Con nhà nghèo quyết tâm đổi đời, không ngừng kiếm tiền và tiết kiệm để nghỉ hưu sớm: Đủ năng lực thì bạn mới có thêm lựa chọn
“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thực sự hiểu rằng, có tài chính trong tay thì mới mang lại nhiều lựa chọn. Nếu tôi muốn được lựa chọn, tôi nhất định phải kiếm ra tiền.” Đó là những gì Jillian Johnsrud luôn tâm tâm niệm niệm để nuôi quyết tâm đổi đời của mình.
- 24-06-2022Tuổi 35 trở thành triệu phú nhờ “nghe lời mẹ dạy”: Đây là 5 bài học đắt giá về tiền bạc mà ai cũng nên biết càng sớm càng tốt
- 23-06-2022Không học giỏi vẫn có thể thành triệu phú: Từ kẻ vô danh thành ông chủ đế chế doanh thu 250 triệu USD, lọt Top 30 Under 30 của Forbes
- 22-06-2022Từ 45 - 55 tuổi: Trong tay nắm 5 “át chủ bài” này thì chẳng sợ gì cả, tuổi trung niên khỏe mạnh và mỹ mãn
Vốn là con nhà nghèo, sinh ra trong thị trấn nhỏ Montana tại Mỹ, Jillian Johnsrud đã thấm nhuần khó khăn khi thiếu thốn tài chính. Cô sớm nhận ra tầm quan trọng của tiền bạc và nuôi quyết tâm làm giàu khi chứng kiến mẹ mình phải vất vả ngược xuôi để nuôi 3 đứa trẻ khôn lớn.
Cô nhớ lại: "Sau đó, mẹ tôi đã có cuộc hôn nhân thứ hai nhưng vẫn chưa thể tìm được hạnh phúc. Đến năm 12 tuổi, tôi đã khuyên bà đừng chịu đựng nữa. Dù vậy, mẹ vẫn không thể làm gì khác vì cho rằng, một mình bà không đủ sức để nuôi cả gia đình.”
Đó chính là lúc Jillian Johnsrud nuôi quyết tâm phải kiếm ra tiền, phải làm giàu bằng mọi cách.
Chính vì tuổi thơ như vậy, Jullian có ý thức kiếm tiền từ rất sớm. Ngay khi có cơ hội, cô sẵn sàng bỏ ra 20-30 giờ/tuần đi làm thêm ở trạm xăng và tiệm pizza suốt thời gian còn đi học.
Đến năm cấp 3, cô đã tiết kiệm đủ tiền để chuyển ra ngoài. Thay vì thuê nhà, cô đã mua một chiếc lều trại cũ và "xấu xí", sống chật vật trong khu cắm trại. Tuy nhiên, mọi khó khăn đó đều không làm cô bận tâm.
”Tôi nhận ra rằng tiền mang lại nhiều lựa chọn. Trong khoảnh khắc đó, tôi thực sự muốn được đưa ra lựa chọn cho chính mình. Và ở vào hoàn cảnh đó, tiết kiệm tiền dường như là con đường dễ dàng nhất, trực tiếp nhất để dẫn tôi đến gần hơn với sự giàu có”, Jullian chia sẻ.
Cứ như vậy, Jullian tiếp tục sống ở khu cắm trại đến tận thời kỳ học cao đẳng. Khi đó, cô gặp Adam, sinh viên ĐH Northwest Nazarene và cả hai đi tới quyết định kết hôn nhanh chóng để “nhân đôi thu nhập”.
Tuy nhiên, sau đó Jullian mới nhận ra một cách muộn màng rằng: Thu nhập tăng lên, đồng thời khoản nợ cũng nhân lên. Adam đang có khoản vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng và nợ y tế lên tới 55.000 USD mà Jullian không hề hay biết.
Vì lý do đó, cả hai vẫn tiếp tục lao vào làm việc và tiết kiệm không ngừng. Vợ chồng cô kiếm được khoảng 12.000 - 14.000 USD/năm, chưa mua nhà và vẫn đang sống trong khu cắm trại.
Jillian cho hay: "Ban đầu chúng tôi được khuyên rằng, nên tiết kiệm một nửa thu nhập của mình. Bởi vì sau đó, bạn sẽ muốn có con, mua nhà hoặc làm những thứ cần chi tiền khác. Điều đó cũng có nghĩa là phải hy sinh và đánh đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống”.
Vợ chồng Adam và Jillian
Cô cho rằng, mình đã tiết kiệm từ nhỏ nên không gặp khó khăn gì nhiều. Tuy nhiên, đối với chồng cô - người lớn lên trong một gia đình trung lưu, việc này khó hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, hai vợ chồng đã động viên nhau để xốc lại tinh thần, sau đó lên kế hoạch tài chính cụ thể. Họ muốn ưu tiên việc giải quyết các khoản nợ trước khi tính đến những việc khác.
Adam gia nhập quân đội, cam kết 4 năm sẽ xóa sạch khoản nợ sinh viên. "Adam đã bắt đầu đi đào tạo ngay trong dịp kỷ niệm một năm ngày cưới, để trả khoản nợ sinh viên. Trong vòng 3 hoặc 4 tháng, chúng tôi đã tiết kiệm đủ tiền mặt để trả hết khoản nợ còn lại", Jillian kể lại.
Trong vài năm sau đó, thu nhập gia đình ngày càng tăng lên đến khoảng 60.000 USD/năm. Jillian Johnsrud đã giữ chức vụ trợ lý giám đốc ở Starbucks. Thay vì hưởng thụ đời sống dư dả, cả hay vẫn duy trì thói quen tiết kiệm 50%.
Để tiện cho việc đi làm, cả hai đã không còn sống ở khu cắm trại nữa mà chuyển tới một căn hộ 2 phòng ngủ. Sau đó một thời gian, họ nhận thấy chi phí thuê nhà là một khoản không hề nhỏ nên được cắt giảm nhiều hơn. Do đó, gia đình Jillian tiếp tục chuyển nhà ra ngoại ô phía bắc Virginia, ở cùng với một người bạn thuê khác.
Nhờ quyết định chuyển nhà ra ngoại ô, họ đã tiết kiệm được thêm 25.000 USD. Ở tuổi 24, Jillian và chồng đã có thể tiết kiệm được 100.000 USD, không còn vướng bận về nợ nần.
Đó là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu đặt ra các mục tiêu tài chính khác, cụ thể là ước mong giàu có và đổi đời mà Jillian nuôi từ thuở nhỏ. Sau khi đạt được tự do tài chính, vợ chồng cô mong muốn có thể sở hữu một ngôi nhà của riêng mình, nghỉ hưu sớm và bắt đầu đi du lịch đó đây.
Có mục tiêu trong tay, cả hai vợ chồng càng thêm nỗ lực làm việc. Sự chăm chỉ cống hiến của Adam đã giúp anh gây ấn tượng với cấp trên. Họ lựa chọn để anh chuyển công tác tới Heidelberg, Đức trong khoảng 4 - 5 năm với mức lương tăng đáng kể.
Trong khoảng thời gian sinh sống ở đây, cặp vợ chồng cũng vui mừng đón đứa con ruột đầu tiên, bên cạnh việc duy trì thói quen tiết kiệm 50% thu nhập.
Năm 2012, gia đình cô quay trở lại Mỹ, trong tay sở hữu 250.000 USD. Với khoản tiền này, cả hai quyết định mua một căn hộ giá rẻ ở Thung lũng Flathead, Montana với giá phải chăng để ở, cùng với một căn nhà khác với giá 70.000 USD để cho thuê.
Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ xảy ra khiến tình hình tài chính của cả gia đình hoàn toàn xáo trộn. Ngay khi ngôi nhà đầu tiên còn chưa hoàn thành thi công, cả nhà chỉ có thể ngủ trên đệm hơi trải dưới sàn thì cậu con nuôi bất ngờ qua đời do bệnh tiểu đường tuýp 1.
Adam quyết định tạm nghỉ nửa năm để ở nhà chăm sóc con cái và tự tay sửa sang lại ngôi nhà. Sau khi xuất ngũ, anh chỉ nhận được tiền trợ cấp nên tình hình tài chính chủ yếu dựa vào công việc của Jillian.
Anh vẫn nhận được tiền trợ cấp sau khi xuất ngũ, và công việc của Jillian vẫn đang khá ổn định. Vào lúc này, họ quyết định trích thêm 100.000 USD để mua một ngôi nhà khác và sửa sang tất cả.
Năm 2013, trong khi gia đình vừa xin nhận nuôi 3 đứa trẻ, Jillian bất ngờ mang thai lần 2. Do đó, cô phải nghỉ việc để chăm sóc các con. Lúc này, gia đình đối mặt với việc thiếu nguồn thu nhập.
Đó là lúc cặp đôi quyết định bắt đầu đầu tư chứng khoán và bất động sản. Nhờ phương thức đầu tư khôn ngoan, không mạo hiểm liều lĩnh mà luôn làm việc có kế hoạch, họ dần dần có được những khoản thu nhập rất khá.
Chưa kể, khoản trợ cấp quân đội của Adam còn bao gồm bảo hiểm y tế cho cả gia đình, nên cuộc sống dần dần đi vào quỹ đạo. Họ chỉ rút một phần nhỏ khoảng 4% trong các khoản đầu tư mỗi năm để chi tiêu. Còn lại, tất cả được đem đi tái đầu tư thông các các quỹ được chuyên gia tư vấn. Đồng thời, họ cũng dành ra một phần nhỏ để làm từ thiện.
Dựa trên những kinh nghiệm tích lũy được, Jillian cũng trở thành diễn giả, huấn luyện viên tài chính và là cây bút có tiếng về tự do tài chính. Ở tuổi 32, cô đã hoàn thành nguyện vọng thuở nhỏ: Có đủ tiền trong tay để được thoải mái lựa chọn.
Cả hai vợ chồng thường xuyên dành thời gian để đưa các con đi du lịch, thưởng ngoạn khắp nơi.
Đặc biệt, vợ chồng Jillian còn dạy các con mình về giá trị tiền bạc và đầu tư từ sớm. Jullian Johnsrud cho hay: "Chúng tôi đang bắt đầu giúp chúng đầu tư. Mỗi người đều có tài khoản đầu tư của riêng mình. Đứa con gái 8 tuổi của tôi còn tự thành lập một tài khoản TikTok về tài chính cá nhân.”
(Theo CNBC)