MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cơn khát" khí gas Trung Quốc đẩy giá gần mức đỉnh 3 năm

05-02-2018 - 18:57 PM | Thị trường

Các nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực chuyển từ sử dụng than sang sử dụng khí gas tự nhiên nhằm làm sạch không khí tuy nhiên nguồn cung khí gas hiện vẫn còn hạn chế khiến giá khí gas tự nhiên bị đẩy lên cao.

Giá khí gas hóa lỏng giao ngay tại thị trường châu Á tăng do Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhiên liệu đốt sạch nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tính từ đến giữa tháng 1, giá khí gas giao ngay tăng 110% chỉ trong vòng 6 tháng. Đà tăng giá này dự kiến sẽ ảnh hưởng tới thị trường năng lượng, kéo theo giá điện hộ gia đình và giá điện sản xuất bằng nhau.

Đầu tháng 2, giá khí gas hóa lỏng giao ngay tại thị trường châu Á đạt mức 10 USD/triệu BTU- gần chạm đỉnh 3 năm.

Giá khí gas hóa lỏng thông thường tăng mạnh trong mùa đông khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao, tuy nhiên hiện tại giá đang cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực chuyển từ sử dụng than sang sử dụng khí gas tự nhiên nhằm làm sạch không khí tuy nhiên nguồn cung khí gas hiện vẫn còn hạn chế.

Tatsufumi Okoshi, chuyên gia kinh tế cấp cao đến từ công ty chứng khoán Nomura Securities cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường mua tại thị trường giao ngay do nguồn cung khí gas không đủ để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm".

Lượng khí gas hóa lỏng nhập khẩu của Trung Quốc tăng 46% trong năm 2017 lên mức 38,1 triệu tấn, theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, con số này vẫn khá nhỏ so với Nhật Bản - quốc gia nhập khẩu 83,6 triệu tấn vào năm ngoái. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu khí gas lớn thứ 2 thế giới.

Việc thiếu nguồn cung khí gas ở Trung Quốc còn ảnh hưởng tới một số ngành công nghiệp trong nước. Hồi tháng 12, Yunnan Yuntianhua- một công ty hóa chất- phải tuyên bố tạm ngừng hoạt động sản xuất mảng ure và a-mô-ni-ác do thiếu khí gas tự nhiên.

Trong khi đó, khí gas tự nhiên lại đang dư thừa tại thị trường khác. Tháng 12 năm ngoái, Nga triển khai một dự án khai thác khí gas tự nhiên lớn. Bên cạnh đó, một số dự án khai thác lớn tại Mỹ và Australia dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay hoặc năm 2019.

Nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc không phải là lý do duy nhất đẩy giá khí gas hóa lỏng giao ngay tại thị trường châu Á tăng cao. Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs cho biết việc giá tăng phản ánh tình trạng thiếu trữ lượng ở khu vực và sự cần thiết vận chuyển khí gas từ khu vực vùng sâu, vùng xa để bù đắp lượng khí gas thiếu hụt.

Nhiều người quan sát thị trường dự đoán giá khí gas bắt đầu hạ nhiệt khi thời tiết ấm lên. Tuy nhiên, chiến dịch chuyển đổi từ sử dụng than sang khí gas của Trung Quốc sẽ lại khiến "cơn khát" nguồn năng lượng sạch này trỗi dậy vào mỗi mùa đông và giá lại bị đẩy lên cao.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên