MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cơn nghiện' năng lượng hóa thạch vẫn chưa dứt

17-08-2022 - 19:32 PM | Thị trường

Dầu mỏ và khí đốt vẫn là những nguồn năng lượng chính, than đá đang quay trở lại với tốc độ kỷ lục. Giấc mơ về một thế giới năng lượng xanh xem ra vẫn còn xa vời.

Cơn nghiện năng lượng hóa thạch vẫn chưa dứt - Ảnh 1.

Than đá tưởng như đã bị khai tử, nay đang trở lại mạnh mẽ - Ảnh: Energetskiportal.rs

Giá than đá đã tăng mạnh suốt 1 năm qua và lượng tiêu thụ trên toàn cầu dự kiến trở lại mức cao kỷ lục trong gần 10 năm. Diễn biến đó chỉ là một trong nhiều chỉ dấu cho thấy việc kiểm soát phát thải khí carbon và chuyển đổi sang năng lượng xanh giờ đã trở thành ưu tiên thứ yếu ra sao, khi nhiều chính phủ phải quay lại những nguồn nhiên liệu truyền thống trong bối cảnh tắc nghẽn và giá cả tăng cao vì cuộc chiến Ukraine.

Sự trở lại của than đá

"Ít ai tưởng tượng được than đá, vốn là thứ nhiên liệu bẩn nổi tiếng, lại là hàng hóa thương phẩm có giá tăng cao nhất trong năm tài chính vừa qua - chuyên gia cấp cao ở hãng đầu tư Shaw and Partners, Peter O’Connor, nói với Đài Mỹ CNBC - Nhìn nhận tới hết năm nay, bao gồm mùa đông trước mắt, khi giá khí đốt ở châu Âu tăng cao và nguồn cung đầy bất an, sẽ càng nhiều nước hơn trở lại với than đá. Chưa kể nguồn cung (than đá) đã bị siết chặt một thời gian do không ai phát triển năng lực khai thác và thị trường với mặt hàng này nữa. Tôi dự báo giá sẽ còn cao một thời gian dài, có thể tới hết năm 2023".

Giá than chạy nhà máy nhiệt điện đã tăng khoảng 170% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt tăng mạnh sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine từ tháng 2-2022. Đầu tháng 8, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy tiêu thụ than đá toàn cầu sẽ tăng 0,7% trong năm 2022, trở lại mức ngang với năm 2013, nếu nền kinh tế Trung Quốc hồi phục như dự kiến trong nửa còn lại của năm nay.

"Mức tiêu thụ đó sẽ bằng mức kỷ lục hằng năm hồi 2013 và nhu cầu than đá nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp vào năm tới, đạt một mốc kỷ lục nữa", báo cáo Cập nhật thị trường than đá của IEA viết. Trước đó, tiêu thụ than đá toàn cầu vốn đã tăng mạnh 6% vào năm 2021 khi kinh tế thế giới hồi phục hậu COVID.

Những diễn biến chính trị, như việc châu Âu tẩy chay than đá của Nga, càng khiến tình hình thêm căng thẳng, theo báo cáo của IEA. "Nỗi sợ lớn nhất của châu Âu đã thành sự thật khi Nga cắt giảm 20% năng suất của đường ống Dòng phương Bắc", báo cáo viết.

Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về việc một số nước trong khối đang trở lại với các nhà máy điện chạy than. "Chúng ta phải tận dụng cuộc khủng hoảng này để tiến lên, chứ không quay ngược về năng lượng hóa thạch bẩn", Chủ tịch EU Ursula von der Leyen nói. Đức, Áo và Hà Lan đều đã thông báo gỡ bỏ một số hạn chế với nhà máy điện than sau khi Nga giảm lượng khí đốt bơm qua Dòng phương Bắc.

Nói dễ hơn làm

Thực tế là dù chúng ta có biết hay không, và có muốn hay không thì thế giới cơ bản đang vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch. Dầu mỏ, khí đốt và than đá vẫn chiếm khoảng 80% nguồn nhiên liệu cấp một của cả thế giới. Dù chỉ chiếm một lượng nhỏ nếu quy ra tiền khi so với GDP toàn cầu, những nguồn năng lượng đó lại là nền tảng cho gần như mọi hoạt động kinh tế.

Vấn đề không chỉ là các nhà máy điện. Như Bill Gates giải thích trong cuốn sách khá nổi tiếng của ông Làm sao để tránh một thảm họa khí hậu: "Bạn có đánh răng buổi sáng không? Bàn chải đánh răng làm bằng nhựa, đó là một phụ phẩm của dầu mỏ. Nếu bạn có ăn sáng, thì ngũ cốc mà bạn ăn nhiều khả năng phải dùng phân bón, cũng thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngũ cốc đó được thu hoạch bằng máy cày làm bằng thép - vốn chế tạo bằng nhiên liệu hóa thạch - và máy cày chạy bằng xăng hoặc dầu". Đó là chưa kể bàn chải đánh răng, quần áo, vật liệu xây dựng và cả những chiếc máy cày đều phải được vận chuyển trên chuỗi cung ứng để tới tay người tiêu dùng.

Tài liệu Our World in Data của Đại học Oxford đưa ra những số liệu cụ thể hơn: "Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đã tăng mạnh trong nửa thế kỷ qua, gấp khoảng 8 lần nếu tính từ năm 1950 và gấp đôi tính từ năm 1980. Nhưng loại nhiên liệu chúng ta sử dụng cũng thay đổi, từ chủ yếu là than đá giờ có thêm dầu mỏ và khí đốt".

Bởi sự phụ thuộc đó và tình hình bất ổn hiện nay, mọi sự chuyển đổi sẽ không thể diễn ra lập tức. Như sử gia Edward Chancellor viết trên Reuters: "Nếu nhìn vào lịch sử, thì cuộc dịch chuyển này sẽ chậm chạp một cách đau thương. Phải mất hơn một thế kỷ để dầu mỏ, được khai thác lần đầu ở Mỹ, Canada và Nga những năm 1850, vượt qua than đá trở thành nguồn năng lượng lớn nhất thế giới".

Hai nước phát thải lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc hiện đang "kình nhau" trên nhiều lĩnh vực, dù cả hai đều có những mục tiêu giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng tham vọng. Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden coi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một nghị trình trọng tâm và cam kết giảm một nửa lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ cho tới năm 2030. Tuy nhiên, nỗ lực này đang bị chống đối ở Mỹ, ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ cầm quyền.

Với Trung Quốc, vào cuối tháng 7 đã khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực chuyển đổi năng lượng với mục tiêu tăng tỉ lệ năng lượng xanh trong tổng mức tiêu thụ toàn quốc 1 điểm phần trăm mỗi năm cho tới năm 2030. Các nguồn năng lượng không phải hóa thạch ở Trung Quốc, bao gồm điện gió, mặt trời, hạt nhân và thủy điện, chiếm 16,6% nhu cầu năng lượng trong nước vào năm 2021, so với 15,9% năm 2020.

Theo H.Minh

Tuổi Trẻ

Trở lên trên