹ đã hẹn con làm gì thì đến giờ đó con phải xuống nhà chờ mẹ. Hôm nay nếu mẹ không gọi con lúc 8h40 thì mẹ đi cắt tóc một mình đúng không?". Con hoàn toàn không biết mẹ đã 'tức điên", con vui vẻ kể cho mẹ nghe về lịch sử và một số chuyện vui vui khác".
Lúc này, con nảy sinh tình cảm với một bạn cùng lớp. Quan điểm của chị về tình yêu của con sau khi con bị bạo lực là "không phản đối và không ủng hộ". Con có thể mời bạn đến nhà chơi, nhưng chỉ được chơi ở tầng 1 (nơi sinh hoạt chung), không được mời bạn ăn cơm cùng gia đình, không được dẫn bạn lên tầng trên (mang tính chất riêng tư hơn).
Chị chưa đề cập đến việc con có thể tham gia vào các hoạt động bên nhà bạn trai hay không nhưng đề nghị con không ăn cơm ở nhà bạn. Nếu đến nhà bạn, chỉ ở phòng sinh hoạt chung, tránh cho con có thể bị bố mẹ bạn coi thường.
Sau khoảng 10 ngày, mối quan hệ mẹ con đã cải thiện. Con có kể một số chuyện vô thưởng vô phạt nhưng vẫn khá ít, chủ yếu là lúc mẹ chở con đi học (khoảng 5 phút đi xe máy). Rồi dần dần con trao đổi nhiều hơn, nhưng chị A. cho rằng, điều chị nhận ra đó là ở giai đoạn này, cha mẹ vẫn phải chấp nhận gia đình hiện tại được con xếp sau bạn thân của con. Đây là một đặc trưng tâm lý bố mẹ cần hiểu và thông cảm.
"Nếu bố mẹ không hiểu và thông cảm thì sẽ cảm thấy tức giận vì "Mình đẻ con ra, cho con ăn, mặc, ở, đi học. Mình vất vả như thế, yêu thương như thế, giờ mình không bằng bạn của con!" Và vì tức giận, thường là bố mẹ sẽ dễ giận con, dễ có kiểu nói chỉ trích hay răn dạy. Việc này làm con càng xa bố mẹ hơn, ít trao đổi hơn.
Khi đó, bố mẹ không biết con đang chơi với ai, đang có nhu cầu gì. Một số bố mẹ lén xem điện thoại, nhật ký của con. Việc này con có thể biết và làm con hoàn toàn ngắt kết nối với bố mẹ. Nhiều phụ huynh cảm thấy bị thách thức vì con hoàn toàn không tham gia vào các hoạt động của gia đình, hoặc con chỉ mặt và cắm mặt vào điện thoại. Bố mẹ sẽ coi như con không tồn tại, đẩy con ra xa. Lúc này, bố mẹ cũng ngắt kết nối với con – "chúng ta đã không thuộc về nhau".
Như vậy, kết quả của việc bố mẹ không hiểu và thông cảm cho con là bố mẹ và con trở thành những người xa lạ. Bố mẹ mất con (dù hàng ngày vẫn gặp nhau). Con bị mất nhà (dù vẫn sống trong chính gia đình mình)", chị A. nói.
Tóm lại, cách giao tiếp phù hợp với con theo kinh nghiệm từng ngắt kết nối và đang phục hồi của nhà chị K.A là:
- Nói chuyện với con một cách tôn trọng, không cao giọng, không đề cập đến sai sót của con.
- Tốt nhất là đến bên cạnh con và nói yêu cầu của bố mẹ (nói trực tiếp, mặt đối mặt, mắt nhìn mắt là tốt nhất), không nói từ xa, không nói qua các phương tiện điện tử.
- Yêu cầu con tham gia toàn bộ các công việc nhà cùng với bố mẹ.
- Với những việc con bày bừa, bố mẹ nhắc nhở con trên tâm thái: "Để bố mẹ dọn cùng". Vì thế nhắc khi sự việc đang diễn ra, hoặc khi cả hai cùng có mặt cùng đống đồ bừa.
- Khi con làm chưa đúng, có thể làm bố mẹ tức giận. Lúc này, bố mẹ nên bình tĩnh lại và góp ý con hành động đúng là như thế nào, không nâng quan điểm kiểu "Con thế thì sau này sẽ…" hay "Mẹ rất khó chịu vì con làm thế!".
- Bố mẹ là người lớn, còn con đang trưởng thành. Bố mẹ cần bao dung với con hơn, để con học được cách cư xử đúng.
Phụ nữ Việt Nam