MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn sóng ngầm trong lòng quốc gia giàu nhất Châu Âu

28-08-2017 - 15:19 PM | Tài chính quốc tế

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng nói với cử tri rằng họ đang sống trong một xã hội Đức tốt nhất từ trước tới nay, nhưng nhiều người dân nghèo tại đây lại không nghĩ như vậy.

“Tôi sinh tồn được nhưng chẳng thế có cuộc sống mong muốn. Tôi không có đủ đến 10 Euro để đến rạp phim cũng như các rạp chiếu ballet. Điều khiến tôi day dứt nhất là tôi chẳng đủ tiền mua quà cho các cháu của mình”, bà Doris, một nữ y tá nghỉ hưu 71 tuổi tại Đức cho hay.

Câu chuyện của bà Doris không hề cá biệt và điều này có lẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhất là khi Đức được coi là nền kinh tế phát triển nhất Châu Âu. Thu nhập bình quân đầu người của Đức cao nhất khu vực này, vượt qua những nước như Anh, Pháp hay Italy. Tỷ lệ thất nghiệp cũng thuộc hàng thấp nhất Liên minh Châu Âu (EU), thậm chí thiếu lao động đang khiến các doanh nghiệp Đức phải đau đầu.


GDP bình quân đầu người (Euro) tại Đức tăng mạnh kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008

GDP bình quân đầu người (Euro) tại Đức tăng mạnh kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008

Dẫu vậy, chênh lệch giàu nghèo tại Đức lại đang ngày một tăng. Khảo sát của hãng truyền thông ARD cho thấy cử tri Đức xếp vấn đề bất bình đẳng xã hội đứng thứ 2 sau tình trạng người nhập cư, trong khi vấn đề thất nghiệp chỉ đứng thứ 5 về tầm quan trọng.

Tồi tệ hơn, tỷ lệ trẻ em sống dựa vào trợ cấp xã hội của nền kinh tế số 1 Châu Âu này cũng đã tăng mạnh từ 1/75 trẻ năm 1965 lên 1/6 trẻ năm 2007. Năm 2015, tỷ lệ số người nghèo tại Đức lên mức cao nhất kể từ khi thống nhất 2 miền vào năm 1990 với 12,5 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ.

Điều trớ trêu là kinh tế Đức cũng tăng trưởng khá trong khoảng thời gian này. Số liệu tháng 2/2017 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Đức đứng ở 5,9%, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1990. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy 1/3 số người nước ngoài tại đây sống trong cảnh nghèo và 1/4 số gia đình có 3 con trở lên cũng gặp khó khăn ở Đức.

Ngoài ra, số lao động trên 65 tuổi tại Đức cũng đã tăng gấp đôi từ 5% lên 11% trong vòng 10 năm qua do chất lượng sống của những người gia tại đây không như ý cũng như việc thiếu lao động trên thị trường.


Tỷ lệ nghèo khổ của Đức (đỏ đậm) tăng bất chấp tỷ lệ thất nghiệp (đỏ nhạt) giảm.

Tỷ lệ nghèo khổ của Đức (đỏ đậm) tăng bất chấp tỷ lệ thất nghiệp (đỏ nhạt) giảm.

Mặt tối của nền kinh tế phát triển

Những thị trấn như Gelsenkirchen, nơi bà Doris sinh sống nằm lọt thỏm giữa các thành phố lớn như Hamburg, Frankfurt hay Munich. Mặc dù chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều trung tâm thương mại , những rạp hát hay các sân vận động tại đây nhưng chúng vẫn không thay đổi được thực trạng của tầng lớp dân nghèo.

Mặc dù hệ thống an sinh xã hội của Đức vô cùng tốt đến mức hiếm thấy có người nghèo đói ăn xin trên đường phố nhưng nếu không xin được việc làm, những người nghèo này khó có thể có một cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa.

Trên thực tế, thị trấn Gelsenkirchen đã từng có tiềm năng phát triển nhờ ngành than, nhưng sự suy giảm nhu cầu của loại nguyên liệu này đã khiến Gelsenkirchen trở thành 1 trong những thị trấn nghèo nhất Đức hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2016 của Gelsenkirchen đạt 14,7%, cao nhất trong số các thị trấn lớn và cao gần gấp 3 lần mức bình quân 5,5% trên toàn quốc.


GDP (tỷ Euro) và tỷ lệ nghèo khổ (%) của Đức tăng song song

GDP (tỷ Euro) và tỷ lệ nghèo khổ (%) của Đức tăng song song

Đi kèm với đó là thu nhập bình quân hộ gia đình của Gelsenkirchen cũng thấp nhất nước đức, tiêu chuẩn về y tế và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ cũng bị suy giảm.

Mặc dù nền kinh tế Đức đã có những dấu hiệu hồi phục rõ ràng nhưng chúng lại không đồng đều. Số liệu của Eurostat cho thấy Đức đang trở nên bất bình đẳng nhất kể từ năm 1990 khi 2 miền Đông Đức- Tây Đức thống nhất.

Xét theo thu nhập hộ gia đình, số liệu của người dân Đức khá tương đương với mức bình quân ở Châu Âu. Dẫu vậy, nếu phân loại chi tiết thì những người giàu vẫn nắm giữ nhiều tải sản hơn trong xã hội với tỷ lệ cao hơn các nước Châu Âu khác. Khoảng 40% những người có thu nhập dưới đáy xã hội không có tài sản gì, thậm chí là không có cả tài khoản ngân hàng.

Bạn có biết tại EU:

- Khoảng 25%, tương đương 119 triệu người đang phải sống trong cảnh nghèo khổ

- Top 20% người giàu nhất có thu nhập cao gấp 5 lần so với top 20% người nghèo nhất.

