Còn nhiều tiền cho người kinh doanh vay
Tại một số hội thảo, hội nghị gần đây, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, khẳng định các ngân hàng thương mại còn nhiều tiền cho người kinh doanh vay.
Ông Minh cho hay năm 2018, NHNN đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 17,5% cho các ngân hàng thương mại tại TP.HCM. Đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao và ngành ngân hàng phải rất nỗ lực mới đạt mục tiêu này. Tính đến cuối tháng 6-2018, tăng trưởng tín dụng của cả nước đã đạt 7,5% với mức dư nợ là 1,9 triệu tỉ đồng, chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nước.
“Như vậy, từ đây đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng còn 10%, với tổng vốn tín dụng hơn 1,9 triệu tỉ đồng nữa. Với dư địa này thì các ngân hàng thương mại không thiếu vốn cung cấp cho doanh nghiệp , kể cả vào thời điểm cuối năm, vốn có nhu cầu vốn rất cao. Về lãi suất cho vay ngắn hạn với đồng Việt Nam hiện phổ biến trên dưới 7%-8%/năm, cho vay trung và dài hạn xoay quanh mức 9%-10%” - ông Minh khẳng định.
Trả lời câu hỏi vấn đề nợ xấu hiện nay liệu có ảnh hưởng đến “sức khỏe” của các ngân hàng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh dẫn thống kê của NHNN về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM cho thấy: Nợ xấu chỉ chiếm khoảng 3,2% trong tổng dư nợ. Nếu trừ đi nợ xấu của ba ngân hàng thương mại được NHNN mua lại với giá 0 đồng gồm Ngân hàng Đại Dương, Xây dựng và Dầu khí toàn cầu thì nợ xấu của các ngân hàng thương mại tại TP.HCM chỉ còn 1,7%. Đây là con số thấp nhất trong 10 năm qua mà các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đạt được.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt trong công tác xử lý nợ xấu dựa trên tinh thần Nghị quyết 42. Đặc biệt cho phép hình thành thị trường buôn bán nợ mà TP.HCM có nhiều điều kiện để phát huy tối đa vấn đề này.
“Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu các ngân hàng phải thẩm định chặt chẽ các khoản vay ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, BOT giao thông… để không phát sinh nợ xấu hoặc nợ xấu ở mức độ thấp chấp nhận được, kiểm soát được. Từ đó để đảm bảo thanh khoản ngân hàng được tốt nhất và nợ xấu trong nền kinh tế thấp nhất” - ông Minh cho hay.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh