Con trai 4 tuổi hóc xương cá, bố kiên quyết không làm 3 việc để cứu mạng con, bác sĩ hết lời khen ngợi
Sự cứng rắn của người bố đã làm phật lòng bà nội nhưng cuối cùng đã giúp con thoát khỏi nguy hiểm.
- 08-03-2021Cửa hàng lẩu buffet nổi tiếng Hà Nội bị tố thức ăn có gián, phi lê cá còn xương khiến KH bị hóc phải mổ nội soi, dịch vụ chậm
- 30-03-2018Làm gì khi bị hóc xương cá: 3 bác sĩ Singapore hướng dẫn cách xử lý đơn giản và hiệu quả
Cá là món ăn thơm ngon, nhiều đạm lại giàu DHA giúp cho trẻ phát triển trí não và thị lực. Tuy nhiên khi phụ huynh cho con ăn món cá cần phải vô cùng cẩn thận vì xương cá có thể vướng vào cổ họng, trường hợp nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trang Toutiao đưa tin, cách đây không lâu, một bé trai 4 tuổi ở Trung Quốc tên Tiểu Quân đã gặp phải tai nạn khi ăn cá.
Theo lời gia đình chia sẻ, bữa tối của Tiểu Quân có món cá kho cậu bé thích nhất. Một lúc sau, Tiểu Quân mặt mũi tái xanh chạy lại gần bố và nói trong cổ họng rất đau và khó chịu, hình như vừa nuốt phải xương.
Bà nội Tiểu Quân hoảng sợ, vội vàng chạy đi lấy một muỗng cơm lớn bảo cháu nuốt vào cho trôi xương đi. Người bố lập tức ngăn cản và giải thích rằng nếu như mắc xương mà cố nuốt vào có thể làm chiếc xương đâm sâu và gây rách thực quản, tình trạng còn tệ hơn.
Bà nội cảm thấy không vui khi bị từ chối vì từ trước đến nay, cách nuốt cơm khi bị hóc xương vẫn được rất nhiều người áp dụng. Bà liền nói với con trai cho Tiểu Quân uống một ngụm giấm trắng vì trong giấm có chất axit sẽ làm chiếc xương mềm ra.
Lần thứ hai, bố Tiểu Quân lại gạt phắt lời đề nghị của bà. Anh cho biết để làm mềm xương phải mất thời gian vài ngày, làm sao đứa trẻ có thể chờ lâu được như thế. Hơn nữa, việc uống giấm sẽ gây tác hại không tốt đến dạ dày, phương pháp này không khả thi.
Bà nội lại giục cho Tiểu Quân uống nước nhưng tiếp tục bị từ chối. Khi bị hóc xương cá, tốt nhất không nên nuốt mạnh, tránh uống nước hoặc ăn bất cứ thứ gì vì sẽ làm xương cắm sâu vào thực quản.
Sau đó bố cậu bé đã giúp vỗ vào lưng để con tống dị vật ra khỏi cổ họng. Người bố còn dùng đũa ấn nhẹ vào cuống lưỡi kích thích cho con nôn ra. Tuy nhiên thấy chiếc xương cá vẫn không di chuyển, ông bố đã nhanh chóng đưa con trai đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ tại khoa tai mũi họng đã dùng một chiếc nhíp chuyên dụng để giúp Tiểu Quân gắp chiếc xương mắc trong cổ họng ra ngoài. Bác sĩ cho biết vị trí của chiếc xương nằm khá lắt léo, cũng may người lớn không cho Tiểu Quân nuốt cơm, uống giấm hay cố bắt con nuốt vào vì các cách làm này đều vô ích.
Bác sĩ cũng hết lời khen ngợi cách xử lý dứt khoát của bố Tiểu Quân. Phản ứng đúng đắn nhất khi phát hiện trẻ hóc xương cá chính là thực hiện thủ thuật Heimlich giúp trẻ tự nôn dị vật ra ngoài và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Ông cho biết trước đây từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ hóc xương cá được người lớn áp dụng cách nuốt cơm nên gây ra chảy máu thực quản. Vốn dĩ đứa trẻ chỉ cần làm thủ thuật gắp xương cá rất nhanh, sau đó vì rách thực quản mà phải nằm bệnh viện suốt nhiều ngày.
(Nguồn: Toutiao)
Pháp luật và bạn đọc