MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn sốt thuốc giảm cân thúc đẩy ngành kinh doanh béo bở tại Trung Quốc

07-06-2024 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Năm ngoái, công ty dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk đã ghi nhận doanh thu bán thuốc trị tiểu đường Ozempic tăng gấp đôi tại Trung Quốc, lên gần 700 triệu USD, chiếm 5% doanh số toàn cầu.

Cơn sốt thuốc giảm cân thúc đẩy ngành kinh doanh béo bở tại Trung Quốc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: China Photos

Theo trang Al Jazeera, Ozempic đã được Trung Quốc chấp thuận sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường vào năm 2021. Tuy nhiên, nhờ có thành phần chống béo phì là semaglutide, nhu cầu về loại thuốc này đã tăng vọt. Nhiều người gọi đây là thuốc giảm cân của người nổi tiếng trên mạng.

Nhiều người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng và vlogger Trung Quốc đã quảng bá Ozempic là thuốc giảm cân hiệu quả trên mạng xã hội. Các nền tảng này cũng là nơi ra đời của một số thử thách làm đẹp thu hút chú ý trong nhiều năm qua, trong đó có trào lưu khoe vóc dáng mảnh khảnh – tiêu chuẩn sắc đẹp của những cô gái trẻ.

Bà Pan Wang, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales (Australia), chia sẻ: “Nhìn chung, gầy là tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ Trung Quốc. Một số người thậm chí còn sẵn sàng thể hiện và theo đuổi tiêu chuẩn này bất chấp sức khỏe”.

Theo bà Wang, nhu cầu tăng vọt đối với thuốc giảm cân Ozempic không có gì đáng ngạc nhiên. “Nhiều người ở Trung Quốc hiện nay sẵn sàng thử mọi phương pháp và thực phẩm bổ sung để giảm cân”, bà nói.

Những người muốn giảm cân bằng mọi giá không chỉ giới hạn ở những phụ nữ trẻ, có ý thức làm đẹp trên mạng xã hội. Trung Quốc có số lượng người thừa cân hoặc béo phì lớn nhất thế giới, với khoảng một nửa dân số bị thừa cân. Bà Wang cho biết tỷ lệ béo phì gia tăng, kết hợp với tiêu chuẩn làm đẹp khắt khe, khiến thị trường Trung Quốc trở thành triển vọng hấp dẫn đối với các nhà sản xuất thuốc như Ozempic.

Nhận thấy thị trường béo bở, nhiều công ty dược phẩm đã tham gia vào cuộc đua sản xuất thuốc giảm cân.

Novo Nordisk đã nộp đơn lên cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc để mở rộng sử dụng thuốc trị tiểu đường Ozempic làm thuốc giảm cân. Công ty này cũng đang kỳ vọng thuốc giảm cân Wegovy sẽ được chấp thuận tại Trung Quốc trong năm nay.

Cơn sốt thuốc giảm cân thúc đẩy ngành kinh doanh béo bở tại Trung Quốc- Ảnh 2.

Logo của Novo Nordisk. Ảnh: China Daily

Tháng 5, Công ty dược phẩm Eli Lilly có trụ sở tại Indianapolis, Indiana (Mỹ) đã được các cơ quan quản lý Trung Quốc cấp phép cho loại thuốc giảm cân Tirzepatide.

Đầu năm nay, Hangzhou Jiuyuan Gene Engineering của Trung Quốc thuộc sở hữu của Tập đoàn dược phẩm khổng lồ Huadong Medicine, cũng nộp đơn xin cấp phép bán thuốc giảm cân mới - đối thủ nội địa đầu tiên của Ozempic.

Dù ngày càng có nhiều công ty tham gia vào thị trường này, nhưng nhu cầu về thuốc giảm cân vẫn vượt xa nguồn cung.

Trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Taobao, giá của Ozempic đã tăng lên 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng), gấp đôi giá ở bệnh viện công.

Trong khi các công ty mới thành lập đang làm việc với các cơ quan y tế Trung Quốc để đáp ứng nguồn cung, thì việc bán các loại thuốc giả chứa thành phần semaglutide đã tăng vọt trên mạng Internet.

Ông Allan Von Mehren, nhà phân tích trưởng và nhà kinh tế Trung Quốc tại Danske Bank, nhận định: “Thị trường xám của các loại thuốc giảm cân đang bùng nổ ở Trung Quốc. Thuốc giảm cân nằm trong một thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn ở nước này”.

Ông Mehren cho biết nhu cầu tăng cao có nghĩa là sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp sẽ không phải là trở ngại lớn trong những năm tới.

“Thay vào đó, hạn chế hiện tại là năng lực sản xuất. Bất kỳ doanh nghiệp nào có thể đầu tư vào năng lực và thống trị thì cuối cùng giành được thị phần lớn nhất”, ông nói và cho hay sự can thiệp và quản lý của nhà nước sẽ mang tính quyết định trong việc xác định doanh nghiệp nào sẽ bị loại và doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi thị trường trong tương lai gần.

Cơn sốt thuốc giảm cân thúc đẩy ngành kinh doanh béo bở tại Trung Quốc- Ảnh 3.

Thuốc trị tiểu đường Ozempic. Ảnh: Getty Images

Tại Trung Quốc, người dân có thể mua Ozempic mà không cần bác sĩ kê đơn. Tình trạng sử dụng thuốc không theo chỉ định ngày càng tăng, hạn chế khả năng tiếp cận thuốc đối với bệnh nhân tiểu đường. Nhưng kể từ năm ngoái, giới chức đã vào cuộc.

Vào tháng 2/2023, cơ quan kiểm duyệt đã xóa hơn 5.000 bài đăng khỏi mạng xã hội Xiaohongshu về những trải nghiệm giảm cân được cho là nhờ Ozempic.

Một tháng sau, nhà chức trách đã tiến hành điều tra, bắt giữ và kết án một số nhà phát triển, buôn bán các sản phẩm semaglutide không được kiểm soát.

Tháng trước, 6 người đã bị truy tố vì bán sô cô la giảm cân có chứa chất cấm sau khi một trẻ nhỏ ăn loại sô cô la này phải nhập viện.

“Khi các loại thuốc mới được chấp thuận ở thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát hơn so với thời điểm Ozempic mới được bán”, ông Von Mehren cho biết.

Mặc dù các sản phẩm phương Tây hiện thống trị thị trường thuốc giảm cân tại Trung Quốc, nhưng sự can thiệp nhiều hơn của giới chức có thể thay đổi điều này. Trong đó, Novo Nordisk đang tham gia vào tranh chấp bằng sáng chế do Huadong Medicine khởi kiện.

Năm 2021, Huadong Medicine đã nộp đơn lên Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Trung Quốc với lý do bằng sáng chế semaglutide của Novo Nordisk tại Trung Quốc – có hiệu lực đến năm 2026 – nên bị vô hiệu.

Bằng sáng chế đã bị vô hiệu vào năm sau, nhưng Novo Nordisk đã kháng cáo và văn phòng cấp bằng sáng chế vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Nếu bằng sáng chế của Novo bị vô hiệu, điều này có thể tăng nguồn cung thuốc giảm cân tại Trung Quốc khi ngày càng nhiều công ty nội địa tìm cách tung ra các sản phẩm tương tự ra thị trường.

Theo Hải Vân

Báo Tin Tức

Trở lên trên