MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con số tăng trưởng tín dụng không thực chất!

11-08-2016 - 08:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Lần đầu tiên, nợ công và nợ xấu - hai vấn đề quan ngại bậc nhất liên quan đến sự ổn định của nền tài chính quốc gia và doanh nghiệp (DN) được đề cập một cách thẳng thắn trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016.

TS. Vũ Tiến Lộc
TS. Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
15 bài viết

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, dù tín dụng tăng trưởng cao nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn và vẫn phải trả với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát.

Doanh nghiệp khổ trăm bề

Dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khi đề cập tới những vấn đề lớn của nền kinh tế, Thủ tướng đã khẳng định nợ công của VN đang rất cao, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt trần; chưa kể vấn đề xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nguyên nhân của sự trì trệ là do những vấn đề lớn của nền kinh tế vẫn còn tồn đọng từ năm này qua năm khác. Đơn cử như câu chuyện cắt giảm biên chế và chi tiêu của Chính phủ vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn, vượt quá mức 5% theo dự toán Quốc hội thông qua. Nợ công đang tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay; trong khi nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC, chưa thực sự được mua bán sang tên, đổi chủ bằng “tiền tươi thóc thật”.

“Con số tăng trưởng tín dụng có lẽ cũng không thực chất khi chúng ta chưa rõ được bao nhiêu % là do các ngân hàng thương mại đảo nợ, bao nhiêu % là do các ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ. Bởi vậy, mặc dù tín dụng tăng trưởng cao nhưng các DN vẫn khó tiếp cận vốn và vẫn phải trả với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát” - ông Lộc nói.

Mặt khác, theo ông Lộc, công cuộc cải cách DN nhà nước (DNNN) và trọng tâm là cổ phần hóa (CPH) cũng được đánh giá là diễn ra rất chậm. Tỉ lệ DNNN CPH không những không đạt kế hoạch mà quy mô thoái vốn tại nhiều DN chỉ ở mức tượng trưng, không đủ để tạo nên những thay đổi về hiệu quả của quản trị”.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện mới có 13/63 địa phương và 4/22 bộ, ngành gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ. “Việc soạn thảo các nghị định thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014, nhưng suốt trong năm 2015 và quý I/2016 các bộ, ngành vẫn đủng đỉnh. Từ cuộc họp của Chính phủ tháng 4.2016 khi Thủ tướng ra lệnh không được bàn lùi, các bộ, ngành mới đầu “vắt chân lên cổ” để có được các dự thảo nghị định theo yêu cầu của luật” - ông Lộc cho biết.

Mới đây, dù 50 nghị định hướng dẫn đã được thông qua theo đúng kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý cũng chưa được giải quyết một cách dứt điểm ở thời điểm ngày 1.7. “Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo. Các chi phí hành chính và chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều DN vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Có tới 60% DN kinh doanh không có lãi hoặc thua lỗ. Có khoảng 120.000 DN buộc phải rời khỏi thị trường” - ông Lộc ngao ngán.

Cần hóa giải các nút thắt

Ủng hộ quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự tăng trưởng, không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, ông Lộc cho rằng, thời gian tới cần tập trung hóa giải các “nút thắt” là: Chi tiêu Chính phủ, nợ công, nợ xấu, cải cách DNNN và cải cách hành chính. Đồng thời, đề nghị Quốc hội ghi nhận trong nghị quyết mục tiêu mà Chính phủ đề xuất, phấn đấu đến năm 2020 nước ta có 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả. Qua đó, giám sát chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ.

“Đề nghị Quốc hội khuyến khích, ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện những mô hình đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế của các địa phương, các đặc khu kinh tế, các cơ chế thí điểm, cơ chế đặc thù. Ngoài ra, cần tăng cường đối thoại, nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm tốt hỗ trợ trong việc thực hiện bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thực hiện xuống cấp sở, ban, ngành, quận, huyện và tạo điều kiện cho người dân và DN” - ông Lộc đề xuất.

Theo Khánh Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên