MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cơn mưa tiền" ở cổ phiếu đầu cơ: "Nhà đầu tư giờ chỉ quan tâm 3 chữ cái không cần biết tên doanh nghiệp luôn"

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, đồng thời là một nhà đầu tư cá nhân đã gắn bó với thị trường chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, đồng thời là một nhà đầu tư cá nhân đã gắn bó với thị trường chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ khi hỏi tôi thì họ không bao giờ hỏi công ty đó làm gì, triển vọng tương lai thế nào, tên gì cũng không biết luôn mà chỉ "Anh ơi cho em xin ba chữ cái"...

Trong bài viết "Cơn mưa tiền ở cổ phiếu đầu cơ: Đầu sóng hay cuối sóng" chúng tôi đã đề cập đến làn sóng đầu cơ tăng cao tới mức nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ 5-7 quý nhưng cổ phiếu vẫn tăng vài lần thậm chí hàng chục lần. Giới đầu tư còn gọi đó là "trend" mới của chứng khoán Việt: càng lỗ lớn giá tăng càng nhiều. Đây là hiện tượng chưa từng có trên sàn chứng khoán Việt. 

Phiên giao dịch chiều ngày 15/11, đã có lúc có tới 70 cổ phiếu tăng trần trong số 270 cổ phiếu tăng giá trên HOSE. "Cơn mưa tiền" ở cổ phiếu đầu cơ vẫn tiếp diễn, các nhà đầu tư mạo hiểm, nắm giữ lượng lớn các cổ phiếu đầu cơ đã "trúng lớn".  

Chúng tôi tiếp tục có cuộc trò chuyện với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, đồng thời là một nhà đầu tư cá nhân đã gắn bó với thị trường chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên thành lập sàn về làn sóng đầu cơ đang rất "điên cuồng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Phóng viên: Phiên giao dịch hôm nay, có thời điểm 70 cổ phiếu tăng trần, phần nhiều trong số đó là các cổ phiếu penny, hàng đầu cơ. Có doanh nghiệp kinh doanh bết bát, thua lỗ 5-6 quý liên tiếp. Giới đầu tư bây giờ còn gọi đây là "trend lạ" của chứng khoán: Doanh nghiệp càng lỗ lớn thì cổ phiếu càng tăng? Ông có thể giải mã sức hút "điên cuồng" của cổ phiếu đầu cơ những ngày này?

Ông Phan Dũng Khánh: Dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang nhiều nhất trong lịch sử 21 năm của chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index đang liên tiếp phá đỉnh của các đỉnh, mỗi ngày một mốc mới. Tuần vừa qua, là tuần của lịch sử, không chỉ lịch sử chứng khoán Việt Nam mà còn chứng khoán thế giới như Mỹ, chỉ số DJ cũng tăng kỷ lục, Bitcoin cũng thiết lập mốc cao nhất lịch sử. Dòng tiền "điên" không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, dòng tiền này chạy vào nhiều kênh đầu tư. Thị trường Việt Nam, số lượng hơn 100.000 tài khoản mở mới mỗi tháng chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. 

Về thị trường hiện nay, chỉ số VN30 tăng rất chậm, cuối tuần trước còn chưa phá được đỉnh trong khi VN-Index liên tục phá đỉnh. Các nhà đầu tư mới khi tham gia thị trường khi các mã cổ phiếu đã tăng rất là cao, chẳng hạn là nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng nhiều năm nay. Đại đa số các cổ phiếu VN30 đã lập đỉnh cách đây vài tháng. Nhiều cổ phiếu bluechip như VNM không tăng được như cổ phiếu khác. Thị giá bluechip khá cao so với các penny hay hàng đầu cơ.

Có một so sánh mà tôi hay dùng đó là hòn đá và chiếc lá. Lấy miệng thổi chiếc lá nó sẽ bay lên còn hòn đá thì không xi nhê. Cổ phiếu 1.000 đồng lên 2.000 đồng dễ, thậm chí 10.000 đồng luôn nhưng những cổ phiếu từ 100.000 đồng mà lên 200.000 đồng là cả một quá trình dài. 

Nhà đầu tư nhỏ lẻ khi hỏi tôi thì họ không bao giờ hỏi công ty đó làm gì, triển vọng tương lai thế nào, tên gì cũng không biết luôn mà chỉ "Anh ơi cho em xin ba chữ cái". Tức là nhà đầu tư nhỏ lẻ thường họ chẳng quan tâm đến báo cáo tài chính 1 năm, báo cáo quý…những thứ đó nó quá xa vời, họ chỉ cần biết cổ phiếu họ mua sáng nay chiều có lời, hoặc mua xong một tiếng sau có lời. Cho nên, những hàng đầu cơ thường có sức hút với nhà đầu tư nhỏ lẻ, F0 là vì vậy. Còn rất ít các nhà đầu tư lớn, quỹ đầu tư lớn đem tiền mua những cổ phiếu đó, bởi vì khi thị trường rớt các cổ phiếu đó thường mất thanh khoản và không thể nào bán được. Chẳng hạn, mã TGG lúc lên dựng đứng, lúc xuống cũng không để cho ai bán khi sàn nhiều phiên liên tiếp, tắc thanh khoản. 

Phóng viên: Ông vừa nói đến việc các nhà đầu cơ nhỏ lẻ hiện nay họ chỉ cần xin ba chữ cái mà không cần biết tên doanh nghiệp. Như bộ phim Squid Game nổi tiếng khắp châu Á gần đây, dù người chơi không hề biết thử thách tiếp theo là gì, dù có phải đánh đổi tính mạng vẫn cứ tham gia vì số tiền thưởng cực lớn có thể giúp họ giàu nhanh, đổi đời ngay. Phải chăng cổ phiếu đầu cơ cũng như vậy?

Ông Phan Dũng Khánh: Thường thì các nhà đầu tư theo phương pháp phân tích cơ bản họ sẽ khuyên nhỏ lẻ không nên tham gia hàng đầu cơ, penny… bởi đây đa phần là những cổ phiếu có quá khứ đen tối - tương lai cũng mờ mịt. Tuy nhiên, theo tôi vẫn nên tham gia với tỷ lệ nhỏ trong danh mục với số tiền có thể mất. Xác định liều thì ăn nhiều hoặc mất nhiều thôi. 

Những nhà đầu tư nhỏ lẻ cứ mua VCB hay VNM lúc này thì bao giờ mới sinh lời lớn được. Trong khi những cổ phiếu đầu cơ, một khi cổ phiếu này tăng, sẽ tăng bằng lần. Không nên dùng vốn vay, đòn bẩy với những cổ phiếu dạng này. 

Muốn đổi đời, muốn giàu nhanh thì phải liều thôi. Việc tham gia các cổ phiếu đầu cơ tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cũng như lứa tuổi. Chẳng hạn như ở lứa tuổi của tôi, nếu như tôi tất tay vào những cổ phiếu đó, cơ hội làm lại rất khó. Cổ phiếu đầu cơ cũng như kèo xổ số, có thể bỏ 10.000 đồng mua xổ số nhưng có thể trúng 1 tỷ, nếu mất 10.000 đồng thì thôi coi như bỏ. Thực tế, những nhà đầu tư mạo hiểm trên thị trường hiện nay họ vẫn đang tham gia các kèo đó bởi vì nếu nó tăng thì không thể tưởng tượng được, tính bằng lần mà nên dù các tỷ phú, chuyên gia có khuyên không tham gia thì họ vẫn xuống tiền thôi. 

Các nhà đầu cơ thì họ chỉ đầu tư ngắn hạn ít ai đầu tư các chục năm nên họ chẳng quan tâm đến tương lai, tên công ty mà chỉ cần biết là cổ phiếu tăng giá sinh lời. Có dòng tiền vào là mua. Nhà đầu cơ không cần đi tới cuối con đường với doanh nghiệp, họ chỉ đi đoạn ngắn. Cũng như cơm với phở, phải phân biệt được đâu là cơm và đâu là phở để có ứng xử cho phù hợp. Không thể đối xử với phở như cơm mà cơm như phở, nếu không sẽ nguy ngay. 

Phóng viên: Trong làn sóng đầu cơ cổ phiếu "điên cuồng" với những cổ đông nắm nhiều cổ phiếu đầu cơ đúng là "cơn mưa tiền" lãi mỗi ngày lên tới hàng tỷ đồng. Nói như anh thì lợi nhuận lớn kèm rủi ro cao. Khi nào "cơn mưa tiền" ở cổ phiếu đầu cơ sẽ hạ nhiệt? Chủ đề "có nên bỏ việc đi đầu tư chứng khoán" đang rất nóng trên các diễn đàn chứng khoán, quan điểm của ông ra sao?

Ông Phan Dũng Khánh: Chắc chắn sẽ có ngày đó thôi, nhưng vấn đề của mình là không biết ngày đó là ngày nào. Hồi năm 2007 khi VN-Index lập đỉnh, thời đó tôi đi ăn bánh canh, bà bán canh nói sắp đổi nghề sang đầu tư chứng khoán rồi, lúc đó tôi mới khuyên: "Chị tiếp tục bán bánh canh đi, chị sẽ không đổi nghề được đâu". Khoảng 2-3 tháng sau thị trường lập đỉnh và sụp đổ. Năm nay thị trường cũng như vậy, tôi có biết một ông bạn chạy Grab, và một cô bạn làm MC cũng đầu tư chứng khoán có lời. Có ông chạy Grab đầu tư lời 150% thời gian ngắn giờ còn mở cả lớp dạy đầu tư chứng khoán. Ông bạn làm chủ tịch quỹ đầu tư nói với tôi là thời đại giờ đảo điên quá. Có những người không có trình độ liên quan đến chứng khoán, nhưng họ vào đúng con sóng và kiếm lời rất lớn. Từ đó, họ nghĩ rằng nên bỏ việc đi đầu tư chứng khoán vì thấy kiếm tiền dễ, dễ ăn quá, kèo nó quá thơm. 

Các nhà đầu cơ nên tỉnh táo và biết điểm dừng đúng lúc, bởi không có bộ phim nào kéo dài mãi. Ngay cả bộ Cô dâu 8 tuổi vẫn có kết thúc cơ mà. Bất kể tài sản nào tăng dựng đứng đều rớt dựng đứng. Khi các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch chỉ được giao dịch ngày thứ 6, hay dòng penny, đầu cơ, trần liên tục… là lúc nhà đầu tư tỉnh táo, nếu quá mê thì xài một tỷ lệ nhỏ. Ai có lời rồi thì nên rút vốn, để tiền lời chạy thôi. 

Cơn mưa tiền ở cổ phiếu đầu cơ: Nhà đầu tư giờ chỉ quan tâm 3 chữ cái không cần biết tên doanh nghiệp luôn - Ảnh 1.

Ông Phan Dũng Khánh

Phóng viên: Cùng với số lượng mở tài khoản kỷ lục, dòng tiền nóng đang đổ vào thị trường. Nếu như làn sóng đầu cơ cứ lên cao như vậy, liệu có cú sụp đổ lớn sau sóng đầu cơ này? Có nên phân biệt rõ đầu cơ hay đầu cơ không, thưa ông?

Ông Phan Dũng Khánh: Đừng nói đến khi thị trường sụp đổ, chỉ cần rớt một vài phiên thôi là các nhà đầu tư nhỏ lẻ sợ hãi nhắn tin gọi điện liên tục tìm chỗ dựa tinh thần, còn những nhà đầu tư dùng đòn bẩy lớn còn chết hơn. 

Tôi có một người bạn là giáo viên mua một cổ phiếu 10.000 đồng nhưng lúc sau cổ phiếu lại giảm xuống còn 9.900 đồng, thì cô ấy nhắn là: "Bộ chiến tranh thế giới hay sao mà cổ phiếu của chị rớt nhiều vậy". Tâm lý của nhà đầu cơ, nắm giữ ngắn hạn rất là yếu, trong khi các nhà đầu tư dài hạn như Thaibev ở Sabeco họ đâu có quan tâm chuyện đó. 

Khi bước vào thị trường, các nhà đầu tư thường nói họ kiếm tiền. Nhưng hành động của họ lại không như vậy. Họ không phân biệt được đầu tư cổ phiếu với đầu tư doanh nghiệp. Như tỷ phú Thái chi 5 tỷ USD mua quyền chi phối ở Sabeco, mua lúc 320.000 đồng/cổ phiếu sau đó rớt gần một nửa. Đó là đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà đầu tư cổ phiếu thì khác, cổ phiếu lên là có tiền. Cổ phiếu Tesla 18 năm hoạt động, 17 năm lỗ, 1 năm lãi, còn Elon Musk trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới, gấp đôi tài sản người đứng vị trí thứ 2. 

Có những người đầu cơ nhưng luôn miệng nói mình là đầu tư. Tôi từng giới thiệu cổ phiếu cho một người bạn người Singapore khi bạn nói muốn đầu tư cổ phiếu nắm giữ 3-5 năm nhưng 3 tháng sau gặp lại hỏi thì bạn nói đã bán hết rồi, bởi vì thấy lời thì bán thôi. Nói một đằng làm một nẻo cũng bình thường trên thị trường này. 

Xác định mục tiêu đầu tư, đầu tư cổ phiếu đó là mua tương lai không phải mua hiện tại. Nhiều doanh nghiệp vẽ ra một bức tranh quá đẹp, có thể hiện tại họ đen tối, nhưng trong tương lai họ có dự án, kế hoạch nào đó. Nhà đầu tư nên phân biệt rõ đầu cơ ngắn hạn phải tập trung phân tích dòng tiền ngắn hạn đầu cơ, còn đầu tư dài hạn phải phân tích dòng tiền dài hạn của quỹ lớn, đầu tư lớn để nắm giữ phù hợp. 

Phóng viên: Ai cũng muốn giàu nhanh, đổi đời nhanh nhưng có khi nào đó cũng là con đường khiến họ nghèo nhanh?

Ông Phan Dũng Khánh: Đây là điều đáng buồn, đáng lo, bởi khi làn sóng đầu cơ quá cao sẽ ảnh hưởng đến yếu tố phát triển bền vững của thị trường. Tôi đã sống 21 năm trên thị trường và luôn muốn làm giàu bền vững, không phải làm giàu nhanh. Các tỷ phú đầu tư thế giới cũng quan điểm như vậy, như nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có nhiều kinh nghiệm đầu tư nhưng ít ai xài được bởi vì chẳng ai muốn giàu chậm, ai cũng thích giàu nhanh. Đó là cũng chính là lý do khiến họ nghèo nhanh. 

21 năm đầu tư cùng thị trường của tôi thì có đến 18 năm đã thử đầu cơ lướt sóng thì thật sự là không giàu được, chỉ có vài năm gần đây tôi đầu tư đúng nghĩa, có một giai đoạn giao thời 5 năm vừa đầu cơ nhiều loại tài sản khác nhau vừa đầu tư. Danh mục đầu cơ ngắn hạn có giai đoạn tăng nhanh chỉ trong 1 ngày nhưng ngày mai cũng có thể lấy hết của mình luôn. Có những tài sản đầu tư tăng chậm, nhưng bền và trong một chu kỳ rất dài. Ngay cả khi thị trường cực kỳ xấu nó cũng có thể bị điều chỉnh nhưng tăng lại rất nhanh. 

Xin cám ơn những chia sẻ của ông. 

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên