MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn “khát điện” của Trung Quốc đang giúp thị trường một quốc gia Đông Nam Á bùng nổ

25-10-2021 - 16:15 PM | Tài chính quốc tế

Cơn “khát điện” của Trung Quốc đang giúp thị trường một quốc gia Đông Nam Á bùng nổ

Thị trường tiền tệ và chứng khoán của Indonesia đang tăng cao giữa cơn khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Quốc gia giàu tài nguyên này được hưởng lợi từ giá than cao kỷ lục và nhu cầu tăng từ cơn "khát điện" của Trung Quốc.

Giá than ở Indonesia đã đạt mức 150 USD/tấn, tăng từ khoảng 90 USD/tấn hồi đầu tháng 6. Việc Trung Quốc tăng cường mua than để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy các tập đoàn khai thác than của Indonesia.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này hiện đang là nhà cung cấp than ở nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Lượng nhập khẩu than kỷ lục được ghi nhận trong tháng 9 là 21 triệu tấn, tăng sơ với 17 triệu tấn trong tháng 8. Trung Quốc, quốc gia vừa cấm nhập khẩu than từ Australia năm 2020, đã đồng ý mua 1,5 tỷ USD than từ Indonesia trong năm 2021. 

Sự bùng nổ này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Indonesia tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bất chấp những dự đoán về sự suy giảm kìm hãm những quốc gia láng giềng. Dù chịu ảnh hưởng bởi biến thể Delta trong mùa hè qua, kinh tế Indonesia đã hồi phục. Đồng Rupiah là đồng tiền có diễn biến tốt nhất Đông Nam Á kể từ đầu tháng 9. Theo các nhà phân tích, áp lực lạm phát cũng ít ảnh hưởng đến khu vực.

Indonesia đã thoát khỏi vết xe đổ và trở thành một điểm sáng, Trinh Nguyen - chuyên gia kinh tế cấp cao của Natixis cho biết. Không như hầu hết các nước khác trong khu vực, xuất khẩu hàng hoá đã cao hơn xuất khẩu sản xuất, có nghĩa là quốc gia này được lợi khi thiếu hụt nguồn cung hàng hoá.

Bà cho biết, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đang phát triển. Nhu cầu năng lượng sẽ còn tiếp tục và điều này sẽ có lợi cho Indonesia.

Khủng hoảng năng lượng đã đẩy giá cổ phiếu của các công ty than Indonesia lên cao và giúp các công ty trở lại đà tạo ra lợi nhuận sau khi chịu lỗ năm 2020. Cổ phiếu của Bumi Resources, nhà sản xuất lớn nhất của Indonesia, đã tăng gần 40% từ đầu tháng 9, trong khi cổ phiếu của Adaro Energy và Indika Energy tăng lần lượt 31% và 50%.

Bumi đạt 1,9 triệu USD lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021, so với khoản lỗ 86,1 triệu USD năm 2020. Trong khi đó, Indika ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 12 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, so với khoản lỗ 21,9 triệu USD cùng kỳ năm 2020.

Nhưng mưa lớn đã làm cản trở khả năng của các công ty địa phương trong việc thúc đẩy sản xuất. Bumi cho biết thời tiết là yếu tố then chốt cản trở việc tăng sản lượng của năm 2021. Công ty này cho biết họ sẽ duy trì mục tiêu sản lượng từ 83-87 triệu tấn trong năm 2021, tăng so với mức 81 triệu tấn trong năm ngoái.

Các công ty thép cũng nhận được nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc. Gunung Raja Paksi, công ty thép tư nhân lớn nhất Indonesia, cho biết 90% sản lượng cung cấp cho thị trường nội địa, nhưng con số này dự kiến sẽ giảm xuống 50% trong vài năm tới.

Kelvin Fu, giám đốc của Gunung Capital - văn phòng gia đình được sáng lập bởi Gunung Raja Paksi, xác nhận rằng họ đã tăng cường xuất khẩu. Ông nói: "Việc sản lượng ở Trung Quốc bị cắt giảm đang được bù đắp bởi các nhà máy thép ở Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia". Ông nói thêm rằng cắt giảm điện và sản xuất ở Trung Quốc có thể sẽ còn tồi tệ hơn khi mùa đông đến.

Nhu cầu bên ngoài đối với hàng hoá diễn ra khi một số  chỉ báo kinh tế khác của Indonesia có diễn biến tích cực hơn. Quốc gia 274 triệu dân đã thoát khỏi tình trạng 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày xuống còn dưới 1.000 ca. 

Theo nhà kinh tế học Priyanka Kishore tại Oxford Economics, lạm phát cơ bản đã không còn, không có khủng hoảng tiền tệ vì ngân hàng trung ương không vội tăng lãi suất, không giống như những ngân hàng khác trong khu vực. Giá thực phẩm tăng nhưng vẫn bị theo mức toàn cầu trong bối cảnh lạm phát nhiên liệu được giữ ở mức thấp nhờ trợ cấp của chính phủ.

Mansoor Mohi-uddin, giám đốc kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Singapore, nói rằng trong khi đồng Rupiah có diễn biến tốt trong vòng vài tháng qua, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến rút lại các biện pháp kích thích sẽ gây áp lực lên các đồng tiền của thị trường mới nổi.

Một số người khác cảnh báo rằng cơn "khát than" của Trung Quốc và sự bùng nổ xuất khẩu hàng hoá của Indonesia sẽ chỉ là nhất thời.

Shahim Zubair, giám đốc của Fitch trụ sở tại Singapore, nói rằng ông không dự đoán hoạt động đầu tư nhằm tăng sản lượng sẽ diễn ra trên quy mô lớn hơn: "Phần lớn những công ty trong ngành không nghĩ rằng việc tăng giá do nhu cầu của Trung Quốc sẽ là xu hướng lâu dài".

Tăng cường sản xuất than không phù hợp với tham vọng xanh của Indonesia đối với nền kinh tế, hoặc việc chuyển dịch khỏi than trong khu vực. Jakarta đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Maisam Hasnain, phó chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của Moody’s, nói rằng: "Nhu cầu than tăng tạm thời không làm thay đổi xu hướng dài hạn của quá trình chuyển đổi năng lượng, nơi mà tỷ trọng điện than châu Á sẽ bị hạn chế trong thập kỷ tới".

Theo Financial Times


Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên