MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn giữ 4 thói quen tiêu tiền này, tôi có thể chắc chắn cuối tháng nào bạn cũng sẽ rỗng ví thôi

26-06-2024 - 14:33 PM | Sống

Để thoát cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, đây là 4 điều bạn cần lưu tâm và sửa đổi.

Còn giữ 4 thói quen tiêu tiền này, tôi có thể chắc chắn cuối tháng nào bạn cũng sẽ rỗng ví thôi- Ảnh 1.

Không vay mượn, không nợ nần, luôn thanh toán hóa đơn đúng hạn, thế là tốt rồi chứ còn gì nữa? Nghĩ vậy thực ra cũng không sai, nhưng dựa vào những điều đó để khẳng định tình hình tài chính của bản thân đang ở trạng thái tốt, là suy nghĩ có phần phiến diện.

Bạn có thể sống ổn với mức thu nhập hiện tại nhưng còn tiền tiết kiệm, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư thì sao? Cần dựa vào những yếu tố nào để đánh giá tình hình tài chính của bản thân là câu hỏi lớn. Để làm rõ được điều này, trước tiên, bạn cần kiểm tra xem mình có đang mắc phải 4 biểu hiện của việc tiêu tiền kém thông minh dưới đây hay không.

Chỉ cần tránh hoặc khắc phục được 4 điều này, câu hỏi lớn phía trên sẽ dễ hiểu và dễ hình dung hơn hẳn đấy.

1 - Chưa hết tháng đã hết tiền

Sau khi trừ đi hết các chi phí cố định như tiền thuê nhà, phí dịch vụ, tiền ăn và tiền đi lại, có bao giờ bạn rơi vào tình cảnh cạn tiền dù gần chục ngày nữa mới có lương hay chưa? Nếu câu trả lời là có, đừng phủ nhận thói quen chi tiêu vô tổ chức của bản thân và vin vào việc mình không nợ nần để tự an ủi chính mình nữa.

Còn giữ 4 thói quen tiêu tiền này, tôi có thể chắc chắn cuối tháng nào bạn cũng sẽ rỗng ví thôi- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đành rằng, không vay không nợ là điều đáng hoan nghênh, không phải ai cũng làm được. Nhưng vào những ngày cuối tháng, khi tài khoản đang “thoi thóp”, tiền mặt trong ví cũng chẳng còn bao nhiêu, bạn sẽ lấy gì để sống?

Vay tạm bạn bè vài trăm nghìn, đợi có lương rồi trả hay dùng thẻ tín dụng như phao cứu sinh? Dù lựa chọn trong hoàn cảnh này là gì thì sự tự tin “tôi không có nợ” cũng không còn đúng nữa. Nợ bạn bè, nợ thẻ trong ngắn hạn cũng vẫn là nợ thôi mà, đúng chứ?

2 - Chẳng hiểu tiền đi đâu hết

Đặc điểm chung của những người chưa hết tháng đã hết tiền chính là nỗi băn khoăn “chẳng hiểu tiêu gì mà hết tiền nhanh thế nhỉ?”. Tiền không có cánh, tiền cũng chẳng có chân để tự rủ nhau tháo chạy khỏi tầm kiểm soát của bạn.

Không biết vì sao mình hết tiền là biểu hiện của kỹ năng quản lý chi tiêu có phần yếu kém.

Còn giữ 4 thói quen tiêu tiền này, tôi có thể chắc chắn cuối tháng nào bạn cũng sẽ rỗng ví thôi- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Bạn có thể dần khắc phục trạng thái này cách ghi chép lại các khoản chi trong ngày, hoặc đặt ngân sách chi tiêu cho từng nhu cầu cụ thể trong cuộc sống. Có ghi chép, có phân bổ dòng tiền, có thể bạn vẫn sẽ tiêu hết tiền trước kỳ lương thôi, nhưng chí ít là bạn cũng đã biết mình tiêu tiền vào việc gì. Từ đó, việc cắt giảm chi tiêu không còn là thách thức quá lớn nữa.

3 - Mục tiêu đặt ra cho có chứ chẳng bao giờ làm được

Mỗi tháng phải tiết kiệm được ít nhất 20% lương, đến cuối năm ít nhất cũng phải có trăm triệu tiết kiệm; hoặc đơn giản hơn là tuần này cố gắng mang cơm đi làm thay vì suốt ngày đặt đồ ăn qua app,... tất cả những mục tiêu liên quan tới tiền bạc mà bạn đã đặt ra từ hồi đầu năm, đến giờ thử nghiêm túc nhìn lại xem mình đã thực hiện được bao nhiêu trong số từng ấy cái gạch đầu dòng rồi?

Nếu phần lớn những mục tiêu bạn đặt ra vẫn đang trong trạng thái “chờ thực hiện”, giải pháp tốt nhất chính là làm ngay lúc này. Giờ là cuối tháng 6, nghĩa là vẫn còn 5 tháng nữa để lật ngược tình thế.

Lương về là gửi ngay một phần vào tài khoản tiết kiệm. Tốt nhất là nên cài đặt chế độ tiết kiệm tự động cho đỡ quên, đỡ “tiêu lẹm” vào.

4 - Tiêu tiền không có mục đích

Cái váy này, đôi giày kia, chiếc túi xách đang trên đường vận chuyển,... bạn mua nó để làm gì? Nếu câu trả lời chỉ đơn giản là vì nó đẹp, vì nó đang được sale đậm sâu,... chứng tỏ bạn đang tiêu tiền chẳng có mục đích, quy củ gì cả; hay nói cách khác chính là “đốt tiền” theo cảm hứng đấy.

Còn giữ 4 thói quen tiêu tiền này, tôi có thể chắc chắn cuối tháng nào bạn cũng sẽ rỗng ví thôi- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Để hạn chế thói quen không tốt này, hãy thử áp dụng 2 cách tư duy sau:

  1. (1) Tự hỏi chính mình: “Không mua món đồ này, chất lượng công việc và chất lượng cuộc sống của mình có tệ đi không?”. Nhớ là phải thành thật 100% với bản thân nhé! Nếu câu trả lời là không, rõ ràng là bạn không nên mua rồi. Nếu câu trả lời là có, cũng đừng vội chốt đơn ngay, mà hãy: (2) Tìm sản phẩm thay thế với mức giá phải chăng hơn, hoặc canh sale rồi mua. Nếu buộc phải mua một mặt hàng, săn sale vẫn là lựa chọn “êm ví” nhất.

Theo Ngọc Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên