MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn sốt 'start-up' tại Trung Quốc được hình thành như thế nào?

24-09-2016 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

Làn sóng start-up đang diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc bởi đây cũng là một phần trong chiến lược của chính phủ Trung Quốc nhằm định hình lại con đường phát triển kinh tế dựa vào sáng tạo ra ý tưởng, công nghệ và tự tạo ra việc làm thay vì dựa vào xuất khẩu.

Trong tổ hợp toà nhà văn phòng Dream Town ở thành phố Hàng Châu, một công ty nhỏ đang chế tạo máy in 3D xách tay và một công ty khác nhận các đơn hàng về massage theo phương pháp cổ truyền của Trung Quốc bằng điện thoại. Đây chỉ là hai trong tổng số 710 start-up đang được nuôi dưỡng tại đây.

Ở bất cứ nơi nào khác, một vườn ươm như Dream Town sẽ là ý tưởng của các nhà tư bản mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần hay các "ông lớn” về công nghệ. Song đây lại là Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc không tin tưởng bàn tay vô hình của chủ nghĩa tư bản đơn lẻ có thể khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt vì đây là một phần lớn trong chiến lược lãnh đạo nhằm định hình lại nền kinh tế đang sa sút.

Đó chính là lý do tại sao chính quyền Hàng Châu, một cố đô đã trở thành một trung tâm thương mại lớn trên ngàn năm, xây dựng Dream Town và hào phóng các nguồn lực dành cho các start-up. Các doanh nghiệp khởi sự ở đây có thể nhận được nhiều ưu đãi như giá thuê trụ sở thấp, được cấp phát tiền mặt và đào tạo đặc biệt. Đơn cử như, Chemayi, công ty chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa ô tô thông qua ứng dụng smartphone, được miễn phí thuê trụ sở ở Dream Town trong vòng ba năm và nộp đơn xin các loại trợ cấp lên tới 450.000 USD để trả lương và mua thiết bị.

Trong thời kỳ kinh tế đất nước phát triển tốt, thanh niên Trung Quốc đã đổ xô đến các khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm. Song ngày nay, Trung Quốc đang cố gắng vươn lên không chỉ là "xưởng chế tạo của thế giới”. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn thế hệ tương lai tìm được công việc có lương cao hơn ở các công sở hiện đại, sáng tạo ra các ý tưởng, công nghệ và tự tạo ra việc làm để thúc đẩy tương lai phát triển của đất nước.

Chủ trương phát triển doanh nghiệp đi kèm nhiều chính sách hỗ trợ tài chính. Trên khắp đất nước Trung Quốc, các quan chức đang xây dựng các quỹ đầu tư, trợ cấp tiền mặt và xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp. Ning Tao, một đối tác thuộc quỹ vốn mạo hiểm Innovation Works tại Bắc Kinh, cho biết: "Nếu không có những hình thức trợ cấp này, bạn chỉ có thể trông cậy vào tiền cá nhân và như vậy bạn không thể thấy nhiều start-up công nghệ mọc lên như ngày hôm nay. Không có lượng thì cũng không thể có chất”.

Những đứa con của Alibaba

Li (39 tuổi), ông chủ của Chemayi, cho biết anh nhen nhóm ý tưởng thành lập start-up này vào năm 2009 sau một tai nạn xe hơi. Để tìm ra một cơ sở sửa chữa thực sự đáng tin tưởng, anh đã phải tìm kiếm trên mạng, nhờ bạn bè tư vấn và đến thăm các cửa hàng sửa chữa. Dù vậy, Li thấy khó có thể đánh giá cơ sở nào đáng tin tưởng.

Nhằm lấp đầy mảng thông tin còn trống này, Li và ba người bạn của mình đã thành lập nên công ty Chemayi vào năm 2013 với số vốn ban đầu của mình là 5 triệu NDT (tương đương 750.000 USD). Để thu phí thường niên, Chemayia cử nhân viên của mình đến chỗ khách hàng giúp vá lốp xe, sơn lại vết trầy xước hay sửa động cơ hỏng hóc.

Li chia sẻ: "Henry Ford đã khuất từ lâu song chúng ta vẫn lái xe của ông ấy. Tôi cảm thấy rằng tôi cần phải theo đuổi sự nghiệp sẽ trường tồn ngay cả sau khi tôi từ giã cõi đời này”.

Năm 2014, Chemayi đã đánh bại trên hai chục các đối thủ start-up khác để giành được một không gian đáng mơ ước ở Dream Town. Ouyang Feng, đồng sáng lập khác, đã có một buổi thuyết trình kéo dài 40' trước hội đồng ban giám khảo để giải đáp những câu hỏi hóc búa về mô hình kinh doanh của Chemayi và các viễn cảnh tương lai.

Hiện nay, Chemayi có 284 nhân viên ở bốn thành phố và công ty này dự định sẽ tăng quân số lên 1000 người vào cuối năm nay. Li cho biết start-up của mình đã thu hút được 22 triệu USD vốn đầu tư từ các cá nhân và đã thu được lợi nhuận khoảng 10 triệu NDT vào năm ngoái. Li cho biết: "Nhiều người Trung Quốc muốn thành công. Họ muốn thay đổi thông qua sáng tạo”.

Feng Xiao là một ví dụ khác ở vườn ươm Dream Town. 39 tuổi và là người Hàng Châu, Feng đã 11 năm công tác ở bộ phận bán hàng và marketing của Alibaba. Feng nói: "Ngạn ngữ Trung Quốc có câu 'mảnh đất này quá màu mỡ'. Alibaba cho bạn nhiều cơ hội. Dù dễ dàng để nếm mùi thành công ở đó, song tôi muốn có thể bắt đầu từ vạch xuất phát."

Ý tưởng về start-up của Feng được nảy sinh từ căng tin của Alibaba, nơi Feng ăn quanh năm suốt tháng. Khi đó, Feng thực sự nhớ món ăn mẹ mình nấu và cũng nhận ra rằng nhiều người khác do công việc bận rộn và sống xa nhà cũng có cảm giác tương tự. Feng và hai nhân viên khác của Alibaba đã thôi việc vào năm 2014 để mở một công ty dịch vụ giao thức ăn với tên gọi Mishi. Ý đồ của các nhà sáng lập là nhằm kết nối những người muốn nấu các món ăn tại nhà với các những người làm việc quá bận để nấu nướng. Họ đã lập một cửa hàng ở một căn nhà trống của một người bạn, trang trí bằng nội thất mua lại và các bức ảnh về quê nhà.

Bên cạnh việc gây vốn 19 triệu USD từ các nhà đầu tư cá nhân, Mishi còn "lọt vào mắt” của chính quyền Hàng Châu. Năm 2014, thành phố này đã trợ cấp cho Mishi 5 triệu NDT để trang trải các chi phí. Ngoài ra, Mishi được hưởng mức giá thuê văn phòng ưu đãi. Feng cho biết: "Điều quan trọng nhất từ phía chính quyền là họ luôn cởi mở đối với các hình thức doanh nghiệp mới”. Start-up chuyên giao thực phẩm Mishi đã kiến tạo 100 việc làm toàn bộ thời gian và đã tăng thu nhập cho trên 10.000 đầu bếp tại gia.

Cai Liangen, một doanh nhân nghỉ hưu, vào tháng 11 năm ngoái đã cùng vợ bắt đầu nấu các món ăn đặc sản địa phương tại nhà, bao gồm món thịt lợn thái lát được nấu theo "công thức gia truyền”. Hiện nay, gia đình ông Cai nhận được 40 đơn đặt hàng mỗi ngày và có thu nhập hàng tháng là 5000 NDT, giúp thu nhập của cả gia đình ông tăng 70%. Ông Cai nói: "Chúng tôi tham gia vì thích nấu ăn, đồng thời có thêm thu nhập cũng tốt”.

Mạnh tay chi vào việc phát triển start-up

Chính quyền địa phương trên khắp đất nước Trung Quốc chi mạnh vào các start-up. Ở Thâm Quyến, chính quyền hứa trợ cấp đến 70% chi phí thuê trụ sở của các start-up "sáng tạo”. Các nhà lãnh đạo thành phố Thành Đô thành lập "quỹ phát triển và đổi mới doanh nghiệp” trị giá 200 triệu NDT và hứa trợ cấp đến 5 triệu NDT.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc sẽ bù đắp một phần thua lỗ của các start-up. thậm chí thành phố Ưng Đàm ít nổi tiếng hơn ở tỉnh Giang Tây cũng đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm phát triển doanh nghiệp.

Trong đó, chính quyền Hàng Châu là sốt sắng hơn cả. Thành phố này đang thành lập một quỹ vốn mạo hiểm trị giá 4,7 tỉ NDT với các nguồn đóng góp từ các công ty. Năm nay, Hàng Châu công bố hàng năm sẽ dành 100 triệu NDT để giúp các start-up trang trải các chi phí.

Hàng Châu - trung tâm cơn sốt start-up tại Trung Quốc

Hàng Châu đang trở thành trung tâm cơn sốt start-up tại Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc cải cách tư bản vào thập niên 1980, tỉnh Chiết Giang với thủ phủ Hàng Châu đã nổi lên như là một cơ sở hàng đầu cho các ngành xuất khẩu đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Trung Quốc.

Hiện nay, lòng nhiệt huyết thương mại đang được truyền sang các start-up về công nghệ. Hàng Châu - quê hương của Alibaba, hãng thương mại điện tử nổi tiếng nhất của Trung Quốc - đang trở thành nơi đào tạo các doanh nhân tương lai.

Từ một nơi nghèo nàn và lạc hậu ở ngoại ô Hàng Châu, các khu vực lân cận đại bản doanh của Alibaba đang hoá thành một trung tâm công nghệ ươm mầm tài năng với các khu văn phòng mới xây dựng như Dream Town, nơi thu hút các cử nhân mới tốt nghiệp đầy hoài bão, các nhà đầu tư thiên thần và các nhà tư bản mạo hiểm.

Xuân Hương

New York Times

Trở lên trên