- Gần 27% số trẻ em trong độ tuổi dưới 17, tương đương 25 triệu người đang phải sống trong cảnh nghèo khổ.

- Hơn 1/3 số người dân không có đủ tài chính để dự phòng những trường hợp bất khả kháng xảy ra.

- Gần 50% số cha mẹ đơn thân tại đây phải sống trong cảnh nghèo khổ.

- Khoảng 4,6% tống dân số, tương đương hơn 29,7 triệu người tại đây không được tiếp xúc tự do với máy tính và công nghệ hiện đại.

Nguồn: Euronews

Tội đồ toàn cầu hóa và công nghệ

Sự phân hóa giàu nghèo giữa 10% người nghèo nhất với 10% tầng lớp thượng lưu tại Đức đã bắt đầu nới rộng từ giữa thập niên 1990 bởi xu thế toàn cầu hóa và công nghệ cướp mất việc làm kỹ thuật thấp.

Sau giai đoạn trồi sụt khi mới sáp nhập, kinh tế Đức bắt đầu tăng trưởng nhanh nhờ xuất khẩu, việc làm được tạo ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dù tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng những người dân dưới đáy xã hội, như những người già, nghỉ hưu, tàn tật, không có khả năng lao động… lại càng cảm thấy khó khăn hơn để kiếm sống.


Tỷ lệ sở hữu nhà ở (đỏ và xanh nhạt) của Đức thuộc hàng thấp nhất Châu Âu (%)

Tỷ lệ sở hữu nhà ở (đỏ và xanh nhạt) của Đức thuộc hàng thấp nhất Châu Âu (%)

Các nghiên cứu cho thấy dù nhiều lao động tìm thấy việc làm nhưng một bộ phận rất lớn các công việc là có lương thấp (mini job) hoặc việc làm bán thời gian. Số lao động làm những công việc lương thấp này đã tăng từ 4,1 triệu người năm 2002 lên 7,5 triệu người từ đầu năm đến nay ở Đức. Phần lớn những lao động này là các bà mẹ có con nhỏ, người già hay sinh viên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ trích những công việc lương thấp này đang trở thành bước đường cùng của các lao động kỹ thuật thấp hiện nay ở Đức. Trong khi chủ doanh nghiệp hài lòng với việc trả mức lương bèo, chính phủ vui vẻ vì tỷ lệ thất nghiệp thấp thì những người lao động nghèo phải bám víu vào công việc thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 45% số người Đức là có sở hữu nhà ở hiện nay, số còn lại hầu hết đi thuê do giá nhà quá cao. Nguyên nhân chính là tình trạng đầu cơ tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng 2008, khiến hàng loạt các bất động sản không người ở nhưng vẫn có giá cao ngất ngưởng.

Một nguyên nhân nữa khiến nhiều người già và nghỉ hưu phải sống trong cảnh nghèo khó là hệ thống lương hưu quá cứng nhắc. Thay vì chấp nhận những người cao tuổi nghỉ hưu sớm để thu nhận một khoản hưu trí cao và đầu tư kinh doanh thì lại buộc lao động phải làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Điều này đã giới hạn khả năng của lao động Đức cũng như buộc người nghỉ hưu nước này phải phụ thuộc vào ngân sách khi mất sức lao động.


Tỷ lệ công dân trên 15 tuổi, giữa người giàu (đỏ) và nghèo (xanh) ở trong tình trạng sức khỏe tốt (%)

Tỷ lệ công dân trên 15 tuổi, giữa người giàu (đỏ) và nghèo (xanh) ở trong tình trạng sức khỏe tốt (%)

Thêm vào đó, chế độ đãi ngộ thuế tại Đức hướng tới những gia đình kinh doanh tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, nhất là khi các thế hệ sau đảm bảo họ tiếp tục tạo việc làm như vậy. Hệ quả là các doanh nhân này thường có xu hướng tái đầu tư vào sản xuất hoặc giữ tiền trong ngân hàng hơn là đem đi đầu tư các mảng kinh doanh mới hoặc tiêu dùng đầy rủi ro, qua đó tác động xấu đến thị trường tiêu dùng nội địa.

Chính sự bất bình đẳng trong thu nhập đã dẫn đến những hệ lụy khá xấu trong xã hội Đức. Mặc dù mức điểm của học sinh Đức khá cao trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) so với nhiều thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khác nhưng sự phân hóa trong học sinh giàu và nghèo lại khá rõ rệt.

Năm 2015, báo cáo của OECD cho thấy những yếu tố về hoàn cảnh tác động đến 16% kết quả học tập của các sinh viên Đức, cao hơn so với mức bình quân 13% của toàn khối.

Thậm chí cả về chất lượng y tế, người giàu và nghèo cũng có những đãi ngộ khác nhau dựa trên thu nhập, địa vị xã hội.

Đặc biệt hơn, những nghiên cứu chỉ ra rằng kể từ khi sáp nhập và thống nhất vào năm 1990, miền Đông Đức hiện nay vẫn có thu nhập chỉ bằng 2/3 so với Tây Đức. Dân số của miền Đông cũng già đi nhanh chóng bởi dù lớp trẻ tại đây không bỏ đi nơi khác kiếm việc nhưng tỷ lệ sinh thấp trong khi người nhập cư lại chuộng Tây Đức hơn.

Với tỷ lệ người hơn 65 tuổi chiếm tới 24% tổng dân số, miền Đông Đức nếu được coi là một quốc gia thì đây sẽ là nước có dân số già nhất thế giới.

Theo BT

Thời Đại

Trở lên trên