MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn nhiều rủi ro nhưng giới phân tích không tin thị trường sẽ giảm nghiêm trọng

16-01-2022 - 09:36 AM | Tài chính quốc tế

Phố Wall tuần trước ghi nhận khởi đầu năm mới tệ nhất kể từ vụ sụp đổ của Lehman Brothers, chủ yếu do Fed ngày càng cứng rắn và làn sóng bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ định giá cao.

Lạm phát, các chính sách thắt chặt của ngân hàng trung ương và số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tiếp tục là những mối đe dọa tới đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn giữ thái độ lạc quan khi cho rằng không xuất hiện bất cứ một đợt điều chỉnh mạnh nào trong năm 2022.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một khởi đầu năm mới 2022 đầy chông gai, ảnh hưởng lớn bởi thái độ cứng rắn của Fed về quá trình siết hỗ trợ, bên cạnh đó là làn sóng bán tháo các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ. Xu hướng này tiếp tục trong phiên giao dịch đầu tuần 10/1, khi các thị trường chứng khoán toàn cầu một lần nữa rơi vào vùng “đỏ”, cho dù Nasdaq đã hồi phục vào cuối phiên, kết thúc chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp.

Nguyên nhân dẫn tới đà đi xuống của thị trường bắt nguồn từ biên bản cuộc họp gần nhất của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), theo đó, các thành viên của ủy ban này mong muốn thắt chặt các chính sách hỗ trợ hiện hữu.

Còn nhiều rủi ro nhưng giới phân tích không tin thị trường sẽ giảm nghiêm trọng - Ảnh 1.

Nhân viên môi giới tại sàn NYSE ngày 31/12/2021. Ảnh: Reuters.


Đà lan nhanh của biến chủng Omicron trên toàn cầu cũng “phủ bóng đen” lên triển vọng thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian gần đây. Số ca nhiễm trong ngày liên tục xô đổ các kỷ lục cũ, và những biện pháp phong tỏa đang được tái áp dụng tại nhiều quốc gia.

“Biến chủng Omicron sẽ khiến cho các quốc gia gia tăng các biện pháp phong tỏa, nhưng đà phục hồi nền kinh tế vẫn sẽ tiếp diễn, đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán không dễ rơi vào một giai đoạn điều chỉnh mạnh”, theo Luca Paolini, chuyên gia chính sách trưởng tại Pictet Asset Management.

Paolini dự báo rằng đà hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ thị trường lao động, nhu cầu dịch vụ gia tăng mạnh mẽ và tình hình tài chính tốt của các doanh nghiệp. Do đó, Pictet cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội nhằm gia tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường chứng khoán trong năm 2022.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng triển vọng tăng trưởng GDP là tương đối sáng sủa, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu. Nhưng lạm phát vẫn sẽ là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu và có thể sẽ chạm đỉnh trong nửa đầu năm 2022, buộc Fed phải tăng lãi suất trong tháng 6 tới.

Mặc dù Pictet nhìn nhận một cách tích cực đối với thị trường chứng khoán, nhóm nghiên cứu của Paolini lại giữ một quan điểm trung lập trong bối cảnh các điều kiện thanh khoản tại Mỹ đang chuyển tiêu cực và các cổ phiếu vẫn đang được định giá cao.

James Solloway, nhà hoạch định chính sách thị trường trưởng bộ phận quản lý đầu tư tại SEI, cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại, thị trường lao động thắt chặt, lạm phát sẽ đạt đỉnh và Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục rất có thể sẽ có những khoảng lùi mang tính chu kỳ.

“Cho dù xuất hiện không ít hiện tượng đầu tư trong một vài lĩnh vực tài chính, ví dụ như cổ phiếu meme, SPACs, tiền số và NFT, chúng tôi không nhìn thấy cơn sốt đầu cơ nào có khả năng đẩy thị trường vào một giai đoạn điều chỉnh mạnh trong năm 2022”, Solloway chia sẻ.

Cho dù dữ liệu cho thấy chủng Omicron sẽ không có những ảnh hưởng quá nghiêm trọng, George Lagarias, nhà kinh tế học trưởng của Mazars, cho biết các thị trường nên tránh tâm lý tự mãn.

“Chúng ta không cho phép bản thân rơi vào cạm bẫy cố gắng đi dự đoán liệu khi nào dịch bệnh kết thúc, vì bất cứ một đợt lây lan dịch bệnh mới hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ cần một chủng virus kháng vaccine xuất hiện thôi có thể thổi bay toàn bộ nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, và biến tất cả những dự báo thành vô nghĩa”, Lagarias cho biết.

Chứng khoán Mỹ mong manh

Lagarias cũng nhấn mạnh rằng các cổ phiếu Mỹ đang được định giá tương đối cao và khá tập trung đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có rất ít các cổ phiếu thay thế ở thời điểm hiện tại.

Ông gợi ý rằng một đợt điều chỉnh là hoàn toàn có thể xảy ra, xuất phát từ quá trình siết hỗ trợ của ngân hàng Trung ương, trong khi lạm phát vẫn tiếp tục là một vấn đề nan giải.

Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco có đề cập tới một giai đoạn điều chỉnh trên thị trường chứng khoán Mỹ trong 10 dự báo của mình trong năm 2022.

“Có khả năng giai đoạn điều chỉnh đối với thị trường chứng khoán Mỹ sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2022, nhưng tôi kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi”, Hooper chia sẻ.

“Đã lâu rồi chúng ta chưa có một kỳ điều chỉnh lớn nào, và rất có thể chúng ta sẽ sớm phải đối mặt với nó, nhất là trong bối cảnh Fed bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm 2022, và sau đó là nâng lãi suất”.

Theo Trọng Đại

NDH

Trở lên trên