MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn khát ‘đường’ của châu Âu: Mùa hè buồn với những người dân thích ăn kem

07-06-2023 - 15:59 PM | Tài chính quốc tế

Hàng loạt những sản phẩm ngọt như kem, bánh kẹo hay nước ngọt tại châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu đường.

Cơn khát ‘đường’ của châu Âu: Mùa hè buồn với những người dân thích ăn kem - Ảnh 1.

Hãng tin Bloomberg cho hay những người dân châu Âu, vốn là thị trường thích đồ ngọt, đang có quãng thời gian tồi tệ khi giá đường tăng đến 80% từ đầu năm đến nay, qua đó đẩy giá hàng loạt mặt hàng bán chạy như kẹo bánh, kem, nước ngọt tại đây lên giá.

Mặc dù các quan chức chính phủ cho rằng không có giá bất kỳ loại hàng hóa nào quá cao tại Châu Âu hiện nay nhưng việc nguyên liệu đường bị giữ ở mức cao đang khiến người dân thích đồ ngọt nơi đây cảm thấy khó chịu.

Trong khi người tiêu dùng Châu Âu phải chấp nhận việc giá đồ ngọt tăng thì những nhà sản xuất như Suedzucker-Đức lại hưởng lợi lớn. Hãng sản xuất đường lớn nhất Châu Âu này từ mức kinh doanh thua lỗ đã bất ngờ có lợi nhuận hoạt động đến 230 triệu Euro, tương đương 246,8 triệu USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 2/2023.

Cơn khát ‘đường’ của châu Âu: Mùa hè buồn với những người dân thích ăn kem - Ảnh 2.

Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của Suedzucker trong 10 năm qua và hãng kỳ vọng lợi nhuận sẽ còn tăng gấp đôi trong năm nay.

Nguyên liệu đường thường được giao dịch bằng hợp đồng kỳ hạn với giá thỏa thuận cố định từ trước, nên các nhà máy vẫn sẽ hưởng chênh lệch giá từ các chuyến nguyên liệu tồn kho hoặc được chốt giá từ trước dù đã nâng giá sản phẩm đầu ra.

Trớ trêu hơn, Bloomberg cho hay chính phong trào ăn uống lành mạnh những năm gần đây tại Châu Âu đã tác động mạnh đến thị trường đường. Hàng loạt những chính sách tăng thuế, phí áp cho sản phẩm đồ ngọt hay sự suy giảm nhu cầu từ người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe đã khiến các hãng hạ sản lượng.

Việc trồng củ cải đường, nguyên liệu chính để làm đường ở Châu Âu, đã liên tục đi xuống khiến khu vực này dần trở thành thị trường nhập khẩu ròng đường trên thế giới.

Hiện Châu Âu chỉ còn 1 số nhà máy sản xuất đường lớn như Suedzucker của Đức hay Tereos của Pháp.

Cơn khát ‘đường’ của châu Âu: Mùa hè buồn với những người dân thích ăn kem - Ảnh 3.

Chính sự sụt giảm sản lượng này đã khiến giá đường tăng cao khi đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến lạm phát dù đã được khống chế phần nào nhưng đường vẫn tăng giá mạnh.

Bên cạnh yếu tố cung cầu trên thị trường, Bloomberg cho hay tình trạng khô hạn qua mùa đông ở Châu Âu cũng ảnh hưởng đến sản lượng củ cải đường. Thế rồi lệnh cấm thuốc trừ sâu càng khiến sản lượng củ cải đường đi xuống vì dịch bệnh.

Với người nông dân, giá các nông sản khác như ngô, ngũ cốc hay hạt cải dầu khiến họ chẳng còn mặn mà với củ cải đường.

Tình hình tồi tệ đến mức vào tháng 3/2023, Tereos đã phải tuyên bố đóng cửa nhà máy đường tại Pháp.

Thế rồi chi phí xăng dầu, phân bón tăng cao vì xung đột Ukraine cũng khiến việc trồng củ cải đường trở nên đắt đỏ hơn, trong khi đó các nhà máy cũng đau đầu vì hóa đơn nhiên liệu do phải đun nóng củ cải đường để chiết xuất chất ngọt.

Lượng đường nhập khẩu từ Ukraine đã tăng vọt kể từ sau khi Liên minh Châu Âu (EU) dỡ bỏ hàng rào thuế quan, nhưng vào tuần trước, chính quyền Kyiv đã tạm thời ngừng việc xuất khẩu này lại.

Cơn khát ‘đường’ của châu Âu: Mùa hè buồn với những người dân thích ăn kem - Ảnh 4.

Tại các thị trường sản xuất đường lớn như Ấn Độ, thời tiết khô hạn nắng nóng do El Nino khiến sản lượng gặp vấn đề, còn Brazil thì cách quá xa và chi phí vận chuyển đắt đỏ để có thể đáp ứng kịp nhu cầu.

“Sản lượng đường tại Châu Âu đang thấp hơn trước và giá cũng cao hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng thực trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài tới đây”, giám đốc George Weston của hãng thực phẩm AB Foods ngậm ngùi nói với cổ đông.

*Nguồn: Bloomberg

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên